Mới đây, ca khúc "Pickleball" của Đỗ Phú Quí, lấy cảm hứng môn thể thao được yêu thích, ra mắt hôm 15/11 sau hơn một tuần đã có tới 300.000 lượt xem trên YouTube, hàng triệu lượt tương tác trên TikTok.
MV "Pickleball" của Đỗ Phú Quí. Video: YouTube Đỗ Phú Quí
Điều đáng nói, khúc này đang bị nhiều khán giả phản ứng gay gắt vì cho rằng ngôn từ vô nghĩa, thậm chí gợi dục. Đây chỉ là một ví dụ trong vô vàn các nhạc phẩm tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội TikTok, Facebook hay YouTube.
Trước đó, vào đầu tháng 6, bài Fever của tlinh và Coldzy có gần 800.000 lượt nghe trên YouTube đã bị khán giả phản ứng, nhiều câu từ trong bài hát này được cho là nhạy cảm khiến tác giả buộc phải gỡ ca khúc để chỉnh sửa.
Bên cạnh đó, còn hàng chục ca sĩ trẻ, chưa có tên tuổi cũng tung bài hát phản cảm, muốn gây sốc bằng những sản phẩm "nhạc rác" để được công chúng chú ý, nhiều như "nấm mọc sau mưa".
Hiện tượng “nhạc rác” không mới, nhưng vẫn đang có những tác động tiêu cực, khiến không ít người lẫn lộn ranh giới giữa giải trí và nhảm nhí. Điều đáng lo ngại là thứ nhạc này lại được không ít người yêu thích và nghe hàng ngày nên rất nhiều ca sĩ cũng cho đây là một "xu hướng mới".
Trên thực tế, đã có không ít những tác phẩm âm nhạc với nội dung thô tục, phản cảm bị Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xử phạt vì có nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam.
Cụ thể, theo luật, hành vi phát hành những MV dung tục, trái thuần phong, mỹ tục có thể bị xử phạt tiền lên đến 40 triệu đồng, đồng thời bị buộc gỡ bỏ MV trên tất cả nền tảng đã phát hành.
MV có tên "Đổi tư thế", hiện có hơn 1,9 triệu lượt xem. Ảnh: TN
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận định các biện pháp, khung xử phạt hiện nay chưa đủ răn đe. "Nếu tiếp tục buông lỏng, không có sự kiểm soát chặt chẽ hơn, tôi nghĩ tình trạng này sẽ ngày một khó chấm dứt", ông Long nói.
Có thể thấy việc nhạc rác, nhạc nhảm xuất hiện tràn lan trên không gian mạng, một phần là do sự quản lý lỏng lẻo, kiểm duyệt nội dung không kỹ càng của các nền tảng mạng xã hội. Từ đó, các ca khúc có ca từ dung tục, nội dung cổ xúy cho các tệ nạn xã hội, hay lối sống thiếu lành mạnh của giới trẻ phổ biến, lan truyền diện rộng rãi.
Theo các chuyên gia, việc chấn chỉnh và tạo dựng một môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng hiện nay đang đặt ra cấp thiết.
Trước hết, cần tạo dựng hành lang pháp lý phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý, kịp thời sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến môi trường mạng trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật như: Luật Điện ảnh, Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Quảng cáo, Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định về hoạt động Nghệ thuật biểu diễn, Nghị định về hoạt động Mỹ thuật, Nghị định về hoạt động Nhiếp ảnh…
Cùng với đó, phải tăng cường kiện toàn bộ máy quản lý, đội ngũ nhân lực quản trị mạng, công tác kiểm tra, giám sát, kiểm duyệt, cấp phép, thanh tra...
Cần có các chế tài đủ sức răn đe, xử phạt nghiêm minh những vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.
Thủy Tiên