Nhạc sĩ - NSƯT Huy Sô qua đời

Nhạc sĩ - NSƯT Huy Sô qua đời
6 giờ trướcBài gốc
Nhạc sĩ Huy Sô tên thật là Huỳnh Sanh Châu (sinh năm 1928), đồng nghiệp quen gọi ông là Huy Sô. Gọi vậy là vì tiếng kèn của ông một thời làm cả chiến khu bừng tỉnh. Gọi vậy vì bài ca ông viết không chỉ cất lên từ loa đài mà còn vang vọng trong lòng người, từ Phan Thiết - quê hương ông gió cát đến tận Trường Sơn máu lửa.
Ông là người đã thổi chiếc kèn đồng từ năm 17 tuổi giữa bom rơi đạn nổ, góp phần giữ đất Sông Quao, Mũi Né, Tánh Linh… Người đã gom hết yêu thương, kỷ niệm, mất mát mà đặt thành nhạc, trải thành thơ, viết thành truyện, như thể ông sợ mình ra đi mà chưa kịp gửi lại cho đời những gì chắt lọc từ trái tim.
Nhạc sĩ Huy Sô
Người ta nói ông là nhạc sĩ. Nhưng thơ ông cũng lay. Văn ông cũng níu. Có gì đó mộc mạc, chân thành và buốt nhẹ như cơn gió biển lùa qua mái tóc người lính già ngồi bên hố bom cũ mà nhớ về đồng đội, những người chỉ còn trong trí nhớ.
Nhạc sĩ Huy Sô là người con của quê hương Bình Thuận, được đào tạo âm nhạc chính quy trên đất Bắc rồi được gửi đi học tập ở Nhạc viện Tchaikovsky (Liên Xô cũ) ngành chỉ huy giao hưởng. Cuộc đời ông là tấm gương lao động nghệ thuật trong sáng, bền bỉ, đầy nhiệt huyết với những đóng góp quý giá, đáng trân trọng.
Ông sinh tại Phú Trinh, Phan Thiết, Bình Thuận, tham gia cách mạng từ năm 1945, tập kết ra Bắc tháng 10-1954. Quá trình công tác, ông đã kinh qua nhiều chức vụ khác nhau: Đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân khu 4 (1965-1970); Biên tập viên Văn nghệ Đài B - Đài Tiếng nói Việt Nam (1971-1975); Trưởng Đoàn Ca múa nhạc Thuận Hải (1976-1980); Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin (1981-1985); Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thuận Hải (1986-1990).
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông được phân công phục vụ chiến trường với vai trò vừa làm quản lý vừa chỉ đạo nghệ thuật trên vùng tuyến lửa Quảng Bình ác liệt. Ông vinh dự được cùng tập thể Đoàn Văn công bộ đội Liên khu 5 nhiều lần về thủ đô Hà Nội biểu diễn phục vụ Bác Hồ.
Khi làm biên tập viên Chương trình phát thanh Binh vận của Đài Tiếng nói Việt Nam, ông đã trực tiếp sáng tác, biên tập, dàn dựng nhiều tiết mục ca nhạc có tác dụng tuyên truyền mạnh mẽ, kịp thời, góp phần thiết thực vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Một số tác phẩm tiêu biểu ở giai đoạn này như: “Tiến vào Khe Sanh”; “Cồn Cỏ anh hùng”; “Qua những nhịp cầu”; “Những tên làng gọi chúng ta đi”; “Bài ca lao động”; “Tiếng hát của những người đi xa”…
Hòa bình, ông trở về quê hương năm 1976, bắt tay xây dựng Đoàn Ca múa nhạc Thuận Hải từ những ngày đầu còn bộn bề khó khăn, thiếu thốn. Dưới sự dìu dắt tận tụy của ông cùng các đồng nghiệp, theo thời gian nhiều lớp diễn viên ca, múa, nhạc đã trưởng thành vượt bậc về chuyên môn, trở thành các NSND, NSƯT được cả nước biết đến. Có thể kể một số tên tuổi tiêu biểu như: NSND Đặng Hùng (1936-2022), NSND Minh Mẫn, NSND Thu Vân.
Ông đã có gần hai trăm tác phẩm ca ngợi quê hương, đất nước, lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu, ca ngợi Đảng quang vinh, nổi bật là: Hợp xướng “Quê tôi miền gió cát”, “Tiếng gọi từ biển đảo”; Tổ khúc phổ thơ Hồ Chủ tịch “Cả cuộc đời thao thức”; các ca khúc tiêu biểu: "Hát về mùa xuân tương lai", "Tên Người sống mãi", "Tôi yêu đảo nhỏ quê hương", "Nhớ ơn Đảng quang vinh", "Em đi trồng cây", "Bóng Bác trên quê hương tôi"…
Ngoài âm nhạc, ông còn sáng tác văn - thơ, khảo cứu văn hóa địa phương, tham gia biên soạn công trình Địa chí Bình Thuận. Một số tác phẩm đã xuất bản của ông bao gồm: Tập ca khúc “Mãi như mùa thu” (in chung - 1985); Tập ca khúc (kèm băng nhạc cassette) “Hát về mùa xuân tương lai” (1997); các tập truyện ngắn “Mặt trời tháng Ba” (1987), “Huyền thoại về Láng nước nổi”(1997), tập thơ “Những vần thơ đi cùng năm tháng”(2009).
Trên lĩnh vực khảo cứu, ông đã có những bài nghiên cứu sâu về âm nhạc Chăm, trong đó có nhạc múa Ri Chàprông, những bài trống phục vụ nghi lễ cổ truyền của dân tộc Chăm Ninh - Bình Thuận.
Ông cũng đã viết hàng trăm bài báo phản ánh sự chuyển mình đi lên của quê hương, đất nước; biểu dương những tấm gương “người tốt - việc tốt” tỏa sáng giữa cuộc sống đời thường. Ông được UBND tỉnh Bình Thuận trao tặng Giải thưởng VHNT Dục Thanh lần thứ I (giai đoạn 1992-1995), lần thứ V (giai đoạn 2012-2017); được tặng Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (năm 2002) và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp xuất sắc của ông trên lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật hơn 60 năm qua, ngày 28-11-2023, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu NSƯT cho nhạc sĩ lão thành Huy Sô.
Thanh Hiệp (Ảnh do gia đình cung cấp)
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/nhac-si-nsut-huy-so-qua-doi-196250416095600006.htm