Ở phiên tòa xét xử Phạm Văn Đoan (38 tuổi) về tội "Giết người" vào ngày 9-12 tại TAND TP HCM, sự xuất hiện của 2 nhân chứng đã tạo nên một điểm nhấn quan trọng, thu hút sự chú ý đặc biệt từ những người có mặt tại tòa.
Những mảnh ghép sự thật
Hai nhân chứng bước lên bục khai báo giữa bầu không khí căng thẳng ở phòng xử án, thu hút ánh nhìn chăm chú của tất cả những người tham dự. Cả 2 người đàn ông đều còn trẻ, với dáng vẻ vừa điềm tĩnh, vừa không giấu nổi sự căng thẳng.
Người đầu tiên chỉnh lại vạt áo, đứng thẳng người như thể muốn truyền đi sự chắc chắn trong từng lời khai. Anh trả lời các câu hỏi một cách cẩn trọng và rõ ràng. Thi thoảng, anh dừng lại như cân nhắc từng từ để bảo đảm tất cả những gì mình nói đều chính xác. Nhân chứng thứ hai có phần rụt rè hơn nhưng đứng trước HĐXX, ánh mắt anh trở nên sáng rực. Anh trả lời liền mạch, không do dự, như thể những ký ức về sự việc vẫn còn hằn sâu trong tâm trí.
Cả hai khẳng định mình chỉ là những người đi đường, không hề quen biết bị cáo hay bị hại. Họ không rõ nguyên nhân dẫn đến cuộc xô xát trong đêm định mệnh ấy nhưng khắc sâu trong trí nhớ của họ là hình ảnh Đoan với con dao sáng loáng trong tay, cúi xuống và liên tiếp đâm vào nạn nhân đang ngã gục trên mặt đường.
Cảnh tượng kinh hoàng của vụ án khi ánh sáng vàng nhạt từ đèn đường chiếu xuống, in bóng người cầm dao và nạn nhân nằm bất động trên mặt đất, được tái hiện. Không gian trong phòng xử án như lặng đi, chỉ còn tiếng trả lời dứt khoát vang lên, khiến tất cả đều phải dõi theo. Từng lời khai của hai nhân chứng được ghi chép cẩn thận, mỗi chi tiết được nhắc tới như một mảnh ghép, dần làm sáng tỏ bức tranh toàn cảnh.
Ngồi ở vị trí ngang tầm với bục khai báo, Đoan hơi nghiêng đầu sang phải mới có thể nhìn rõ hai nhân chứng. Thế nhưng, suốt quá trình họ trả lời trước tòa, ánh mắt Đoan không rời khỏi họ dù chỉ một khoảnh khắc. Cái nhìn vừa sắc bén như muốn dò xét tận cùng suy nghĩ của nhân chứng. Sự tập trung đến lạnh lùng ấy khiến nhiều người dự khán không khỏi cảm thấy bất an.
Bị cáo Phạm Văn Đoan nghe tòa tuyên án
Trả giá
TAND TP HCM từng phải hoãn xét xử Đoan vì nhiều tình tiết trong vụ án chưa được làm rõ. Lần này, sự xuất hiện của hai nhân chứng đã giúp làm sáng tỏ những khuất tất, tuy nhiên bị cáo Đoan vẫn một mực phủ nhận trách nhiệm.
Mặc dù thừa nhận có xô xát và dùng dao tấn công nhưng bị cáo không nhận tội gây ra cái chết cho nạn nhân T.D.
Một trong những điều khiến người dự khán ngạc nhiên nữa là dù bị truy tố ở khung hình phạt cao nhất - có thể lên đến án tử hình, Đoan lại từ chối sự bào chữa của luật sư mà tòa án chỉ định. Hành động này khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu đây là thái độ tự tin thái quá hay một chiến lược nhằm làm vụ án thêm phần phức tạp, khó đoán?
Hồ sơ vụ án thể hiện, vào tối 6-1-2023, Đoan mang theo hai con dao Thái Lan và gặp bạn tại quán bia ở quận Tân Bình. Sau khi rời quán, họ tiếp tục đi và gặp nạn nhân T.D. vào khoảng 0 giờ 5 phút, ngày 7-1-2023 tại nút giao Phạm Văn Đồng - Lê Quang Định. Nạn nhân thấy Đoan lạng lách trên đường, lên tiếng: "Chạy xe láo!", do đó dẫn đến cãi vã. Đoan rút dao đâm liên tiếp vào anh T.D. khiến anh tử vong. Khi anh V.T.P - người đi đường, can ngăn, Đoan cũng tấn công, gây thương tích 2%. Sau đó, người dân khống chế, bắt Đoan giao cho công an.
Tòa án nhận định bị cáo không thành khẩn khai báo, không có ý thức khắc phục hậu quả và không có bất kỳ động thái nào thể hiện sự hối cải đối với những thiệt hại mà mình đã gây ra. Trong suốt quá trình phạm tội, bị cáo không chỉ tấn công các nạn nhân một cách quyết liệt, mà còn thể hiện rõ bản tính hung hãn, coi thường pháp luật. Bị cáo luôn mang theo hung khí bên người, sẵn sàng sử dụng để gây thương tích cho nạn nhân.
Với những hành vi tội ác nghiêm trọng và thái độ thiếu ăn năn, HĐXX khẳng định cần phải loại bỏ bị cáo vĩnh viễn khỏi xã hội để bảo vệ an toàn cho cộng đồng và nhằm tạo ra một hình phạt đủ sức răn đe đối với những hành vi vi phạm pháp luật tương tự. Vì vậy, HĐXX đã tuyên phạt tử hình đối với Phạm Văn Đoan về tội "Giết người". Bên cạnh đó, HĐXX buộc bị cáo phải bồi thường cho đại diện hợp pháp của nạn nhân D. số tiền hơn 400 triệu đồng và cấp dưỡng cho con của nạn nhân đến khi đủ 18 tuổi.
Hành động dũng cảm
Là một trong hai người tham gia phiên tòa với vai trò người làm chứng, D. (SN 2001) chia sẻ rằng anh là người đầu tiên đến trình báo sự việc với cơ quan công an. "Khi công an hỏi tôi có sẵn sàng ra tòa làm chứng không, tôi đã trả lời: "Có, tôi dám!"" - chàng thanh niên trẻ mỉm cười tự hào kể lại. Dù vậy, anh cũng không giấu được sự lo lắng khi vụ án này mang tính chất nghiêm trọng. Tuy nhiên, D. cho rằng, trong những tình huống như vậy, mỗi người đều cần phải dũng cảm lên tiếng, bởi chỉ có sự thật mới mang lại công lý và giúp những nạn nhân tìm lại được sự bình yên. Anh khuyến khích mọi người, dù là trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, vẫn nên đứng vững và làm chứng vì sự công bằng.
Bài và ảnh: TRẦN THÁI