Nhận biết kem chống nắng an toàn

Nhận biết kem chống nắng an toàn
6 giờ trướcBài gốc
Hiểu đúng về các chỉ số trong kem chống nắng
Ngày 19/5, giám đốc Sở Y tế Đồng Nai thông báo ý kiến chỉ đạo của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế tới các đơn vị trực thuộc Sở Y tế; trưởng phòng y tế các huyện, thành phố; những đơn vị kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn tỉnh; và Công ty Cổ phần Nhà máy Y tế EBC Đồng Nai. Theo đó, lô kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body (hộp một tuýp 100 gr) bị đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc do chỉ số chống nắng trên nhãn (SPF 50) không phù hợp kết quả kiểm nghiệm chỉ số chống nắng (SPF 2,4).
Ngày 20/5, đoàn kiểm tra của Sở Y tế đã kiểm tra Công ty EBC Đồng Nai. Bước đầu người đại diện công ty xác nhận các lỗi vi phạm quy định về sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm. Cụ thể, sản xuất mỹ phẩm có công thức không đúng như hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm (chất bảo quản 2-phenxyethanol không có trong thành phần trên nhãn);
Kem chống nắng giúp bảo vệ da, song phải chọn đúng loại an toàn cho sức khỏe.
Sản xuất mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng (sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body có chỉ số chống nắng SPF là 2,4 thấp hơn so với chỉ số chống nắng ghi trên nhãn (SPF 50) và sản phẩm Hanayuki Shampoo mẫu thử không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu giới hạn nhiễm khuẩn theo quy định hòa hợp ASEAN);
PGS.TS Phạm Văn Nho, nguyên giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, tia UV còn được gọi là tia cực tím hay tia tử ngoại. Đây là tia có bước sóng thấp, tần số cao và không nhìn được bằng mắt thường. Tia UV được phân thành 3 nhóm chính dựa trên độ dài bước sóng: Tia UVA có bước sóng 315 - 380 nm, chiếm 95% lượng tia cực tím xuống trái đất. Tia UVB có bước sóng 280 - 315nm, chiếm 5%. Tia UVC là tia có năng lượng lớn nhất, bước sóng nhỏ nhất (nhỏ hơn 280 nm) và gây hại cho cơ thể nhiều nhất.
Chỉ số SPF (Sun Protection Factor) là một thông số đo lường khả năng chống tia UVB. Chỉ số SPF trong kem chống nắng thấp nhất là 15 và cao nhất là 100. Theo định mức Quốc tế thì 1 SPF có khả năng bảo vệ làn da và hạn chế tác hại của tia UV trong khoảng 10 phút. Ví dụ kem chống nắng có chỉ số SPF là 15 sẽ có khả năng bảo vệ làn da trong khoảng 150 phút; Kem chống nắng có chỉ số SPF 50 có thể bảo vệ da trong 500 phút.
Còn chỉ số PA (protection grade of UVA) là chỉ số đo lường khả năng lọc tia UVA của kem chống nắng. Thông thường trên bao bì kem chống nắng, chỉ số PA được thể hiện kèm theo các dấu "+". Cụ thể: PA+ có khả năng chống tia UVA ở mức từ 40-50%, PA++ có khả năng chống tia UVA ở mức từ 60-70%, PA+++ có khả năng chống tia UVA tốt lên đến 90% và PA++++ có khả năng chống tia UVA rất tốt, trên 95%.
Nhiều người cho rằng chỉ số SPF càng cao thì khả năng chống lại tia UV càng cao. Tuy nhiên trên thực tế thì điều này không hoàn toàn đúng. Không thể dựa vào chỉ số SPF để đánh giá sản phẩm có SPF cao hơn sẽ tốt hơn so với sản phẩm có số SPF thấp. Đôi khi chỉ số SPF không phù hợp sẽ gây tác động xấu đến làn da. Nên sử dụng các loại kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 đến 50.
Nhận biết kem chống nắng kém chất lượng thế nào?
PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết, kem chống nắng là loại mỹ phẩm có thành phần phức tạp, đặc biệt là kem chống nắng hóa học chứa nhiều loại chất khác nhau để ngấm vào da và tương tác với tia UV. Sử dụng kem chống nắng chất lượng kém sẽ khiến các chất này kích ứng, gây dị ứng hoặc khi tương tác với tia UV thì tạo ra các chất độc hại cho sức khỏe.
Chỉ số chống nắng SPF phụ thuộc vào lượng hóa chất có trong kem chống nắng và cho biết khoảng gian an toàn dưới tia UV. Cụ thể là nhân chỉ số SPF với 10 ta được khoảng thời gian kem chống nắng có thể bảo vệ da khỏi bị cháy nắng. Thí dụ, SPF bằng 30 có nghĩa là kem này có thể bảo vệ da trong 30x10=300 phút. Sau khoảng thời gian này, kem chống nắng cần được bổ sung thêm.
Chuyên gia cho biết, chỉ có cách dùng thử mới nhận biết được kem chống nắng có an toàn cho mình không. Nếu sau khi bôi lên da 15 phút mà không thấy dị ứng thì tiếp tục thử dưới nắng. Nếu da vẫn không có phản ứng nóng rát hoặc cơ thể không có biếu hiện nhiễm độc thí kem chống nắng này an toàn.
Nên thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài 30 phút. Thoa đủ lượng kem để đạt được hiệu quả tối ưu. Lượng kem chống nắng được FDA khuyến cáo là 2mg/cm2. Bôi kem chống nắng kể cả những ngày trời nhiều mây hoặc có mưa.
Ngoài việc bôi kem chống nắng bạn hãy mặc quần áo dài che nắng, đội mũ rộng vành, dùng kính ngăn tia UV, mang khẩu trang vải tối màu và hạn chế ra ngoài vào giờ cao điểm của tia cực tím( 10h – 16h).
Ngoài việc dựa theo chỉ số SPF, PA, thì điều quan trọng nhất bạn cần lưu ý đó là chọn kem chống nắng phù hợp với làn da của mình. Ngoài ra nên có các biện pháp bảo vệ da vào những ngày có chỉ số UV cao. Chỉ số UV thường được cơ quan khí tượng đo và thông báo cho toàn dân. Khi chỉ số này đạt từ 10 trở lên, nghĩa là mức độ bức xạ đang rất lớn, nên tránh ra ngoài trời.
Khi đi du lịch, tránh tắm nắng khi ngoài trời đã nắng gắt. Ngoài ra, không nên sử dụng đèn mặt trời, giường nằm tắm nắng hoặc các dịch vụ làm cho da rám nắng bằng cách sử dụng ánh sáng cường độ cao. Sử dụng kem chống nắng đều đặn mỗi khi ra ngoài, ngay cả khi trời nhiều mây. Tia cực tím có thể xuyên qua mây và qua các loại cửa kính. Sử dụng son dưỡng môi hoặc son môi có chứa chất chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 30.
Tô Hội
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/nhan-biet-kem-chong-nang-an-toan-169250523112844615.htm