Mỹ dự kiến áp dụng thuế đối ứng đối với hàng hóa nhiều nước, dự kiến có hiệu lực từ ngày 2-4. Ảnh minh họa: Hàng hóa xuất khẩu từ cảng Los Angeles, Mỹ.
Phàn nàn các rào cản thương mại của nước ngoài
Tổng thống Donald Trump đã thông qua thuế đối ứng áp vào nhiều nước, dự kiến có hiệu lực vào ngày 2-4. Thuế đối ứng nhằm mục đích đáp trả các mức thuế và rào cản thương mại khác mà nước ngoài áp đặt đối với hàng xuất khẩu của Mỹ.
Chính quyền của ông đã mời các công ty Mỹ gửi phản hồi về những trở ngại thương mại gặp phải ở nước ngoài. Một loạt công ty từ nhiều ngành kinh doanh như uranium, tôm, áo phông và thép đã gửi thư phản hồi, nêu bật các hoạt động thương mại không công bằng của nước ngoài. Mục đích là để tác động đến chương trình nghị sự thương mại của ông Trump theo hướng có lợi cho các công ty này.
Trong thư phản hồi gửi đến cho USTR, các công ty Mỹ chỉ ra mức thuế cao của Brazil đối với ethanol và thức ăn cho thú cưng, mức thuế cao của Ấn Độ đối với hạnh nhân và hồ đào, và những hạn chế của Nhật Bản đối với khoai tây nhập khẩu.
Trong khi đó, các nhà sản xuất tôm của Mỹ nêu chi tiết về việc hàng nhập khẩu giá rẻ từ nước ngoài, đặc biệt là từ các nước như Việt Nam, đã làm giảm giá tôm trong nước. Những lời phàn nàn khác bao gồm thuế quan cao của châu Âu đối với mứt trái cây và rào cản của Canada đối với sữa chua.
Kế hoạch áp thuế đối ứng của ông Trump vẫn chưa rõ ràng về chi tiết. Các cố vấn của ông ám chỉ khả năng áp thêm thuế đối với hàng nhập khẩu từ các nước có rào cản cao đối với hàng hóa của Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đề cập đến nhóm 15 nước có thặng dư thương mại cao với Mỹ cũng như thuế quan cao đối với các sản phẩm của Mỹ. Nhóm này có thể bao gồm các đối tác lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.
Ông Bessent cho biết, mỗi nước sẽ đối mặt với mức thuế đối ứng riêng của Mỹ, phản ánh mức thuế và rào cản thương của nước đó đối với hàng xuất khẩu của Mỹ, dù một số nước có thể đàm phán các thỏa thuận để tránh thuế này.
Tổng thống Trump nhiều lần tuyên bố ngày 2-4 sẽ là “ngày giải phóng” nước Mỹ khỏi nhiều năm bị nước ngoài lợi dụng thương mại. Tuyên bố của ông dù hùng hồn nhưng đôi khi không nhất quán.
Hôm 24-3, ông gợi ý về một sự nới lỏng tiềm tàng với thuế đối ứng khi nói rằng: “Tôi có thể nương nhẹ nhiều nước”.
Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định mức thuế đối ứng sẽ “đáng kể”. Sự mơ hồ này khiến các công ty Mỹ rơi vào thế khó: muốn giảm rào cản của nước ngoài nhưng lại lo sợ thuế quan sẽ phản tác dụng, bằng cách đóng cửa thị trường xuất khẩu hoặc bị trả đũa.
Thận trọng với “canh bạc” thuế đối ứng
Đối với một số công ty, kế hoạch áp thuế đối ứng của ông Trump là một cơ hội vàng. Nhiều lá thư gửi tới Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) kêu gọi các quan chức gây áp lực để nước ngoài giảm thuế nhập khẩu hoặc giảm các cuộc kiểm tra đang cản trở các nhà xuất khẩu Mỹ.
Ví dụ, những nhà sản xuất cờ Mỹ và bồn tắm nước nóng Jacuzzi cho rằng, sự cạnh tranh từ Trung Quốc đe dọa sự tồn vong của những doanh nghiệp này.
