Nguyễn Huy Thiệp: Nhà văn giỏi biết rắc muối trên từng trang viết

Nguyễn Huy Thiệp: Nhà văn giỏi biết rắc muối trên từng trang viết
9 giờ trướcBài gốc
Sinh thời, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật truyện ngắn với những tác phẩm như Tướng về hưu, Những ngọn gió Hua Tát... Ông được trao Huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp năm 2007 và giải thưởng Premio Nonino của Italy năm 2008.
Bên cạnh truyện ngắn, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp còn có những bài tiểu luận bàn về những vấn đề chung của văn chương, của sáng tác, về tâm thế của nhà văn.
Cuốn sách Trò chuyện với hoa thủy tiên và… của ông vừa được Nhà xuất bản Trẻ tái bản mới đây gồm những bài tiểu luận - phê bình quan trọng được viết trong khoảng thời gian đang xảy ra cuộc tranh luận văn học về ông (1988 - 1992).
Ngoài ra, ông còn có các bài báo dưới dạng tạp văn (ký tên Dương Thị Nhã) in rải rác trên các báo Tiền Phong, Nông nghiệp Việt Nam, Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh… từ năm 2000 trở đi; các bài viết chân dung, giới thiệu bạn bè văn nghệ và chủ kiến của ông về những cây bút trẻ đương thời.
Các bài viết này bàn về nhiều vấn đề trong lý luận - phê bình và sáng tác văn học, như sứ mệnh của nhà văn, giá trị và cái đẹp của văn chương, các thể loại văn học... Đặc biệt, ông nêu ra nhiều nhận xét và góp ý về tình hình văn chương trong nước hiện tại, về những cơ hội và khó khăn, những điều cần cải thiện…
Đó là những nhận xét cá nhân thẳng thắn, gai góc, mà có chỗ ông gọi là nói “trắng phớ” ra những điều mà mọi người vẫn tránh né hoặc “không nỡ” nói ra. Ngoài ra, ông còn viết về những người đồng nghiệp, những bạn văn bạn thơ mà ông quý trọng.
Văn chương dựng người ta dậy
Như nhiều người cầm bút khác, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp suy ngẫm nhiều về nhiệm vụ, chức năng, hay “thiên chức” của văn học - mà ông cho rằng không nên đề cao quá mức, để sinh ra sự “sùng bái, sợ hãi”.
Ở mức độ cơ bản nhất, ông cho rằng “văn học là khoa học về con người”. Môn khoa học đó cần phải hướng con người vươn tới những điều tốt đẹp: Viết về cuộc sống, viết về con người cũng là để tìm ra những “lẽ đời” thật đẹp và giản dị làm “tấm gương soi chung” cho mọi người. Đấy cũng là sứ mạng. Văn học có giá trị là thứ văn học có khả năng sản xuất ra những người cao thượng và những tình cảm cao thượng.
Trên hết, ông tin rằng văn học có khả năng thôi thúc và thức tỉnh con người: “Chúng ta hãy thử hình dung một người sinh ra, làm lụng, ăn uống, sống hoàn toàn mê man trong những phép tắc lề luật, những khuôn khổ đạo đức tù đọng, “hết ngày dài lại đêm thâu”, thời gian cứ thế trôi đi, rồi chết. Tất cả những điều ấy diễn ra vô nghĩa, tầm thường, quanh quẩn, không so sánh, không đối chiếu… như thế sẽ kinh khủng như thế nào.
Văn chương không cho phép người ta sống thế, văn chương thôi thúc, đánh thức tất cả tiềm năng con người trong họ và cảnh tỉnh rằng: “Này! Sống thế nào thì sống, sống như thế khổ lắm, nhục lắm, sống như thế đểu lắm, khốn nạn lắm… Mau mau lên, sắp hết đời rồi". "Sự thôi thúc ở văn chương dựng người ta dậy”.
Sách Trò chuyện với hoa thủy tiên và… Ảnh: ML.
