Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị bị thiệt hại nhiều do sách giáo dục của đơn vị bị in và tiêu thụ lậu đứng đầu về số lượng. Nhiều giải pháp đã và đang được Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam triển khai để ngăn chặn vấn nạn sách lậu, sách giả.
Nhiều nguy hại từ sử dụng sách giả
Theo thống kê sơ bộ của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, có trên 37 triệu bản sách giáo dục và hơn 18 tấn bán thành phẩm sách giáo dục in lậu dở dang bị phát hiện và xử lý tại hầu hết các tỉnh, thành phố. Các cơ quan chức năng đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra và phát hiện các hành vi in lậu, phát hành sách giáo khoa giả nổi cộm trong cả nước.
Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam áp dụng các công nghệ mới để ngăn ngừa sách giáo dục giả.
Theo ông Nguyễn Chí Bính, Phó Tổng giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, sách giả được làm rất tinh vi, nhìn bên ngoài giống sách thật, nhưng chất lượng in không đạt yêu cầu. Sách giáo dục giả nếu có sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức, hay bị thiếu dữ liệu, không cập nhật thông tin… sẽ dẫn đến sai lệch về nội dung, kiến thức tiếp nhận của học sinh. Với những sách in bị mờ, không bảo đảm quy cách, tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thể chất của học sinh, nhất là về thị lực.
Sách giả ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của giáo viên, tác giả, đơn vị xuất bản, đối tác liên kết; triệt tiêu sự sáng tạo và làm thất thu ngân sách nhà nước; đặc biệt có nguy cơ và tác hại đến đối tượng sử dụng chủ yếu là học sinh; là hành vi vi phạm bản quyền nghiêm trọng. Các đối tượng in - phát hành sách giả đã dùng các thủ đoạn ngày càng tinh vi để tổ chức hoạt động in sách giả, phát hành sách giả một cách chặt chẽ, kín đáo nhằm tránh sự kiểm tra, phát giác của các cơ quan chức năng.
Đối với các nhà xuất bản nói chung và Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam nói riêng, sách giả gây thiệt hại trực tiếp về kinh tế, giảm sút về doanh thu, do các ấn phẩm này thường được bán với chiết khấu cao vì không phải trả các chi phí như bản quyền, dạy thực nghiệm, giới thiệu, tập huấn… Bên cạnh thiệt hại về kinh tế, sách giáo dục giả ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Đối với xã hội, sách giả gây rối loạn thị trường, khó khăn cho các nhà xuất bản khi phải đối diện với việc cạnh tranh không công bằng. Chính quyền và các cơ quan chức năng phải tốn nhiều nguồn lực để xử lý vấn nạn này, từ việc kiểm tra, thu hồi sách lậu đến việc xử phạt các đối tượng vi phạm.
Tồn tại sách giả, vì sao?
Cũng theo ông Nguyễn Chí Bính, nguyên nhân chính dẫn đến việc còn tồn tại vấn nạn sách lậu, sách giả xuất phát từ lợi nhuận cao; nhận thức, ý thức về bảo vệ bản quyền của một bộ phận người tiêu dùng chưa cao.
Sách giáo dục giả có lợi nhuận cao vì các đối tượng in lậu không phải trả các chi phí như bản quyền, dạy thực nghiệm, giới thiệu, tập huấn… Chi phí in ấn và phân phối sách lậu thường thấp hơn nhiều so với sách thật, đó là cơ hội để những người in sách lậu bán sách với giá thấp hơn, chiết khấu cao hơn nhưng vẫn thu được lợi nhuận lớn.
Ngoài ra, việc thực thi các quy định về bản quyền và chống sách in lậu còn chưa đủ mạnh, thiếu nhân lực và công nghệ để kiểm soát. Một số đối tượng lợi dụng những kẽ hở trong luật pháp để in và phát hành sách lậu. Đồng thời, trong thị trường vẫn luôn tồn tại một bộ phận khách hàng muốn mua sách với giá thành rẻ do họ chưa có ý thức về bảo vệ bản quyền, cũng chưa hiểu rằng sử dụng sách lậu, sách giả là tiếp tay cho việc vi phạm pháp luật. Họ đơn giản coi việc mua sách lậu là cách để tiết kiệm tiền mà không nghĩ đến hậu quả lâu dài.
Sách giáo dục bị làm giả thường được in và phát hành nhanh ngay tại thời điểm kết thúc năm học và chuẩn bị bước sang năm học mới, nhằm đáp ứng nhu cầu tức thì của thị trường trước khi sách thật có thể được phân phối rộng rãi.
Thị trường có cung, có cầu ắt tạo cơ hội cho sách lậu phát triển. Những lý do và động cơ này tạo nên một môi trường thuận lợi cho sự tồn tại lâu dài của việc in và phát hành sách lậu, sách giả, gây nhiều thiệt hại cho các NXB.
Các giải pháp ngăn chặn
Để ngăn chặn vấn nạn sách lậu, sách giả, theo ông Nguyễn Chí Bính, cần áp dụng đồng bộ các biện pháp từ phía các nhà xuất bản, cơ quan quản lý và người tiêu dùng. Về phía ngành Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt về việc triển khai các biện pháp bảo vệ quyền lợi của giáo viên, học sinh. Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đã rất tích cực, chủ động trong việc phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện công tác phòng chống sách lậu, sách giả.
Thời gian vừa qua, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tăng cường triển khai nhiều biện pháp để ngăn nạn sách giả, sách lậu. Cụ thể là duy trì yêu cầu chuẩn mực cao và tính chính xác đối với chất lượng nội dung và hình thức, mẫu mã sách của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. Bên cạnh đó, đơn vị còn áp dụng các công nghệ mới để ngăn ngừa sách giáo dục giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như: Mã vạch, QR code, tem chống giả đặc thù, tem công nghệ mới dán trên xuất bản phẩm để có quyền truy cập vào tài nguyên, dữ liệu online, ứng dụng nhận diện sách thật, sách giả...
Học sinh nên mua sách giáo khoa tại hệ thống phân phối chính thức.
Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật, chính quyền địa phương... để phát hiện, xử lý các hành vi in và phát hành sách giả; chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức bạn đọc về tác hại của sách giả, sách lậu thông qua các hội thảo, các triển lãm trưng bày, nhận diện sách thật, sách giả; khuyến cáo giáo viên, phụ huynh và học sinh tìm mua sách tại hệ thống phân phối chính thức, không mua sách từ các nguồn trôi nổi trên thị trường để tránh mua phải sách in lậu, sách giả.
Để ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi nạn in lậu sách, ông Nguyễn Chí Bính cho rằng cần phải có thêm những biện pháp mạnh mẽ, triệt để và đồng bộ. Trong đó, cần tăng cường áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi sản xuất, phân phối và tiêu thụ sách lậu, sách giả. Đồng thời, công tác chống nạn sách lậu, sách giả cũng rất cần sự vào cuộc, hỗ trợ và đẩy mạnh truyền thông từ phía các cơ quan thông tấn, báo chí để nâng cao ý thức người tiêu dùng.
Thống Nhất