Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt đưa ra phản ứng về lãnh đạo Ukraine. Ảnh: Getty.
Hôm thứ Ba trong tuần, truyền thông Mỹ đưa tin Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky công khai bác bỏ đề xuất của Washington về một thỏa thuận hòa bình, bao gồm việc công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga – điều được xem là nhượng bộ để chấm dứt xung đột. Động thái này được cho là đã khiến nhiều quan chức Mỹ tức giận, trong đó có Ngoại trưởng Marco Rubio – người đã không tham dự cuộc họp với phái đoàn châu Âu và Ukraine tại London vào hôm 23/4.
Tại buổi họp báo hôm 23/4, người phát ngôn Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết Tổng thống Trump không hài lòng khi ông Zelensky đưa các chi tiết nhạy cảm của tiến trình hòa đàm ra công khai trước báo chí.
“Thật không may, Tổng thống Zelensky đang cố gắng đàm phán hòa bình thông qua truyền thông, và điều đó là không thể chấp nhận được với Tổng thống”, bà Leavitt nói.
Bà nhấn mạnh rằng chính quyền Trump tin rằng các cuộc đàm phán như vậy nên được tiến hành một cách kín đáo, trong khuôn khổ ngoại giao thực chất.
“Đội ngũ an ninh quốc gia và các cố vấn của Tổng thống đã dành rất nhiều thời gian, công sức và tâm huyết để chấm dứt cuộc chiến này. Người dân Mỹ đã bỏ ra hàng tỷ USD cho nỗ lực này, và đến lúc phải nói: Đủ rồi”, Leavitt nói.
Phát biểu của Nhà Trắng phản ánh sự mất kiên nhẫn ngày càng gia tăng trong chính quyền Trump, trước những gì họ cho là “cuộc tranh luận công khai không mang lại kết quả” xung quanh tiến trình hòa bình.
“Tổng thống rất thất vọng. Ông ấy đang dần cạn kiên nhẫn. Ông muốn hành động vì lợi ích toàn cầu, muốn thấy hòa bình, nhưng tiếc rằng Tổng thống Zelensky lại đang đi ngược hướng đó”, bà Leavitt nói thêm.
Người phát ngôn cũng làm rõ rằng ông Trump không yêu cầu Ukraine công nhận Crimea thuộc Nga, mà chỉ kêu gọi một cuộc đối thoại thực tế. “Điều Tổng thống muốn là tất cả các bên phải đến bàn đàm phán với nhận thức rằng đây là một cuộc chiến tàn khốc và đã kéo dài quá lâu”, bà nói
Bà kết luận rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng cần có sự nhượng bộ từ cả hai phía. “Để có được một thỏa thuận tốt, hai bên đều phải chấp nhận rời bàn đàm phán với một chút không hài lòng”, bà Leavitt nói.
Huyền Chi