1- “Thành phố chưa dừng chân - Nên ấm từng mái ngói - Như anh trong cuộc đời - Say mê và rất vội”. Tôi bắt gặp những câu thơ này lần đầu (bài thơ “Thành phố chưa dừng chân” trong tập thơ cùng tên - Nhà xuất bản Tác phẩm mới, năm 1985) cách nay gần 40 năm, khi Nha Trang còn “ấm từng mái ngói” như nhà thơ Giang Nam viết. Bạn bè tôi thích bài thơ một phần ở nhịp điệu trẻ trung hợp với tâm trạng tuổi mới lớn những năm cuối trung học, phần nữa nó vang lên một tình yêu da diết về thành phố mà chúng tôi sắp tạm chia tay: “Thành phố tuổi thơ anh - Em không sinh ở đó - Bãi cát trắng hàng dương - Anh từng nghe sóng vỗ/Thành phố tuổi thơ anh - Hôm qua còn bỡ ngỡ - Em không hiểu vì sao - Em nhớ và em nhớ…”.
Nha Trang những tháng năm đó vừa cùng cả nước trải qua thời hậu chiến (sau năm 1975), dồn sức cho 2 cuộc chiến biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc (1978 - 1979), lại vừa thoát khỏi bó buộc thời bao cấp ngặt nghèo (1975 - 1985). Ký ức đô thị ngày ấy có cả chuyện phơi nông sản trên hè phố, ngăn nhà phố ra nuôi heo, đào sân lên trồng rau… Nhưng vượt qua tất cả, Nha Trang vẫn đi tới. Nhiều đường phố đất cát bay mù dần được tráng nhựa. Các khu gia binh cũ nhường chỗ cho khu dân cư mới. Những khu nhà tole được thay mái ngói. Bộ mặt phố phường giai đoạn này thay đổi chủ yếu nhờ nhóm công trình cơ quan nhà nước được cải tạo, xây mới: Trụ sở UBND các cấp, các ty… và các trường: Đại học Thủy sản, Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, Nhà trẻ Hương Sen…
Một góc TP. Nha Trang. Ảnh: AN NGUYỄN
Đời sống dịch vụ thì như “gói trọn” vào các cửa hàng mua bán, cửa hàng ăn uống. Sôi động nhất là chợ Đầm tròn, được gọi “Cửa hàng bách hóa tổng hợp Nha Trang”, trung tâm thương mại nổi tiếng của cả miền Trung lúc bấy giờ. Chợ Đầm thành nơi ghi dấu ước hẹn đôi lứa một thời: “Chợ Đầm và ngã Sáu - Dấu chân nào của anh - Em yêu từng khung cửa - Khoảng trời nào cho em?/Giận anh và thương anh - Vẫn muôn đời bé bỏng - Bao lần hẹn rồi quên - Vậy mà em vẫn đến…” (Thành phố chưa dừng chân).
***
2- Rồi lần lượt chúng tôi rời Nha Trang, có đứa vào đại học, đứa lên đường nhập ngũ, vài đứa ra nước ngoài… Khi đó bài hát “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ” (nhạc Phạm Minh Tuấn phổ thơ Nguyễn Nhật Ánh) khá thịnh hành. Bài hát viết ở tận Sài Gòn, nhưng nhiều đứa nghe xong lại nhớ Nha Trang. Cứ nghe câu “Có tự bao giờ hàng me xanh ngắt…” là nhớ hàng me trên đường Thái Nguyên quá đỗi…
Những năm đầu thập niên 1990, Nha Trang bắt đầu chuyển mình sau giấc “ngủ đông” thời bao cấp. Mỗi lần về lại thành phố là một lần ngạc nhiên. Đầu tiên là 2 con đường cửa ngõ nội thành: Đường 2 tháng 4 đầu phía bắc và 23 tháng 10 đầu phía nam lột xác ngoạn mục, mở rộng đến không ngờ. Nhà cửa lụp xụp biến mất nhường chỗ cho đại lộ có dải phân cách 2 chiều thênh thang. Nơi khởi đầu những chuyến đi và trở về của chúng tôi: Bến xe nội tỉnh (góc đường 2 tháng 4 với Sinh Trung) và bến xe ngoại tỉnh (cuối đường Ngô Gia Tự) dời đi như có phép lạ. Các cửa hàng ăn uống cũ kỹ cũng biến mất, khi những hotel, restaurant, cafeteria… hiện ra rực rỡ mời chào.
Ở phía biển, dải công viên và Quảng trường 2 tháng 4 được xây dựng lại đẹp hơn. Lại thêm nhiều khách sạn, khu nghỉ mát hiện đại: Nha Trang Lodge, Yasaka, Ana Mandara... Mỗi chiều đạp xe xuống đường Trần Phú là mỗi lần như thấy du khách đổ về nhiều hơn.
