Sau khi rời quân ngũ, ông chuyển sang làm báo, rồi theo đuổi sự nghiệp viết văn chuyên nghiệp. Với bút lực dồi dào và trái tim luôn hướng về những phận người sau chiến tranh, ông trở thành cây bút hàng đầu về đề tài hậu chiến ở Việt Nam, trong đó đáng chú ý là những trang viết về thương binh, liệt sĩ.
1. Nhà văn Minh Chuyên là một trong những cây bút nổi bật của nền văn học hiện đại Việt Nam, đặc biệt ở thể loại truyện ký và tiểu thuyết. Ông được biết đến như người viết nhiều nhất về đề tài hậu chiến, với một sự nghiệp sáng tác bền bỉ và đồ sộ. Tính đến nay, ông đã xuất bản hơn 70 tập truyện ngắn, truyện ký, tiểu thuyết, kịch bản văn học và là chủ biên của bộ sách chuyên đề nổi tiếng “Nỗi đau sau chiến tranh”. Không chỉ dừng lại ở sự nghiệp văn chương, ông còn tham gia viết kịch bản và đạo diễn tới 255 tập phim tài liệu, đưa những câu chuyện hậu chiến đến gần hơn với đông đảo công chúng.
Với những đóng góp xuất sắc, nhà văn Minh Chuyên đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (năm 2017), Kỷ lục gia Việt Nam (2018) dành cho người sáng tác các tác phẩm văn học, điện ảnh, truyền hình về đề tài hậu chiến tranh nhiều nhất Việt Nam, Kỷ lục gia châu Á (2021) dành cho người có tác phẩm văn học, điện ảnh về đề tài hậu chiến tranh nhiều nhất châu Á và vinh dự lớn lao nhất - danh hiệu Anh hùng Lao động được phong tặng vào năm 2024.
Nhiều tác phẩm của ông đã được đưa vào sách giáo khoa, trở thành một phần trong hành trang tri thức và cảm xúc của nhiều thế hệ học sinh. Những trang viết giàu tính nhân văn, xoáy sâu vào nỗi đau da cam, những số phận bị bỏ quên sau chiến tranh, đã thực sự lay động trái tim bạn đọc, tạo nên sức ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn hóa và tinh thần của xã hội.
Năm 2018, ông đã thành lập Bảo tàng Tác phẩm hậu chiến tranh - Minh Chuyên, một không gian lưu giữ hàng nghìn tư liệu, bản thảo, tác phẩm và hiện vật gắn liền với đề tài hậu chiến. Bảo tàng không chỉ là nơi tưởng niệm, mà còn là điểm hẹn văn hóa, nơi thế hệ sau có thể tìm thấy ký ức, sự thật và lòng nhân hậu qua từng trang viết.
2. Trước năm 2010, tôi chưa từng gặp Minh Chuyên. Dù vậy, tôi đã “gặp” ông qua những trang viết chân thực và ám ảnh về thân phận người lính, về thương binh, liệt sĩ như “Thủ tục làm người còn sống”, “Người không cô đơn”... Cái cảm giác ấy khiến tôi nhớ đến câu nói của người xưa: “Văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình”.
Cho đến một lần, lúc ấy tôi đang làm Ủy viên chuyên đề văn học của Hội Nhà văn Việt Nam. Dịp đó, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (cũ), một cuộc thi sáng tác về đề tài thương binh, liệt sĩ đã được phát động. Khi cuộc thi đã đi đến hồi kết, hạn nộp bài chỉ còn tính từng ngày, trong khi rà soát danh sách các tác giả tham gia, tôi bỗng giật mình khi không thấy tên Minh Chuyên. Tôi liền gọi điện cho ông, dù chưa một lần gặp gỡ, tôi vẫn tin chắc, với đề tài này, không ai xứng đáng hơn Minh Chuyên. Rồi ông nhận lời và gửi bài. Kết quả cuộc thi thật bất ngờ, bài viết của Minh Chuyên giành giải Nhất. Tôi vui như thể chính mình được vinh danh. Ngày trao giải, ông bước xuống từ sân khấu, đến bên tôi, bắt tay, mắt ánh lên niềm cảm kích.
