Nhạc sĩ nuôi cả gia đình nhờ ca khúc 'Hổng dám đâu'

Nhạc sĩ nuôi cả gia đình nhờ ca khúc 'Hổng dám đâu'
6 giờ trướcBài gốc
Nguyễn Văn Hiên là nhạc sĩ đa tài. Ông sáng tác nhạc trẻ, nhạc nhẹ, hợp xướng, giao hưởng và cả nhạc thiếu nhi.
- "Hổng dám đâu" được xem là ca khúc nổi tiếng và thành công nhất của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên. Ca khúc này ra đời trong hoàn cảnh nào, thưa ông?
"Hổng dám đâu" ra đời năm 1992. Trong một lần đón con trai ở trường mầm non, tôi hỏi: Con có được cô giáo khen không. Con nói: "Hổng dám đâu". Tôi thấy câu nói này thật ngô nghê, buồn cười và liền viết thành ca khúc.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên.
- "Hổng dám đâu" là ca khúc giúp nhạc sĩ kiếm được rất nhiều tiền?
Đúng! Ca khúc này đã đem lại cho tôi số tiền kha khá để nuôi gia đình và là nguồn thu nhập ổn định nhất. Hiện tại, vẫn có nhiều đơn vị muốn mua bản quyền ca khúc này nhưng tôi không bán. Tôi chỉ làm hợp đồng cao nhất là 3 năm. Từng có nơi đề nghị sử dụng ca khúc và trả tiền bản quyền là 60 triệu đồng, sau này có những nơi trả 90 triệu đồng, rồi 120 triệu đồng. Đó cũng là động lực để tôi tiếp tục sáng tác thêm những bài khác cho thiếu nhi.
- Sáng tác các ca khúc thiếu nhi, ông thấy có dễ hơn các chủ đề khác?
Nhiều người nghĩ sáng tác nhạc thiếu nhi dễ nhưng không phải. Cái khó nhất là phải tìm được chủ đề muốn đưa vào ca khúc. Khi đã có chủ đề và lời thì việc lồng ghép vào nhạc sẽ rất nhanh. Mỗi bài hát, tôi đều gửi gắm một câu chuyện, giúp các cháu dễ hiểu hơn. Tuy nhiên, mỗi thế hệ có cách tiếp thu khác nhau, nên khi sáng tác, tôi phải xác định ca khúc viết cho thế hệ thiếu nhi ở đâu và thuộc lứa tuổi nào rồi chọn nhịp điệu.
Tôi nghĩ nên viết các ca khúc dành cho thiếu nhi, vì đôi khi những lời người lớn dạy các cháu không hiểu, hoặc khó tiếp thu, nếu đưa vào âm nhạc, hiệu quả giáo dục sẽ rất tốt.
- Nhiều người nói gặp nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên rất khó, vì ông thường xuyên đi công tác. Động lực nào khiến ông giữ được niềm đam mê sáng tác, dù đã ở tuổi ngoài 70?
Tôi từng là Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM, quen với những chuyến đi công tác. Sau này, tôi tham gia Ban liên lạc cựu cán bộ của Đoàn thanh niên, nên vẫn phải đi khắp nơi để giao lưu, sáng tác những ca khúc mới không chỉ cho mình mà còn do mọi người đặt hàng.
Ở mỗi vùng đất mới, tôi lại gặp những con người mới. Có những người chỉ gặp lần đầu nhưng đã cảm thấy rất thân thiết, tạo cho tôi nhiều cảm xúc sáng tác. Có những thứ ngồi ở nhà không tưởng tượng ra nổi. Vậy nên, ở tuổi này, tôi vẫn đi rất nhiều.
Nhạc sĩ vẫn miệt mài sáng tác dù đã ngoài 70 tuổi.
- Nhắc đến Nguyễn Văn Hiên, người ta không thể không nhắc đến nhóm "Những người bạn". Ông có kỷ niệm gì về nhóm nhạc của mình?
Đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, tại Việt Nam, nhạc nước ngoài thịnh hành. Nhận thấy cần phải định hướng cho khán giả - nhất là giới trẻ trong nước không chạy theo dòng nhạc hải ngoại, quay lưng với âm nhạc Việt, chúng tôi quyết định thành lập nhóm "Những người bạn", gồm 7 nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên và Thanh Tùng, ra mắt ngày 8/3/1991.
Chúng tôi yêu cầu mỗi người trong nhóm phải sáng tác ít nhất 1 ca khúc mỗi tháng. Ai không có bài mới sẽ bị phạt mời cả nhóm đi ăn. Đó vừa là niềm vui, vừa giúp cả nhóm thúc đẩy nhau sáng tác âm nhạc.
Thời gian này, nhóm chúng tôi thành lập sân khấu tại khuôn viên Nhà văn hóa Thanh niên, mỗi đêm có một chương trình giao lưu với khán giả. Điều thuận lợi là mỗi người trong nhóm ít nhất cũng đã có vài ngàn khán giả hâm mộ. Nếu gom lại, mỗi đêm chỉ cần vài trăm người tới nghe nhạc là sẽ sống được.
Không chỉ có những đêm diễn ở sân khấu, nhóm chúng tôi còn tổ chức lưu diễn, giao lưu với sinh viên các trường đại học ở Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Hà Nội... Những chuyến đi như thế tạo ra nhiều xúc cảm. Ai cũng vui và muốn viết thêm những bài hát mới.
