Dòng chảy song song độc đáo
Thuật ngữ “indie” nghĩa là “độc lập”, bắt nguồn từ “independent” trong tiếng Anh. Dòng nhạc indie (hay “Independent music”) là xu hướng âm nhạc độc lập, có thể bao gồm tất cả các thể loại, dòng nhạc; được sản xuất bởi các nghệ sĩ tự do, không liên quan và phụ thuộc đến bất kỳ hãng thu âm thương mại hay công ty nào.
"Hoàng tử indie" Vũ tiếp tục tạo dấu ấn với đêm concert "Bảo tảng của tiếc nuối" thu hút 14.000 khán giả tại Hà Nội.
Xuất hiện từ những năm 1950 - 1960 và nở rộ vào cuối thập niên 1980, nhạc indie đòi hỏi sự thành thạo về kỹ thuật, đồng thời yêu cầu nghệ sĩ sở hữu cá tính độc đáo, khác biệt hoàn toàn so với nhạc thương mại theo lối thị trường. Vốn được phát triển bởi các cá nhân hoặc nhóm nhạc tự chủ hoàn toàn trong quá trình sáng tác, thu âm, hòa thanh phối khí, nhạc indie mang hơi thở phóng khoáng và tự do trong đam mê sáng tạo. Dù mới du nhập vào thị trường Việt Nam nhưng dòng nhạc indie đang có bước chuyển mình mạnh mẽ bởi những tài năng hội tụ ở hai miền.
Nếu những ca khúc đại chúng như pop, ballad thường tuân theo một cấu trúc nhất định, khiến người nghe dễ hiểu, dễ cảm; thì indie như một mê lộ kỳ bí với những ngã rẽ độc đáo, bất ngờ. Đó là những giai điệu ngọt ngào và mộc mạc của guitar, du dương và da diết của piano, sôi nổi nhiệt thành của trống điện, mênh mông và sâu thẳm của violin, mộng mị và huyền ảo của nguyệt cầm… tất cả cùng hòa điệu trong bữa tiệc âm nhạc indie đa thanh, “đa vị” cho người nghe thỏa sức tận hưởng, đắm chìm. Do đó dù chỉ mới xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại đây, dòng nhạc indie ngày càng được yêu chuộng và có nhiều hứa hẹn trong tương lai.
Trong những năm gần đây, nhạc indie Việt đang có sự phát triển vượt bậc. Từ các nhóm nhạc đang trên đường đua như Da LAB, Chillies, Quyếch, Whee!, Những đứa trẻ, Dấu Vân Tay, Limebócx, The Cassette, The Flob, Gác Mái, Giấy Gấp, Bluemato,... đến các nghệ sĩ indie như Vũ, Tùng, Táo, Thịnh Suy, Trang, Kiên Trịnh, Thế Bảo, Hải Sâm, Mademoiselle, Vũ Thanh Vân, Mạc Mai Sương,…; từ hành trình miên viễn đến những giấc mơ xa của Ngọt, Cá Hồi Hoang, Lộn Xộn Band,... tất cả đều tạo nên dải cầu vồng đa sắc với những giai điệu độc đáo cùng ca từ trong trẻo.
Sôi động các show nhạc “sống”
Năm 2024, bên cạnh các lễ hội âm nhạc lớn như “HAY FEST” (09/2024), “GENFest” (11/2024), “8Wonder Moon Festival” (12/2024), “Lễ hội Âm nhạc quốc tế TP Hồ Chí Minh" (HOZO Festival, diễn ra từ 10/2024 - 12/2024),… làn gió indie từ các show như “CAM gala” (04/2024), “Musicaland” (04/2024), “Forest Playground” (06/2024), “Hội - Thuần - Hội” (10/2024), “Những thành phố mơ màng Year End Tour” (30/11 tại Đà Nẵng, 08/12 tại TP Hồ Chí Minh và 21/12 tại Hà Nội),... đều được thổi bùng mạnh mẽ.
Lối đi sáng tạo của các nghệ sĩ indie Việt trong những thể loại, âm thanh mới cũng góp phần giúp người nghe thỏa lòng trong nhiều sắc thái cảm xúc khác nhau. Bắt mạch cảm xúc, ngôn từ giàu nhạc điệu, thoát khỏi khuôn khổ chính là cách indie hòa theo dòng chảy nhộn nhịp đang thay đổi hằng ngày của nhạc Việt.
Tháng 10/2022, live concert “Một vạn năm” của Vũ. đã bán sạch 10.000 vé từ nhiều tuần trước ngày diễn ra sự kiện. Tổ chức vào tháng 10/2024, concert cá nhân “Bảo tàng của tiếc nuối” của Vũ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thu hút đến hơn 22.000 khán giả tham gia. Tour diễn xuyên Việt “Một Đêm Em Không Say” (2023), “Dòng sông tâm hồn” (27/04 - 24/05/2024) của Thịnh Suy, Vũ Thanh Vân và gần nhất là “THINHSUYDIEN” (11/2024) của Thịnh Suy đều cháy vé. Sự phát triển mạnh mẽ của âm nhạc indie trong những năm gần đây được tạo nên từ miệt mài sáng tạo, chuyên tâm kiên trì của các nghệ sĩ, ban nhạc.
Cuối tháng 10 vừa qua, ban nhạc Quyếch đã tổ chức thành công show "Quyếch concert" tại Hà Nội.