Đầu tháng 5-2025, tôi nhận được giấy mời từ nhà văn Minh Chuyên, báo tin ông sẽ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động - một sự kiện trọng đại được tổ chức tại quê nhà Vũ Thư, Thái Bình (nay là tỉnh Hưng Yên). Sáng hôm ấy, tôi có mặt tại Vũ Thư sớm hơn 2 tiếng đồng hồ. Tôi muốn tranh thủ thời gian để được tham quan Bảo tàng tư nhân của ông - một không gian mà tôi từng nghe nhắc đến nhiều lần nhưng chưa có dịp tận mắt chứng kiến.
Nhà văn Minh Chuyên trong không gian Bảo tàng Tác phẩm hậu chiến tranh - Minh Chuyên.
3. Bảo tàng Tác phẩm hậu chiến tranh - Minh Chuyên, dù được coi là bảo tàng tư nhân nhưng thực chất là một không gian thiêng liêng nơi tưởng niệm những anh hùng, liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ, trong đó có cả bàn thờ các anh hùng, liệt sĩ của tỉnh Thái Bình (cũ). Bàn thờ trang nghiêm đặt giữa gian chính, khói hương trầm mặc như nối liền quá khứ và hiện tại. Không gian xung quanh chất đầy sách, tầng tầng lớp lớp, từ sàn nhà đến tận trần, nhưng không phải kiểu sắp đặt khô cứng như thư viện công cộng, mà là sự bài trí đầy mỹ cảm, toát lên chiều sâu văn hóa của người một đời cầm bút.
Hầu hết những cuốn sách ấy đều viết về chiến tranh. Bên cạnh đó là khoảng hơn một trăm đầu sách gồm những bản thảo quý, những tập sách đã xuất bản của nhà văn Minh Chuyên. Xen lẫn trong đó là kỷ yếu các hội thảo, những bộ phim truyền hình, ký sự, những công trình của bạn bè, đồng nghiệp viết về ông. Không gian trong Bảo tàng còn lưu giữ biết bao hiện vật quý giá - những huân chương, huy chương, bằng khen, giấy chứng nhận giải thưởng và cả những tấm bằng xác nhận kỷ lục gia Việt Nam, kỷ lục gia châu Á... Tất cả đều là những dấu mốc của một hành trình lao động nghệ thuật bền bỉ, miệt mài, thầm lặng mà đầy vinh quang. Trên các bức tường, trong tủ kính hay góc nhỏ nào đó là vô vàn bức ảnh quý ghi lại khoảnh khắc ông chụp cùng bạn văn, những người anh hùng, những cựu chiến binh và cả bè bạn bốn phương về thăm Bảo tàng. Có ảnh ông tiếp lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; có ảnh ghi lại khoảnh khắc bạn bè quốc tế lặng lẽ trước từng trang viết, từng kỷ vật... Những kỷ vật chiến tranh, những trang viết về thời hậu chiến - ám ảnh, day dứt, sâu lắng - như âm thầm kể lại bao mất mát, hy sinh, và cả những khát vọng âm ỉ cháy trong từng con chữ. Không gian ấy, đối với tôi, là một miền ký ức sống động, khiến lòng không khỏi bồi hồi mỗi khi nhắc đến.
Không ồn ào, không khoa trương, nhà văn Minh Chuyên vẫn âm thầm bước đi, kiên nhẫn dựng xây một thế giới riêng mang tên mình - nơi lưu giữ tinh thần và dấu tích của những năm tháng khốc liệt nhất, những thân phận bị lãng quên và cả những vinh quang thầm lặng nhất của dân tộc. Tôi đã từng đọc tác phẩm của ông, từng gặp và trò chuyện cùng ông, nhưng nếu lần này không trực tiếp trở về quê hương ông, không đặt chân đến Bảo tàng Tác phẩm hậu chiến tranh - Minh Chuyên, thì có lẽ tôi sẽ không thể nào hiểu hết được chiều sâu giá trị và ý nghĩa của công trình ấy lớn lao đến nhường nào.
Lê Tuấn Lộc