Nhà văn giỏi bao giờ cũng có một chút muối rắc trên từng trang viết
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tin tưởng vào sức mạnh của văn học, tin rằng bằng cách riêng của nó, văn học góp phần vào tiến bộ xã hội. “Gạt sang bên sự nhếch nhác của hiện thực, nhặt ra những mảnh vụn sang trọng trong tư tưởng nhà văn, cưu mang nó, đấy chính là tiến bộ. Loài người đã nhích từng tí một đến chân lý nhờ những hạt vàng tư tưởng ấy. Nó cứu cuộc đời theo cách riêng của nó”.
Để văn học thực hiện được những nhiệm vụ và sứ mệnh như trên, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cho rằng người sáng tác phải gửi gắm vào tác phẩm những tư tưởng và tình cảm lớn mạnh, cao cả. Đó là “muối”, là “lòng tín ngưỡng với sự sống”, là sự “hướng thượng”, là “đạo”.
Trong tác phẩm của mình, những nhà văn giỏi bao giờ cũng có một chút muối rắc đâu đó trên từng trang viết. Muối xát lòng người đọc một thì xát lòng người viết ra nó mười lần.
Nhưng “đối với nhà văn không có lòng tín ngưỡng với sự sống thì những trang viết của anh chỉ có thể dừng ở mức độ viết kiếm ăn thôi chứ nâng lên được tầm văn hóa thì còn lâu mới với tới.”
Ý thức tín ngưỡng, hướng thượng, vươn lên sự cao cả, chân lý, cái đẹp, sự tuyệt đối phải là những hòn than ủ đỏ trong tác phẩm nhà văn.
“Văn chương hay bởi có “lời đạt”, “lời đạt” là bởi có “đạo”, “đạo” xuất phát từ “tâm” tức là trái tim người viết. Đã không viết thì thôi, chứ viết ắt phải có tâm, phải có tấm lòng.
Theo nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, muốn tác phẩm có được những tư tưởng và tình cảm lớn, người sáng tác phải lao động nghiêm túc, phải nghiên cứu, tích lũy, đi thực tế, xê dịch, thậm chí phải “tự làm khó mình”.
“Muốn viết văn, nhà văn dứt khoát phải biết cách nghiên cứu con người. Bước đầu của việc nghiên cứu đấy là ngay từ đầu anh ta phải biết cách nhìn, biết cách quan sát bản thân mình, sau đó mới mở rộng ra quan sát “ngoài thiên hạ”.
Công việc của nhà văn bắt đầu từ đâu? Tôi nghĩ rằng phải bắt đầu từ việc nghiên cứu bạn đọc, đúng hơn là phải nghiên cứu tâm lý dân tộc trong cả một khoảng thời gian dài.Trên cơ sở đó nhà văn dọn ra món ăn tinh thần cho cả thời đại mình”.
Cũng theo nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, sáng tạo văn học, nó cũng giống như bước nước rút trong các cuộc chơi thể thao. Trước đó người ta phải tập luyện, tích lũy. Chu trình đọc sách, “đi thực tế”, suy nghĩ và viết lách đan cài nhau trong cuộc sống thường nhật là thứ “lao động thường xuyên, thiếu nó sẽ không có cái thực sự vĩ đại” (A. Pushkin).
“Vậy làm thế nào để không nhạt bây giờ? Sống, đương nhiên rồi. Tu nhân tích đức, đương nhiên rồi. Xê dịch, đương nhiên rồi. [...] Điều khiến cho nhà văn, nhà biên kịch 'không nhạt' là ở chỗ anh ta dứt khoát phải đọc, phải học hỏi, phải 'tự làm khó mình'”.
Bên cạnh việc bàn về nhiệm vụ của văn chương, tư tưởng của tác phẩm và lao động nhà văn, trong cuốn sách, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp còn chia sẻ nhiều kiến giải của riêng ông về một số thể loại văn học như truyện ngắn, thơ và tiểu thuyết. Ông cũng đã đưa ra nhiều nhận xét bén nhọn về tình hình văn học ở nước ta hiện tại và nêu ra một số gợi ý và đề xuất để nền văn học của nước ta phát triển hơn nữa.
Minh Châu
Nguồn Znews : https://znews.vn/nguyen-huy-thiep-nha-van-gioi-biet-rac-muoi-tren-tung-trang-viet-post1546710.html