Công ty Điện lực Đông Anh (Hà Nội) kiểm tra các nhà trọ trên địa bàn về việc thu tiền điện theo quy định. Ảnh minh họa: TTXVN
Nhiều nhà trọ đồng loạt tăng giá điện
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chính thức điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân, với mức mới là 2.103,11 đồng/số (chưa bao gồm thuế VAT) từ ngày 11/10/2024. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Theo khảo sát, chỉ sau vài ngày giá điện được điều chỉnh, nhiều nhà trọ tại các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa (TP Hà Nội) đồng loạt điều chỉnh giá từ 4.000 đồng lên 5.000 đồng/số, với lời giải thích "do nhà nước tăng giá".
Lê Quang Huấn (20 tuổi), một sinh viên đang thuê trọ trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), cho biết, giá phòng thuê trọ rộng 20m2 là gần 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Huấn còn phải chi trả nhiều phí sinh hoạt khác như tiền nước (100.000 đồng/người), tiền điện (trước đây là 4.000 đồng/số).
"Cách đây khoảng 1 tuần, chủ nhà trọ thông báo là từ tháng 11/2024 sẽ tăng giá điện lên thành 5.000 đồng/số. Sang tháng tới chắc em phải đi tìm công việc gì làm thêm để bù đắp vào tiền điện hàng tháng. Hoàn cảnh gia đình em khó khăn, bố mẹ em chắc không thể chu cấp thêm cho em được. Đợt bão số 3 vừa rồi, ở nhà em thiệt hại mấy mẫu chuối, giờ còn đang nợ tiền ngân hàng nữa", Quang Huấn nói.
Nhiều nhà trọ tăng giá điện khiến người lao động, sinh viên thuê trọ lo lắng
Anh Tạ Tú Thành (32 tuổi), hiện thuê trọ ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, anh cũng mới nhận được thông báo từ chủ nhà trọ về việc tăng giá điện từ 4.000 đồng lên 5.000 đồng từ tháng 11/2024.
Vợ chồng anh và 2 đứa con mỗi tháng mùa hè dùng hết khoảng 400 số điện, còn mùa đông hết khoảng 300 số. Nếu áp dụng giá 4.000 đồng/số thì tiền điện phải trả cho chủ nhà trọ khoảng 1,2-1,6 triệu đồng/tháng, tùy theo mùa. Còn áp dụng giá mới, mỗi tháng gia đình anh sẽ mất thêm vài trăm ngàn đồng tiền điện.
"Mỗi tháng chi phí sinh hoạt tăng thêm vài trăm ngàn tiền điện thì tôi cố gắng tăng ca là bù được nhưng điều tôi băn khoăn là việc chủ nhà trọ tự ý tăng giá điện như vậy có đúng với quy định của pháp luật không", anh Thành nói.
"Chủ nhà trọ tự ý tăng giá điện là chưa đúng quy định của pháp luật"
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình (Văn Phòng luật sư Tinh Thông Luật) cho biết, khoản 4 Điều 10 Thông tư 16/2014 sửa đổi bởi Thông tư 09/2023 của Bộ Công Thương đã quy định rõ việc áp giá điện cho đối tượng sinh viên, người lao động thuê trọ.
Trường hợp thứ nhất, sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê không phải là một hộ gia đình), áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 3 (101-200 số) là 2.271 đồng/số, chưa bao gồm VAT cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ, không tính theo lũy kế.
Trường hợp này áp dụng cho người ký hợp đồng thuê nhà dưới 1 năm và chủ nhà không thực hiện kê khai số người sử dụng điện.
Trường hợp thứ 2, khi chủ nhà kê khai được đầy đủ số người thuê thì cứ 4 người thuê nhà được coi là một hộ gia đình để áp giá điện sinh hoạt như một hộ dân bình thường. Giá sẽ là 1.893 đồng với 50 số điện đầu tiên (chưa bao gồm thuế VAT); những số tiếp theo sẽ được tính theo biểu giá lũy tiến mới cập nhật từ ngày 11/10/2024.
Trường hợp này áp dụng cho trường hợp có ký hợp đồng thuê trọ 1 năm trở lên, có đăng ký tạm trú/thường trú.
Hoặc trường hợp thuê dưới một năm, có đăng ký tạm trú và chủ nhà kê khai số người sử dụng điện. Chủ nhà phải có trách nhiệm khai báo số lượng người thuê trọ của từng phòng cho cơ quan điện lực địa phương để có cơ sở áp giá điện cho người thuê.
Luật sư Diệp Năng Bình, Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật
"Như vậy, có thể thấy việc các chủ nhà trọ tính giá điện ở mức từ 4.000 đồng đến 5.000 đồng/số là chưa đúng với quy định của pháp luật. Chủ nhà trọ có hành vi vi phạm về tính giá điện có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng theo quy định của pháp luật", luật sư Bình nhận định.
Theo ông Bình, ngoài việc bị phạt tiền, chủ nhà trọ còn có thể phải nộp lại số tiền thu lợi bất chính để hoàn trả cho cá nhân, tổ chức bị chiếm đoạt.
"Người đi thuê nhà cần phải hiểu rõ các quy định của pháp luật để khi bị thu giá điện vượt mức thì có thể trao đổi với người cho thuê trọ và yêu cầu chủ nhà trọ tuân thủ theo quy định pháp luật. Trong trường hợp bên chủ nhà trọ vẫn tiếp tục vi phạm thì có quyền làm đơn ra các cơ quan chức năng có thẩm quyền để yêu cầu xử lý theo đúng quy định của pháp luật", ông Bình khuyến nghị.
Tuy nhiên, theo ông Bình, thực tế hiện nay, việc xử phạt những vi phạm này còn nhiều bất cập. Tại nhiều khu trọ, mọi trao đổi đều được thực hiện qua "giao dịch miệng" nên rất khó trong việc kiểm soát, xử lý.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Cụ thể, theo số liệu thống kê, năm 2022, cả nước có trên 1,27 triệu hộ nghèo, hộ gia đình chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo chủ trương của Chính phủ.
Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hằng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 số/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 số/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hằng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 số/hộ/tháng.
Theo tính toán của EVN, giá điện bình quân sau khi điều chỉnh sẽ tác động đến từng nhóm khách hàng. Cụ thể: Với nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ (có 547 ngàn khách hàng), sau khi thay đổi giá, trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 230 ngàn đồng/tháng. Với nhóm khách hàng sản xuất (có 1.909 ngàn khách hàng), sau khi thay đổi giá, trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 432 ngàn đồng/tháng. Còn với nhóm khách hàng hành chính sự nghiệp (có 681 ngàn khách hàng), sau khi thay đổi giá, trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 90 ngàn đồng/tháng.
Nguyễn Long