Trong mỗi chuyến đi, nhóm đều có những ca sĩ đi cùng. Tôi vẫn nhớ lần tới Hà Nội, có Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh biểu diễn. Thời đó, họ đang là sinh viên nhạc viện nên chưa nổi tiếng. Chuyến khác có Cẩm Vân, Lê Tuấn…
Nhiều người nghĩ chúng tôi đi biểu diễn nhiều như vậy chắc giàu lắm, nhưng không phải. Nhóm không nhận cát-sê, nếu có tiền bồi dưỡng sẽ đưa hết cho ca sĩ. Tôi nghĩ vì vậy nhóm mới hoạt động lâu bền. Dù mỗi người có cá tính âm nhạc riêng, nhưng chúng tôi chưa bao giờ xảy ra mâu thuẫn. Tất cả anh em đều cảm thấy rất vui.
Hiện tại, nhóm "Những người bạn" chỉ còn tôi, Nguyễn Ngọc Thiện và Trần Long Ẩn. Tôi và Nguyễn Ngọc Thiện thường liên hệ qua điện thoại, trao đổi bài hát với nhau. Trần Long Ẩn sức khỏe yếu, phải nằm bệnh viện. Còn các nhạc sĩ khác như Trịnh Công Sơn, Từ Huy, Thanh Tùng, rồi gần đây nhất là Tôn Thất Lập đều đã rời cõi tạm. Mỗi lần biết tin một thành viên rời xa, tôi lại cảm thấy hụt hẫng.
- Ngoài sự nghiệp âm nhạc, khán giả cũng biết tình yêu hơn 4 thập kỷ của ông cùng bà xã - ca sĩ Kiều Bạch. Ông có thể chia sẻ câu chuyện này?
Vợ chồng tôi nên duyên từ năm 1981, đến nay đã 43 năm. Bí quyết chỉ là cả hai cố gắng nhường nhịn nhau, chưa bao giờ to tiếng. Bà xã chê tôi không lãng mạn vì quá bận bịu cho công việc. Có thời điểm tôi đi công tác liên tục nhiều ngày. Có thể đó cũng là lý do mà hai vợ chồng ít có cơ hội cãi vã (cười).
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên bên bà xã.
- Là nhạc sĩ nổi tiếng, tiếp xúc với nhiều bóng hồng, lại liên tục vắng nhà, có bao giờ ông bị bà xã ghen?
Nhiều người cho rằng tôi là nhạc sĩ thì có cơ hội gặp gỡ nhiều người đẹp, đôi khi sẽ bị xiêu lòng. Tuy nhiên, tôi từng là cán bộ của trường Đại học Kinh tế. Làm công tác sư phạm, giáo dục cho sinh viên nên phải làm gương. Đó là lý do không bao giờ có chuyện lăng nhăng với ai khác.
Khán giả cũng cho rằng khi viết một bài về tình yêu thì sẽ phải có cảm xúc với một ai đó. Nhưng đấy chỉ là cách riêng của mỗi nhạc sĩ. Trước đây tôi cũng viết nhiều ca khúc buồn, thất tình. Lúc đó tôi sẽ nhớ lại những kỷ niệm cũ để viết, chứ không thể mỗi lần sáng tác lại phải thất tình một lần.
- Trải qua bạo bệnh nhưng ông vẫn miệt mài với công việc. Gia đình có khuyên ông nên nghỉ ngơi?
Tôi từng trải qua 3 lần đột quỵ. Lần nặng nhất vào năm 2022. Lúc đó, tôi bị sốc nhiệt khi đang đi công tác tại Hà Nội. Tôi được đưa vào bệnh viện Bạch Mai nằm một đêm. Sau mỗi lần như vậy, tôi biết thêm giá trị và trân trọng sức khỏe của mình. Dù sức khỏe có thay đổi thì tôi vẫn muốn tiếp tục được sáng tác, cống hiến hết mình cho âm nhạc.
Tôi biết mình khá bận rộn nhưng công việc vẫn giúp tôi làm ra tiền. Mỗi lần đi công tác, tôi lại có thêm những sáng tác mới chứ không phải chỉ là đi chơi. Những chuyến đi cũng giúp tôi kết nối thêm nhiều mối quan hệ, và giúp tinh thần thoải mái hơn.
Ở tuổi 71, tôi vẫn chu cấp tiền mỗi tháng cho vợ, con và các cháu. Dù lương hưu chỉ có 8 triệu đồng nhưng mỗi tháng tôi vẫn cho 2 con trai, mỗi con 5 triệu đồng. Còn bà xã tôi đưa 20 triệu đồng. Tôi cảm thấy rất vui.
Nhạc sĩ bên vợ và con cháu.
- Có vẻ như nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên vẫn còn ấp ủ rất nhiều điều với âm nhạc?
Tôi còn rất nhiều sáng tác mới và vẫn đang ấp ủ việc sẽ thu âm hết những ca khúc này. Ngoài ra, tôi sẽ tiếp tục cho ra thêm những cuốn sách nhạc lưu giữ lại những tác phẩm của mình. Tôi vẫn muốn đi thêm nhiều nơi, sáng tác thêm nhiều ca khúc.
Sắp tới, tôi cho ra mắt tuyển tập 36 ca khúc viết về Hà Nội, sau đó là 50 ca khúc về TP.HCM... Ngoài ra, tuyển tập những ca khúc thiếu nhi, ca khúc tuổi mới lớn cũng đang được tôi dự định phát hành.
- Xin cảm ơn nhạc sĩ!
Ngọc Thanh
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/nhac-si-nuoi-ca-gia-dinh-nho-ca-khuc-hong-dam-dau-ar922275.html