Theo Sohu, ngày 11/9, nhà Toán học nổi tiếng thế giới Kenji Fukaya đã có buổi đứng lớp đầu tiên tại Trung tâm Khoa học Toán học Khâu Thành Đồng thuộc Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc).
Bài giảng của ông về hình học Symplectic - nghiên cứu không gian nơi các vật thể như hành tinh và hạt chuyển động tương tác với nhau, thu hút sự quan tâm của sinh viên và giảng viên trường.
Trong video Đại học Thanh Hoa chia sẻ, GS Kenji Fukaya bày tỏ: "Khi đứng đây giảng dạy cho sinh viên Trung Quốc sự tập trung cao độ và cống hiến hết mình cho Toán học của các em làm tôi nhớ đến thời trẻ của mình". Ngoài vai trò là giáo sư toàn thời gian ở Đại học Thanh Hoa, ông còn công tác tại Viện Khoa học & Ứng dụng Toán học Bắc Kinh (Trung Quốc).
Năm 1981, ông Kenji Fukaya tốt nghiệp cử nhân Toán học tại Đại học Tokyo (Nhật Bản). Năm 1986, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Ranh giới của tập các đa tạp Riemann với độ cong và đường kính giới hạn, dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Akio Hattori - một nhà Toán học nổi tiếng Nhật Bản.
Nhà Toán học Kenji Fukaya rời Mỹ về Đại học Thanh Hoa giảng dạy. Nguồn ảnh: Đại học Stony Brook
Tốt nghiệp tiến sĩ, ông được Đại học Tokyo giữ lại, đi từ trợ lý nghiên cứu đến phó giáo sư Toán học. Năm 1994, ông được trường bổ nhiệm trở thành giáo sư ở tuổi 35. Đến năm 2013, ông quyết định sang Mỹ với vai trò là thành viên thường trực của Trung tâm Simons về Hình học và Vật lý tại Đại học Stony Brook (Mỹ).
Quá trình làm việc tại đây, ông có nhiều đóng góp quan trọng trong lĩnh vực Toán học. Trước đó, ông tập trung nghiên cứu Hình học Riemann nhưng chưa đạt nhiều dấu ấn. Sau năm 1990, GS Kenji Fukaya chuyển sang nghiên cứu Hình học Symplectic - lĩnh vực đưa tên tuổi của ông đến với cộng đồng Toán học thế giới.
Nghiên cứu Hình học Symplectic về không gian simplectic, đã giúp ông trở thành một trong những nhà Toán học nổi tiếng thế giới cho đến nay. Ngoài ra, GS Kenji Fukaya còn là người khám phá ra phạm trù Fukaya (Fukaya category) - công trình liên quan chặt chẽ với giả thuyết đại số đồng dạng đối xứng gương của Kontsevich (1994).
Khi nhắc về ông phải kể đến cả thành công trong việc chứng minh giả thuyết Arnold (Arnold conjecture) - một nhánh của Hình học vi phân và xây dựng các bất biến Gromov-Witten (GW) tổng quát - những số nguyên đếm số lượng đường cong hữu tỷ (rational curves) trên một đa tạp phức hoặc symplectic thỏa mãn điều kiện nhất định.
Về Trung Quốc làm việc lần này, GS Kenji Fukaya dành nhiều tâm huyết cho việc đào tạo nhân tài. Ông kỳ vọng đây là mảnh đất màu mỡ để các tài năng Toán học của tương lai phát triển mạnh mẽ.
Trong suốt sự nghiệp nghiên cứu Toán học, GS Kenji Fukaya từng nhận một số giải thưởng như: Giải thưởng Hình học của Hiệp hội Toán học Nhật Bản (1989) và Giải thưởng mùa Xuân (1994), Giải thưởng Inoue (2002), Giải thưởng của Viện Hàn lâm Nhật Bản (2003), Giải thưởng Asahi (2009) và Giải thưởng Fujihara (2012)...
Thắm Nguyễn