***
3- Bạn bè tôi rời Nha Trang rồi không về lại, nhiều đứa định cư ở nơi xa. Mỗi khi nhớ về Nha Trang, câu thơ “Thành phố chưa dừng chân” lại vang lên như một điệp khúc trong lòng: “Hoa phượng đỏ bên đường - Đoàn xe rung cành lá - Nha Trang ơi có nghe - Anh nói về em đó!”. Còn những đứa trở lại thì chứng kiến thành phố bước vào giai đoạn đột phá, ở đầu thế kỷ XXI.
Năm 2002, đường Trần Phú nối ra cây cầu vượt sông Cái ngay ở xóm Cồn. Con đường mới chạy qua bãi dương - Hòn Chồng, ra chân núi Cô Tiên, lượn qua đèo Vĩnh Lương nối Quốc lộ 1. Còn ở phía nam, đại lộ mới qua khu sông Lô, vượt đèo Cù Hin nối với sân bay đã dời vào Cam Ranh. Mấy năm sau, thành phố như vươn một cánh tay ra biển với Khu du lịch Vinpearl Land, Hòn Tằm và các tour biển, đảo. Con đường Trần Phú thư nhàn năm nào giờ rộn rịp thêm những khách sạn đẳng cấp quốc tế: Novotel, Sheraton… Du khách đổ về nườm nượp, nhất là vào những mùa Festival biển.
Sang những năm 2010 - 2020, ở phía tây, vùng đồng trũng biến mất để hiện lên cả một thành phố mới với hàng loạt khu đô thị: Mỹ Gia, Lê Hồng Phong 1, Lê Hồng Phong 2 , VCN Phước Hải, VCN Phước Long, An Bình Tân… Thành phố mở rộng sang cả bên kia sông Quán Trường, rồi tiếp tục mở dài theo đường Võ Nguyên Giáp lên tận Diên Khánh.
Biến đổi nào cũng diệu kỳ vì trước khi xảy ra chúng không bao giờ cho ta hình dung hết được. Những đứa trẻ tóc xanh ngày nào giờ đây đầu lốm đốm bạc. Chúng tôi đã già, còn thành phố thì ngược lại, vẫn trẻ trung, vẫn tiến về phía trước. Qua bao thăng trầm, chợt nghiệm ra Nha Trang - “thành phố chưa dừng chân” này - luôn cần những bước đi tự tin, đầy tư duy và cảm xúc, chứ không cần hô hào ào ạt, phát triển nóng với những sai lầm mà “phải rất lâu mới khắc phục được”.
***
4- Giờ mỗi lần đi qua căn nhà 48 Yersin của nhà thơ Giang Nam, tôi lại nhớ lần hỏi chuyện ông sau cùng, cách đây đã hơn 5 năm. Lần đó, nhà thơ nói nhiều về nhà bác học A.Yersin trong tác động tới giới cầm quyền Đông Dương hồi đầu thế kỷ XX để thành lập đô thị Nha Trang. Từ thời đó, A.Yersin đã đề xuất mở một con đường nối trực tiếp Nha Trang - Đà Lạt nhưng bất thành. Phải hơn 60 năm sau khi nhà bác học qua đời, con đường ông mơ ước mới thành hiện thực.
Giờ thì nhà thơ Giang Nam cũng đã đi xa. Ông cũng không có cơ hội thấy cao tốc Nha Trang - Đà Lạt sẽ được xây dựng. Và, Nha Trang còn sẽ mở hầm đường bộ xuyên dãy Cù Hin, sẽ nâng cấp Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh để đón thêm du khách. Nhiều ước vọng của tiền nhân đang dần hiện thực.
Từ đường A.Yersin, tôi đi về phía biển.
Gió biển mang mùi vị xa xăm vẫn lồng lộng thổi qua những hàng dương đứng đó đã bao năm. Trùng dương xanh đến chân trời kia, luôn mở ra những dự phóng lớn lao. Tôi nhớ quy hoạch Nha Trang đến năm 2040 có đề ra trong 20 năm tới, Nha Trang sẽ là thành phố du lịch nghỉ dưỡng biển quốc tế, đồng thời là một trung tâm thương mại tài chính tầm vóc khu vực Đông Nam Á. Trước mắt tôi, công viên bờ biển rồi sẽ được mở rộng và dài hơn. Đường Trần Phú nối dài về phía nam vượt qua Cửa Bé bằng cầu An Viên. Trên tuyến này còn có: Bảo tàng A. Yersin, ngôi làng của biển, công viên di sản văn hóa, quảng trường có sức chứa hơn 11.000 người, Nhà hát Đại Dương, cầu kính bắc qua chùa Từ Tôn... Như những con sóng nối tiếp ngoài kia, ước vọng nối tiếp ước vọng chưa bao giờ ngưng nghỉ cho thành phố này.
Thế đấy, Nha Trang có bao giờ dừng chân…
NGUYỄN VĨNH XƯƠNG