NHẠC SĨ LƯ NHẤT VŨ: Trọn đời cống hiến cho âm nhạc dân tộc

NHẠC SĨ LƯ NHẤT VŨ: Trọn đời cống hiến cho âm nhạc dân tộc
2 ngày trướcBài gốc
Sau hơn 7 tháng điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), dù đã được đội ngũ y - bác sĩ giỏi tận tâm chăm sóc, điều trị, tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng đã rời cõi tạm.
"Tôi sống nhờ nồi cá kho, canh chua, rau luộc"
Sự ra đi của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ trong những ngày cuối tháng 3 đã khiến nhiều người thương tiếc. Hầu như ai cũng yêu quý những sáng tác của ông. NSND Kim Cương xúc động bày tỏ: "Anh Lư Nhất Vũ là ông Bụt của giới nhạc sĩ".
Nhắc đến nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, người trong giới hay nói ví von: "Lư Nhất Vũ và vùng đất Nam Bộ đã nương tựa nhau mà sống, hủ hỉ với nhau một cách chân thành nhất". Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ chỉ cười: "Tôi sống là nhờ nồi cá kho, canh chua, rau luộc… cứ thế qua ngày. Và cứ như vậy mà có sức để đi sưu tầm dân ca, rồi cho ra đời những tác phẩm âm nhạc".
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ được đông đảo khán giả cả nước biết đến và yêu mến với nhiều ca khúc nổi tiếng như: "Chiều trên bản Mèo", "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn", "Hãy yên lòng mẹ ơi", "Bài ca đất phương Nam"… Ông còn là đồng tác giả của nhiều công trình nghiên cứu đồ sộ về dân ca Nam Bộ (cùng viết với một số tác giả: Lê Giang, Nguyễn Đồng Nai, Thạch An, Nguyễn Văn Hoa, Quách Vũ). Trong những ca khúc của ông thường có hình ảnh sâu đậm về người mẹ Nam Bộ. "Tôi chưa có bài hát nào dành tặng riêng cho mẹ. "Hãy yên lòng mẹ ơi" là bài hát tôi viết cho những bà mẹ có con lên đường tòng quân cứu nước, trong đó có mẹ của mình" - ông bộc bạch.
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ rất thích chăm sóc cây. Ông thích tự tay trồng và chăm sóc, rồi ngồi hàng giờ để ngắm. Tâm sự với người viết, ông nói: "Chị Kim Cương nói tôi là ông Bụt, mà ông Bụt thì thường hay hỏi vì sao người khác buồn? Vậy còn nỗi buồn của ông Bụt thì ai hiểu?". Khi đó, nhà thơ Lê Giang - vợ ông - đã trả lời thay chồng: "Ông lại hỏi cắc cớ, vợ của ông Bụt sẽ gánh tất cả". Rồi cả hai ông bà nhìn nhau cười.
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ. Ảnh: TƯ LIỆU
Món nợ với nghệ thuật dân gian
Người viết có dịp cùng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ về Trà Vinh, khi đó ông nghiên cứu về nghệ thuật Rô-băm của người Khmer ở Trà Vinh. Đây là bộ môn nghệ thuật dân gian ra đời cách nay hơn 200 năm và phát triển mạnh vào đầu thế kỷ XX. Khi nghe những nghệ nhân nói về nghệ thuật Rô-băm, ông rất hứng thú và cho biết sẽ cố gắng tìm cho được phiên bản gốc để từ đó sáng tác những ca khúc thể hiện đúng tinh thần của nghệ thuật. Và ông đã mang món nợ này khi đổ bệnh.
Những lần gặp nhau tại Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật TP HCM, ông hay rủ rê người viết: "Ngày mai đi Trà Vinh với tao hông? Bây hứa hoài". Tôi biết ông nói cho vui, bởi sức khỏe khi đó không cho phép ông ngồi xe quá lâu.
Ông cũng hay dặn người viết: "Có gì vui nhớ gọi nói chú nghe nhé". Vậy đó, và cứ gọi thì ông nói chuyện rất lâu, khoe về những món ăn, những chậu hoa ông đang chăm sóc. Hôm Báo Người Lao Động phát động cuộc vận động sáng tác ca khúc chủ đề "Đất nước trọn niềm vui", ông nói: "Chú yếu rồi, ý tưởng trong đầu thì nhiều lắm nhưng khó viết bài tham gia. Nhưng nếu có kết quả thì cho tao hay để biết lớp trẻ hôm nay viết về TP HCM như thế nào".
Tôi chưa kịp báo tin kết quả cuộc thi thì ông đã rời xa.
Sự ra đi của ông để lại nhiều tiếc thương cho giới văn nghệ sĩ, bởi tất cả đều trân trọng công lao to lớn của ông đối với sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp văn học - nghệ thuật nước nhà. Thông tin ông qua đời được các nhạc sĩ, ca sĩ tại TP HCM quan tâm, chia sẻ. Nhiều người gửi lời động viên nhà thơ Lê Giang trước sự mất mát to lớn này.
Xin thắp nén tâm nhang tiễn biệt "ông Bụt" của giới nhạc sĩ. Những sáng tác, công trình nghiên cứu của ông mãi mãi bất hủ.
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà báo Thanh Hiệp (Báo Người Lao Động) tại buổi gặp gỡ các văn nghệ sĩ tiêu biểu của TP HCM đầu năm 2024, do Thành ủy TP HCM tổ chức. Ảnh: NHẬT TÍN
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ (Lê Văn Gắt) sinh năm 1936 tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Năm 1953, ông đã sáng tác bài thơ "Mồ chiến sĩ" gửi in Báo Dân ta ở Sài Gòn, ký bút danh Lư Phong. Tháng 7-1955, ông vượt tuyến ra Bắc và tham gia lực lượng thanh niên xung phong, làm việc ở Nhà máy Gỗ dán Cầu Đuống. Năm 1956, ông thi vào học Trường Âm nhạc Việt Nam. Nhân dịp Trường Âm nhạc Việt Nam làm trang báo tường chào mừng Xuân Đinh Dậu 1957, ông đã gửi tham gia bài thơ "Giờ chia ly" với bút danh Lư Nhất Vũ.
Ông kết hôn với nhà thơ Lê Giang, cả hai là tấm gương sáng cho thế hệ văn nghệ sĩ trẻ noi theo trên con đường nghệ thuật. Ông là biểu tượng của sự giản dị, tận tụy, hết lòng vì âm nhạc và nền văn hóa dân gian Nam Bộ. Âm nhạc của ông để lại nhiều cảm xúc, ẩn chứa nhiều thông điệp nhân văn.
Lễ tang ông được tổ chức tại Nhà Tang lễ quốc gia phía Nam (quận Gò Vấp,
TP HCM). Lễ viếng từ 8 giờ ngày 30-3. Lễ truy điệu lúc 7 giờ ngày 31-3, sau đó an táng tại Nghĩa trang Hoa Viên Bình Dương.
Nhà văn Bùi Anh Tấn viết: "Lời hát trong ca khúc "Hãy yên lòng mẹ ơi": Đoàn quân bước trên đường rừng, Bình minh lấp lánh chân trời xa. Miền biên giới xanh thẳm, Hạt sương long lanh cành lá… của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ mãi mãi vang trong trái tim những người lính cầm súng bảo vệ biên cương. Họ luôn ấm lòng khi nghe bài hát này... Xin tiễn ông rời cõi tạm".
THANH HIỆP
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/nhac-si-lu-nhat-vu-tron-doi-cong-hien-cho-am-nhac-dan-toc-196250329203417609.htm