Người dân được khám sàng lọc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản tại Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa. Ảnh: YÊN LAN
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh hô hấp phổ biến, đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp mạn tính (khó thở, ho, khạc đờm) và các đợt cấp do tình trạng bất thường của đường thở gây ra tắc nghẽn đường thở dai dẳng và tiến triển. Theo Bộ Y tế, nguyên nhân gây COPD liên quan đến sự phơi nhiễm các hạt hoặc khí độc hại và các yếu tố chủ thể bao gồm phổi kém phát triển khi còn nhỏ, đột biến gen SERPINA1 gây ra thiếu hụt alpha 1 antitrysin. Đáng chú ý, khói thuốc lá, thuốc lào là yếu tố nguy cơ chính; ô nhiễm không khí và khói chất đốt sinh hoạt cũng là yếu tố nguy cơ quan trọng gây COPD. Bệnh có thể phòng và điều trị được. Các bệnh đồng mắc và đợt kịch phát làm nặng thêm tình trạng bệnh và tăng nguy cơ tử vong.
Những con số “biết nói”
Mới đây, tại lễ mít tinh và hội thảo khoa học hưởng ứng Ngày COPD toàn cầu (20/11) năm 2024 diễn ra ở Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc bệnh viện, cho biết COPD là nguyên nhân đứng thứ ba gây tử vong trên thế giới. Đáng chú ý, tần suất mắc COPD ở Việt Nam cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với tỉ lệ 10,3%.
Tại Việt Nam, hoạt động phòng chống COPD và hen phế quản được triển khai từ năm 2011, trong chiến lược quốc gia phòng ngừa và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm. Từ năm 2016, Bệnh viện Bạch Mai làm đầu mối Dự án phòng chống COPD và hen phế quản. Từ dự này, hơn 300 phòng quản lý ngoại trú được thành lập và duy trì hoạt động; 3.000 trạm y tế xã, phường triển khai hoạt động dự phòng và phát hiện sớm COPD; 700.000 bệnh nhân COPD và hen phế quản được quản lý tại các cơ sở y tế.
Theo ThS.BS Lê Thị Thu Trang (Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai), hằng năm trung tâm triển khai các chương trình phòng chống COPD và hen phế quản trong cả nước. Trung tâm Hô hấp phối hợp với Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cử cán bộ y tế đến các địa phương, hỗ trợ triển khai chương trình phòng chống COPD và hen phế quản.
Với Phú Yên - nơi vừa triển khai Đơn vị Quản lý hen và COPD ngoại trú thuộc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, trung tâm hỗ trợ về đào tạo và khám sàng lọc bệnh. Khi Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã có một lượng hồ sơ COPD và hen phế quản, trung tâm sẽ hỗ trợ về việc xây dựng các mô hình quản lý bệnh nhân phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đồng thời hướng dẫn tổ chức các hoạt động liên quan đến việc quản lý, như tổ chức ngày hội dành cho bệnh nhân COPD và hen phế quản.
Trong ngày hội, chương trình khám sàng lọc tiếp tục được triển khai. Và có thể mở CLB để người bệnh COPD và hen phế quản tham gia, sinh hoạt định kỳ. “Đấy là cơ hội để các bác sĩ và bệnh nhân giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm vềphòng, chống bệnh tật. Qua những buổi sinh hoạt CLB, bác sĩ sẽ tư vấn, hướng dẫn lại cách sử dụng các dụng cụ xịt hít trong điều trị, cách quản lý bệnh để không dẫn đến các đợt cấp”, bác sĩ Thu Trang chia sẻ.
Thiết kế: YÊN LAN
Phòng tránh các yếu tố nguy cơ, can thiệp sớm
Không phải vô cớ mà COPD được mệnh danh “kẻ giết người thầm lặng”. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới, dẫn đến gánh nặng kinh tế - xã hội ngày càng gia tăng. Theo tài liệu chuyên môn của Bộ Y tế, với sự gia tăng tỉ lệ hút thuốc lá tại các nước đang phát triển và sự già hóa dân số ở những quốc gia phát triển, tỉ lệ mắc COPD được dự đoán sẽ tăng cao trong những năm tới. Đến năm 2030, ước tính có trên 4,5 triệu trường hợp tử vong mỗi năm trên toàn thế giới do COPD và các rối loạn liên quan.
Bác sĩ Thu Trang nói: “COPD tiến triển từ từ, âm thầm. Nhiều trường hợp mắc bệnh nhưng không được phát hiện sớm. Bệnh nhân đến bệnh viện khám khi triệu chứng khó thở đã rất rõ, thường là ở giai đoạn 2, giai đoạn 3, thậm chí ở giai đoạn 4, tức là bệnh đã rất nặng rồi thì tiên lượng kéo dài thêm cuộc sống cho người bệnh cũng rất hạn chế. Nếu phát hiện sớm COPD, bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân phòng tránh các yếu tố nguy cơ, giúp họ tránh được các đợt cấp, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Đối với các trường hợp cần phải can thiệp điều trị, các bác sĩ sẽ cố gắng can thiệp điều trị để duy trì chức năng phổi của người bệnh. Có những trường hợp điều trị một thời gian thì chức năng phổi cải thiện được một phần. Dù không nhiều nhưng có thể cải thiện được thì sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho cuộc sống của người bệnh trong tương lai. Tức là cuộc sống đấy không phải gắn liền với bệnh viện, không phải gắn liền với việc điều trị, thở oxy, thở máy... Người bệnh vẫn có thể tự tin ra khỏi nhà mà không quálo lắng về vấn đề khó thở”.
Theo các chuyên gia hô hấp, đối với những người mắc COPD, vấn đềquan trọng nhất là phải bỏ thuốc lá, thuốc lào. Trong điều trị COPD, bác sĩ chú trọng đến cá thể hóa điều trị, điều trị các bệnh đồng mắc, điều trị dự phòng để tránh các đợt cấp và làm chậm quá trình tiến triển bệnh.
YÊN LAN