Nhận chuyển giao bắt buộc hai ngân hàng yếu kém, Vietcombank và MB được hưởng lợi gì?

Nhận chuyển giao bắt buộc hai ngân hàng yếu kém, Vietcombank và MB được hưởng lợi gì?
4 giờ trướcBài gốc
Sau 9 năm được NHNN mua lại với giá 0 đồng, CBBank và OceanBank cuối cùng đã tìm được bến đỗ mới. Chiều 17/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức lễ công bố quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) cho Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).
Mục tiêu chuyển giao bắt buộc là để các ngân hàng quay về hoạt động bình thường, khắc phục lỗ lũy kế, đảm bảo các quy định về an toàn hoạt động, chấm dứt kiểm soát đặc biệt.
Sau khi được chuyển giao bắt buộc, CBBank và OceanBank sẽ là các Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn điều lệ. Mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, quyền, nghĩa vụ của khách hàng tại CBBank, OceanBank tiếp tục được bảo đảm theo đúng thỏa thuận và quy định của pháp luật.
Vietcombank, MB hưởng lợi gì?
Tiếp nhận bắt buộc các ngân hàng này, Vietcombank và MB sẽ được hỗ trợ về tài chính và các cơ chế khác để đảm bảo thực hiện thành công các phương án chuyển giao bắt buộc, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên liên quan trong đó có người gửi tiền, khách hàng và cổ đông của các ngân hàng.
Chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên, lãnh đạo Vietcombank và MB đều cho biết việc nhận chuyển giao bắt buộc sẽ giúp các ngân hàng nhận được hạn mức tín dụng cao hơn, được nới giới hạn về cho vay, từ đó có thêm dư địa tăng trưởng. Đồng thời, các sau quá trình xử lý, các ngân hàng có IPO hoặc chuyển nhượng TCTD yếu kém hay thay đổi mô hình kinh doanh.
Ngoài ra, theo các dự thảo đang được xem xét, TCTD là bên nhận chuyển giao sẽ được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Đồng thời mức room ngoại tối đa của những nhà băng nhận chuyển giao được phép vượt quá mức room ngoại tối đa 30% tại các ngân hàng, nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ.
Về lợi ích cụ thể, tại ĐHĐCĐ năm nay, ông Đỗ Việt Hùng, thành viên HĐQT Vietcombank, cho biết: “Khi nhận chuyển giao, ngân hàng sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, đã được Luật TCTD 2024 quy định”.
“Ngoài ra, tổ chức nhận chuyển giao sẽ có quyền định đoạt, xử lý tổ chức chuyển giao bắt buộc: nếu tìm được tổ chức nước ngoài phù hợp, có thể bán tổ chức nhận chuyển giao, duy trì hoặc có phương án khác như chuyển đổi, cải cách, chẳng hạn như chuyển sang ngân hàng số”, ông nói thêm.
Tài liệu ĐHĐCĐ năm 2022 của ngân hàng cũng liệt kê một số lợi ích như: được cho vay vượt giới hạn; được tăng trưởng tín dụng không bị hạn chế; vẫn được chia cổ tức bằng cổ phiếu; được phát hành trái phiếu dài hạn, mơ thêm chi nhánh và không bị giới hạn khi giao dịch với TCTD yếu kém.
Ước tính về thời gian xử lý TCTD yếu kém, Chủ tịch Vietcombank khi đó là ông Phạm Quang Dũng cho biết với những chính sách hỗ trợ nhận được sẽ cần không quá 8 - 10 năm để biến TCTD yếu kém trở thành một tổ chức lành mạnh.
Còn tại ĐHĐCĐ năm nay, CEO MB Phạm Như Ánh cho biết nếu hoàn thành xong chương trình nhận chuyển giao TCTD yếu kém, ngân hàng sẽ có không gian để mở ra để phát triển MB trong giai đoạn 5 năm tới. Ông Ánh cũng nhấn mạnh sau khi tiếp nhận thì ngân hàng yếu kém vẫn là một ngân hàng độc lập, trực thuộc MB.
“Sau khi hết thời gian cơ cấu thì chúng ta mới tính đến việc là có thực hiện sáp nhập hay thoái vốn hay không”, ông nói thêm.
Tại hội nghị tổng kết năm của OceanBank vào năm 2022, CEO MB khi đó là ông Lưu Trung Thái cho biết việc nhận chuyển giao sẽ giúp MB có cơ hội để tăng trưởng cao hơn bình quân thị trường khoảng 1,5 đến 2 lần trong dài hạn.
Đồng thời, MB sẽ tiếp nhận khoảng 401 điểm giao dịch sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đầu tư và tăng độ bao phủ phục vụ khách hàng theo chiến lược bán lẻ và chuyển đổi số.
