Đây là lần đầu tiên Nhà vua Philippe đến Việt Nam với cương vị người đứng đầu Hoàng gia Bỉ. Trước đó, ông đã 3 lần thăm Việt Nam vào năm 1993, 2003 và 2012 khi giữ cương vị Thái tử Bỉ. Hoàng hậu Mathilde từng thăm Việt Nam năm 2012 với tư cách Công nương Bỉ và năm 2023 với tư cách Chủ tịch danh dự UNICEF Bỉ.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đón Nhà vua Bỉ và Hoàng hậu tại sân bay Nội Bài rạng sáng 31/3. Ảnh: TTXVN
Trả lời báo chí trước chuyến thăm, Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Karl Van den Bossche cho biết Nhà vua Philippe và Hoàng hậu là những người "có ấn tượng sâu sắc về đất nước và con người Việt Nam, dành tình cảm yêu mến cho mảnh đất chữ S".
Ông cho biết đây sẽ là chuyến thăm chứa đựng nhiều sự thân tình của Nhà vua và Hoàng hậu. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác cùng có lợi giữa Việt Nam với Bỉ, thiết lập quan hệ cá nhân giữa các lãnh đạo cấp cao Việt Nam với Bỉ.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên sau hơn 50 năm hai nước thiết lập, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới; là dấu mốc lịch sử quan trọng, đưa quan hệ hai nước bước vào chặng phát triển mới, với tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác được thúc đẩy thực chất, hiệu quả hơn".
Thứ trưởng nhấn mạnh, việc Nhà Vua cùng Hoàng hậu thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, trong bối cảnh Nhà Vua Bỉ rất ít khi thực hiện các chuyến công du đến các nước bên ngoài khu vực châu Âu trong năm, đã cho thấy sự coi trọng đặc biệt của Bỉ dành cho Việt Nam và vai trò, vị thế của Việt Nam tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Chuyến thăm của Nhà vua Vương quốc Bỉ và Hoàng hậu tới Việt Nam lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước diễn ra tốt đẹp sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1973). Bỉ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 3,8 tỷ USD, năm 2024 đạt 4,45 tỷ USD (chủ yếu bao gồm dược phẩm, hóa chất, máy móc thiết bị và sản phẩm công nghệ cao).
Về đầu tư, Việt Nam và Bỉ ký Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư ngày 24/01/1991. Tính đến tháng 12/2024, Vương quốc Bỉ có 100 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,1 tỷ USD, đứng thứ 23/139 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam và đứng thứ 6/27 quốc gia thành viên EU có đầu tư tại Việt Nam. Antwerp - Zeebrugge, cảng lớn nhất châu Âu nằm ở Bỉ, đã góp phần gia tăng xuất nhập khẩu của Việt Nam đến châu Âu thông qua kết nối và hoạt động giao thương.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cho biết thêm, dự kiến, tháp tùng Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ trong chuyến thăm lần này có 34 CEO của các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn hàng đầu của Bỉ và EU trong các lĩnh vực dịch vụ hậu cần, cảng biển, chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế, thực phẩm… và 16 lãnh đạo các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu của Bỉ.
“Điều này thể hiện mong muốn của Bỉ trong việc cùng Việt Nam củng cố những nền tảng hợp tác sẵn có, đồng thời tìm kiếm, khai phá các cơ hội hợp tác mới, trong những lĩnh vực tiềm năng mà Bỉ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu,” bà Hằng nhận định.
Đỗ Thảo