Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt trong cuộc họp báo ngày 11/4. Ảnh: Reuters.
Theo The New York Times, Văn phòng Báo chí Nhà Trắng đã phớt lờ những câu hỏi qua email từ các phóng viên có chữ ký kèm đại từ nhân xưng như "He/Him" hay "They/Them", với lý do những người này "phủ nhận thực tế sinh học" và "không đáng tin cậy" để đưa tin một cách trung thực. Chính sách này cũng được một số cơ quan liên bang khác áp dụng tương tự.
"Bất kỳ phóng viên nào chọn đưa đại từ nhân xưng vào chữ ký cá nhân rõ ràng không quan tâm đến thực tế sinh học hay sự thật - và vì thế không thể được tin tưởng để viết một bài báo trung thực", Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt tuyên bố với Fox News Digital.
Tại Mỹ, việc ghi rõ đại từ nhân xưng trong email đã trở nên phổ biến trong giới chuyên nghiệp. Việc này được xem như một cách thể hiện sự tôn trọng bản dạng giới của đối phương, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều người chuyển giới hoặc không xác định theo hai giới nam/nữ truyền thống.
Tuy nhiên, với nhiều người bảo thủ trong chính giới Mỹ, việc ghi như vậy bị xem là "phủ nhận thực tế sinh học". Quan điểm này đặc biệt mạnh mẽ hơn khi ông Trump vừa ký sắc lệnh chỉ công nhận hai giới tính nam và nữ sinh học.
Các ý kiến này cho rằng, những ai xác định giới tính khác sinh học thì thiếu khách quan, và điều này ảnh hưởng đến độ tin cậy của báo chí.
Phát ngôn mới từ Nhà Trắng lập tức châm ngòi cho một cuộc tranh cãi dữ dội. Trong khi một số nhà báo và nhà bình luận bảo vệ lập trường của Nhà Trắng, cho rằng đại từ nhân xưng là “thể hiện ý thức hệ” không phù hợp với nghề báo, thì phần đông còn lại phản pháo, gọi đây là “hành động phân biệt giới tinh vi” và “ngụy biện để né tránh báo chí độc lập”.
“Từ chối trả lời phóng viên chỉ vì một dòng chữ ký là một bước thụt lùi nghiêm trọng với tự do báo chí và tinh thần minh bạch”, đại diện The New York Times khẳng định.
Andrew Bates – cựu phát ngôn viên của Tổng thống Biden – thì chỉ trích thẳng và cho rằng đây là chiêu đánh lạc hướng dư luận trước các thất bại kinh tế: "Nhà Trắng của ông Trump đang cố che giấu sự yếu kém sau khi phá vỡ các cam kết kinh tế lớn nhất bằng việc tăng thuế với tầng lớp trung lưu. Họ đang cố gắng khiến công chúng quên đi điều đó bằng cách gây gổ với phóng viên".
Bình luận trên chương trình Outnumbered của Fox News, cây bút Leslie Marshall cho rằng: “Chuyện đại từ không phải là vấn đề mà người dân bàn đến ở bàn ăn gia đình. Việc Nhà Trắng công khai chỉ trích điều đó là phản cảm và không cần thiết”.
Tuy nhiên, vẫn có người ủng hộ chính sách này. Mary Margaret Olahan, phóng viên thường trú tại Nhà Trắng tại The Daily Wire, tuyên bố: "Việc ghi đại từ là tuyên ngôn chính trị và cả về giới tính nữa! Không thể chấp nhận được trong môi trường chuyên nghiệp".
John Ashbrook, đồng dẫn chương trình podcast Ruthless và từng dự một cuộc họp báo với tư cách "truyền thông mới", cho rằng điều này không có gì đáng phàn nàn: "Chưa từng có chính quyền nào minh bạch ngay từ đầu như thế này".
Một số phóng viên Nhà Trắng khác lại xem sự việc là “hài hước” và không rõ liệu chính sách này có được áp dụng một cách nghiêm ngặt hay không. Họ cho rằng trong thực tế, phần lớn phóng viên thường tiếp cận trực tiếp Thư ký báo chí hoặc liên hệ qua tin nhắn, ứng dụng như Signal thay vì email.
Bên cạnh đó, tờ Washington Post cho biết ít nhất một phóng viên của họ vẫn nhận được phản hồi từ Nhà Trắng dù trong chữ ký có đại từ nhân xưng.
Việc Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Donald Trump từ chối trả lời email từ các phóng viên sử dụng đại từ nhân xưng trong chữ ký đang vấp phải làn sóng chỉ trích cho thấy cuộc chiến văn hóa tiếp tục lan rộng vào từng chi tiết nhỏ trong đời sống chính trị Mỹ.
Ngoài ra, chính quyền Trump đang tiếp tục có các chính sách gây tranh cãi về giới, bao gồm việc cấm người chuyển giới trong quân đội, ngăn họ tham gia thi đấu thể thao nữ và loại bỏ ngôn ngữ về bản dạng giới trong toàn bộ văn bản của chính phủ liên bang.
Phương Linh