Tại ĐHĐCĐ năm 2022, ông Thái cho biết ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc sẽ được “hỗ trợ về giấy phép, hỗ trợ một khoản tiền (xin phép không được tiết lộ) từ phía Nhà nước bằng một nửa phần âm vốn hiện tại của tổ chức này”.
Hiện trạng của CBBank, OceanBank
Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng (CBBank) được thành lập vào năm 1989 với tên gọi đầu tiên là Ngân hàng TMCP Nông thôn Rạch Kiến. Đến năm 2007, ngân hàng chuyển đổi từ mô hình ngân hàng nông thôn thành Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank).
Đến năm 2013, ngân hàng đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam. Năm 2014, ông Phạm Công Danh, Chủ tịch CBBank, đã bị bắt. Năm 2015, NHNN đã mua lại cổ phần của CBBank với giá 0 đồng, chuyển mô hình thành ngân hàng TNHH MTV.
Hiện vốn điều lệ của CBBank ở mức 3.000 tỷ đồng, với mạng lưới khoảng 100 điểm giao dịch trên toàn quốc. Do được mua lại với giá 0 đồng, CBBank không công bố báo cáo tài chính. Các báo cáo tài chính trước đó của ngân hàng có thể cũng không đáng tin cậy.
Ngân hàng Xây dựng. (Ảnh: CBBank).
Theo BCTC đã kiểm toán năm 2011, tổng tài sản của CBBank ở mức hơn 27.000 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng là gần 12.000 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2012 khi ngân hàng đã được liệt kê vào danh sách 9 ngân hàng yếu kém và bị kiểm soát, CBBank lỗ lũy kế 8.765 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711 tỷ đồng. Đến cuối năm 2013, con số lỗ lũy kế lên 11.348 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 8.293 tỷ đồng. Đến cuối năm 2014, phần vốn chủ sở hữu âm tới hơn 24.000 tỷ và lỗ lũy kế 27.000 tỷ đồng.
Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) có tiền thân làNgân hàng Nông thôn Hải Hưng được thành lập vào năm 1993. Đến năm 2007, ngân hàng được chuyển đổi sang mô hình ngân hàng TMCP.
Từ cuối năm 2011, NHNN đã phát hiện ra những bất ổn tại OceanBank. Qua hai lần thanh tra, các sai phạm tại OceanBank không những không khắc phục được mà lại còn nghiêm trọng hơn. Năm 2014, tại ông Hà Văn Thẩm, Chủ tịch OceanBank đã bị bắt.
Đến năm 2015, NHNN cũng đã thông báo mua lại OceanBank với giá 0 đồng. Trước khi nhận được sự hỗ trợ từ MB, OceanBank cũng từng được VietinBank giúp đỡ.
Hiện vốn điều lệ của OceanBank ở mức hơn 4.000 tỷ đồng. Theo BCTC quý II/2014, quy mô tài sản của OceanBank đạt 68.800 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng đạt gần 31.000 tỷ đồng.
Trước khi được MB giúp đỡ, từng có thời điểm VietinBank đã hỗ trợ quản trị điều hành OceanBank. (Ảnh: OceanBank).
Đầu năm 2024, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh 2024, ông Ngô Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT OceanBank thông tin rằng tổng tài sản năm 2023 của OceanBank tăng trưởng 23%, đạt 113% kế hoạch. Dư nợ cấp tín dụng của ngân hàng này hết năm 2023 tăng trưởng 13% - vượt chỉ tiêu 104% kế hoạch;
Lãnh đạo OceanBank cho biết, tính đến cuối năm 2023, ngân hàng đã thu hồi, xử lý nợ có vấn đề đạt 407 tỉ đồng, đạt 135% kế hoạch. Sau hơn 8 năm tái cơ cấu, ngân hàng đã xử lý và thu hồi trên 13.000 tỷ đồng nợ có vấn đề.
Tại hội Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024, lãnh đạo OceanBank cho biết ngân hàng vẫn tăng trưởng tín dụng tích cực. Giải ngân cho vay thông thường tăng trưởng vượt ngưỡng so với cùng kỳ. Hoạt động dịch vụ cũng đem lại mức doanh thu tăng vọt.
Đồng thời, số lượng khách hàng mới, người sử dụng dịch vụ ngân hàng tăng so với cùng kỳ năm trước. Công tác thu hồi và xử lý nợ xấu đạt kết quả đặc biệt tích cực.
Minh Quang
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/nhan-chuyen-giao-bat-buoc-hai-ngan-hang-yeu-kem-vietcombank-va-mb-duoc-huong-loi-gi.html