Trong khi những người trồng cây thông Noel kêu gọi áp thuế cao với cây thông nhân tạo từ Trung Quốc. Ngành công nghiệp gia cầm nhấn mạnh rào cản của Trung Quốc đối với các bộ phận của gà như chân, đầu cổ cánh, với hy vọng tiếp cận thị trường này tốt hơn.
Tuy nhiên, một số công ty khác lại cảnh giác, không muốn thu hút sự chú ý. Các công này lo ngại, hành động khiếu nại có thể khiến họ trở thành mục tiêu trong các cuộc tranh chấp thương mại, làm gián đoạn thị trường xuất khẩu mà họ đang phụ thuộc.
Các nhà xuất khẩu lớn của Mỹ trong lĩnh vực thịt heo, đậu nành, bắp và dầu thực vật đã giảm nhẹ báo cáo bằng cách cảnh báo về những rủi ro gây mất ổn định thương mại toàn cầu.
Hiệp hội Công nghệ người tiêu dung (CTA), đại diện cho các công ty công nghệ Mỹ, bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về việc các mối đe dọa về thuế quan đối với châu Âu có thể phá hủy hệ thống thương mại.
Phòng Thương mại Mỹ (USCC) cũng bày tỏ lập trường thận trọng, cung cấp dữ liệu về rào cản thương mại của nước ngoài nhưng minh định rõ rằng, dữ liệu này không nhằm mục đích biện minh cho việc áp thuế đối ứng rộng rãi. Thay vào đó, USCC hy vọng, dữ liệu này sẽ hướng dẫn các nhà đàm phán của Nhà Trắng giải quyết các vấn đề cụ thể cho các doanh nghiệp Mỹ.
Điều này phản ánh một căng thẳng lớn hơn: các công ty Mỹ muốn thoát khỏi những hạn chế thương mại từ nước ngoài nhưng lại sợ bị mắc kẹt trong “canh bạc thuế quan lớn” của ông Trump. Thuế đối ứng có thể gây áp lực, buộc các nước phải dỡ bỏ rào cản thương mại nhưng cũng có thể khơi mào các biện pháp trả đũa, gây tổn hại đến xuất khẩu của Mỹ.
Phần thưởng đi kèm rủi ro
Lịch sử cho thấy các quyết định thương mại bốc đồng của ông Trump, như làn sóng thuế quan trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông dẫn đến hành động trả đũa, càng làm tăng thêm sự bất ổn.
Một số rào cản mà các công ty Mỹ hiện đang phàn nàn, chẳng hạn như thuế mứt việt quất của Trung Quốc hoặc thuế bơ đậu phộng của châu Âu, bắt nguồn từ những cuộc chiến thương mại trước đó.
Ngay cả hãng xe điện Tesla của tỉ phú Elon Musk, đồng minh của ông Trump cũng cảnh báo, các mức thuế quan trước đây của Mỹ đã dẫn đến mức thuế cao hơn đối với xe điện của Mỹ ở nước ngoài, khiến các nhà xuất khẩu xe điện của Mỹ chịu rủi ro không cân xứng.
Mục tiêu của Nhà Trắng đối với thuế đối ứng rất đa dạng nhưng lại mơ hồ: tạo ra sự công bằng hơn cho thương mại, cắt giảm thâm hụt thương mại và tăng doanh thu thuế quan để cắt giảm thuế doanh nghiệp trong nước.
Chính phủ Mỹ đang đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là định hình một chính sách thống nhất từ lượng thông tin đầu vào khổng lồ nói trên.
Nguyên tắc cốt lõi của ông Trump về thuế đối ứng là phản ánh thuế quan của những nước khác, có thể dẫn đến những thay đổi sâu rộng. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng của thuế đối ứng cũng giống như việc tung một đồng xu: hoặc giảm rào cản thương mại trên toàn cầu hoặc dẫn đến một cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt.
Hiện tại, các nhà xuất khẩu của Mỹ, từ những người trồng khoai tây cho đến hang xe Tesla, đang đối mặt với những rủi ro và phần thưởng của một kế hoạch vẫn chưa được xác định.
Theo NY Times
Lê Linh