Bức tranh âm nhạc của indie Việt có thể là góc phố với mùa đông buốt giá, một lời hứa bỏ quên, một trái tim cô đơn bọc bởi những giai điệu buồn của Vũ; là một bầu trời u uẩn và trơ trọi, thi vị và chân thành trong tiếng guitar nhẹ nhàng của Thịnh Suy; là một bữa tiệc vị giác bùng nổ của guitar điện, trống bass, pha chút điệu waltz trong đô thị thênh thang của “gã hát rong” Thắng; là một giấc mơ xa, một mùa hè vương vãi khoảng trống và tháng ngày ủ men trong những ngẫm suy chân thật của Tùng; là bầu khí quyển bình yên với ngôn từ và giai điệu dịu mềm như lụa của Trang; là vũ trụ trôi nổi đơn côi và tiếc nuối, dằn vặt và tổn thương, nước mắt và bi hài trong âm nhạc của Táo,… ở các nghệ sĩ độc lập.
Đó còn là những âm thanh huyền ảo, siêu thực từ câu nhạc nằm sâu dưới đáy hồ, tiếng giấy sột soạt cựa mình, tiếng đá rơi… trong các giai điệu của Quyếch, quyện với chất liệu dân gian kỳ ảo song hành giữa ca trù, xẩm, quan họ truyền thống và hip hop, beatbox, electronic hiện đại của Limebócx ở “Quyếch Concert” (10/2024); là những giai điệu bùng nổ cảm xúc, đốt cháy tuổi trẻ trong “Cuối Ngày” (5/2024) của The Flob; là bức tranh âm nhạc lãng mạn và bay bổng, rong ruổi và phiêu lưu trong những ca khúc indie pop pha rock ở chuỗi concert “Trên những đám mây” (từ 3/2023 - 4/2023) của Chillies,… tất cả cùng mở ra những mảnh ghép đầy hấp dẫn, sáng tạo và độc đáo trong giới indie Việt.
Sự bùng nổ đến từ đâu?
Theo dữ liệu của Spotify vào ngày 2/11/2024, bên cạnh vị trí dẫn đầu của các nghệ sĩ đình đám trong bảng xếp hạng (BXH) “Top Hits Vietnam” như: Jung Kook, Jimin, ROSÉ, Bruno Mars, Jin, JENNIE,… đa phần các bài hát lọt top đều thuộc về nghệ sĩ indie nổi tiếng như: Vũ; Da LaB, Minh Tốc & Lam; Madihu; 14 Casper, Bon Nghiêm, buitruonglinh… Trong đó một số tác phẩm dù ra mắt từ lâu nhưng vẫn đứng vững trong BXH như “id 072019” của W/N (7/2023), hoặc có lượt nghe rất cao như: “Cho tôi lang thang của” của Ngọt và Đen (2018); album “Ngbthg” (2018), “Gieo” (2022) của Ngọt; “An thần” (2021) của Thắng; “Thắc mắc” (2019), album “Tiny Things” (2021) của Thịnh Suy,... chứng tỏ âm nhạc của các nghệ sĩ indie có sức sống mạnh mẽ.
Tại Việt Nam, các nghệ sĩ indie thường chia sẻ các sáng tác của mình trên các nền tảng như SoundCloud, YouTube, hay Spotify. Tại đây, công chúng yêu âm nhạc sẽ dễ dàng tìm thấy chất nhạc riêng biệt và độc nhất, những thử nghiệm âm nhạc mới, những cách kể chuyện giản dị mà cuốn hút, thi vị nhưng vẫn đậm chất đời. Dù là các show diễn tại các không gian nhỏ như: quán cà phê, quán bar… hay các concert lớn; từ những bài hát được quảng bá đơn giản đến các sản phẩm âm nhạc được đầu tư chỉn chu, truyền thông rộng rãi… dòng chảy indie vẫn đang lan rộng khắp các thành phố, thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả trẻ.
Lý giải cho sự chuyển động này có thể kể đến việc thay đổi thị hiếu nghe nhạc của những người trẻ thuộc thế hệ Gen Z (nhóm bạn trẻ sinh từ năm 1997 đến 2012). So với thế hệ trước, thị hiếu âm nhạc của giới trẻ Gen Z đa dạng, phong phú và tự do hơn, tương tự như cách các bạn thoải mái thể hiện cái tôi độc nhất, theo đuổi mơ ước, đam mê. Điều này đang có những tác động nhất định đến thị trường nhạc Việt đương đại.
So với âm nhạc đại chúng, các nghệ sĩ indie thường mang trong mình chất riêng với những ca khúc đậm chất đời, giàu chất thơ và lắng đọng suy tư, trải nghiệm. Chính sự thú vị, mộc mạc, giản dị và chân thành trong mỗi chặng đường âm nhạc của nghệ sĩ là điều thu hút và níu chân khán giả đến với dòng nhạc indie.
Năm 2024 được kỳ vọng là một năm bùng nổ của các nghệ sĩ indie Việt với hàng loạt dự án âm nhạc, hợp đồng với các hãng thu âm lớn, những tour diễn xuyên Việt và loạt album chất lượng. Tháng 11/2023, tin vui bất ngờ xuất hiện khi album “Gieo” của Ngọt được đề cử ở hạng mục “Thiết kế đẹp nhất cho một album” (Best Boxed or Special Limited Edition Package) ở giải Grammy 2024. Như làn gió nóng ẩm mang theo hơi thở rạo rực của mùa hè, với sự dụng công, kiên trì của các nghệ sĩ, sự ủng hộ, quan tâm nhiệt tình của công chúng, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào một tương lai rực rỡ trong nước, thậm chí vươn ra biển lớn, tiếp cận khán giả quốc tế của nhạc indie Việt.
Phan Thiên Di