Ông Trump đẩy nhanh tốc độ bổ nhiệm nội các
Sau khi giành chiến thắng, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề cử các vị trí nội các với tốc độ nhanh chóng thậm chí là muốn bỏ qua thủ tục thông qua tại Thượng viện như thông lệ. Chỉ một ngày sau khi đắc cử, ông Trump đã đề cử vị trí Chánh văn phòng Nhà Trắng, sớm hơn 5 ngày so với năm 2016. Một vị trí quan trọng nữa là Cố vấn an ninh quốc gia, được công bố chỉ một tuần sau bầu cử, sớm hơn năm 2016 tới 10 ngày.
Ông Donald Trump phát biểu tại một buổi vận động tranh cử ở Erie, Pennsylvania, ngày 29/7. Ảnh: Reuters
Các vị trí khác như Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng An ninh Nội địa, Y tế, phụ trách nhập cư… cũng đều được ông Trump đề cử sớm hơn, từ một cho đến 3 tuần. Không chỉ đề cử nhanh chóng, ông Trump còn gây sức ép, đề nghị lãnh đạo phe đa số Thượng viện của đảng Cộng hòa cho phép “bổ nhiệm trong kỳ nghỉ”, hay nói cách khác là Tổng thống có thể bổ nhiệm nhân sự mà không cần Thượng viện thông qua, thủ tục vốn không được thực hiện 8 năm qua.
Việc thúc đẩy bổ nhiệm nhân sự nhanh chóng cho thấy ông này đã có sự chuẩn bị sẵn sàng cho nhiệm kỳ 2. Danh sách đề cử nội các của ông Trump nhiều khả năng đã sẵn sàng trước ngày bầu cử với góp sức của đề cử Chánh văn phòng Nhà Trắng bà Susie Wiles, cố vấn lâu năm và được xem “bộ não” trong chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Bên cạnh đó lý do quan trọng nhất cho việc ông Trump muốn bổ nhiệm nhân sự nhanh chóng và bỏ qua thủ tục tại Thượng viện là nhằm tránh việc bị đảng Dân chủ ngăn chặn, thậm chí là ngay trong đảng Cộng hòa. Không phải tất cả nghị sỹ của đảng Cộng hòa đều ủng hộ mọi đề cử của ông Trump, và nếu điều này xảy ra thì sẽ phải đề cử ứng cử viên khác. Ngoài ra, việc đảng Cộng hòa chấp nhận bổ nhiệm trong kỳ nghỉ về cơ bản phủ nhận một trong những vai trò chính của Thượng viện, tăng thêm quyền lực cho Tổng thống và đây cũng là điều mà ông Trump mong muốn.
Cách tiếp cận khác biệt so với chính phủ tiền nhiệm
Trong số các nhân sự đầu tiên được ông Donald Trump bổ nhiệm cũng như đề cử đến thời điểm này, có hai gương mặt gây chú ý là Thượng nghị sĩ Marco Rubio với vị trí Ngoại trưởng và Hạ nghị sĩ Mike Waltz với vị trí Cố vấn An ninh quốc gia.
Với hai đề cử Ngoại trưởng và Cố vấn an ninh quốc gia, có thể thấy rằng chính sách đối ngoại trong chính quyền Mỹ mới đang bắt đầu được định hình. Cả hai đề cử đều là những nhân vật có quan điểm chính sách cứng rắn, đặc biệt là đối với Trung Quốc và Nga. Ông Waltz đã từng tuyên bố Mỹ đang ở trong một Cuộc chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc, trong khi cá nhân ông Rubio đã từng bị Trung Quốc đưa vào danh sách trừng phạt đáp trả. Ngoài ra, một vị trí khác là đề cử Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, Elise Stefanik, đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc can thiệp trắng trợn và ác ý vào bầu cử Mỹ.
Theo đó, cách tiếp cận chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ mới vẫn là sự kết hợp giữa chủ nghĩa biệt lập, hạn chế can thiệp quân sự ra nước ngoài và bảo hộ kinh tế trong nước, có thể nói ngắn gọn là “hòa bình thông qua sức mạnh”. Xu hướng chính sách này ngược với chính sách của đảng Dân chủ, đó là dựa vào các liên minh đa phương hỗ trợ răn đe tích hợp và phục vụ các mục tiêu an ninh quốc gia rộng hơn, ưu tiên các biện pháp phi quân sự để thúc đẩy lợi ích quốc gia và tìm kiếm giải pháp giảm leo thang xung đột thông qua quản lý quan hệ với các đối thủ như Trung Quốc, Nga.
Đối với các điểm nóng hiện nay như xung đột tại Trung Đông và Ukraine, mặc dù ông Waltz và Rubio là những nhân vật có quan điểm chính sách đối ngoại gần với quan điểm chính thống của đảng Cộng hòa nhất so với các đồng minh theo chủ nghĩa biệt lập nhưng vẫn theo xu hướng chung, đó là ủng hộ mạnh mẽ Israel trong khi yêu cầu châu Âu phải chịu trách nhiệm chính hỗ trợ cho Ukraine.
Ông Waltz từng là người phản đối các nỗ lực của Chính quyền Tổng thống Biden làm trung gian cho lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas, Hezbollah tại Trung Đông. Cả hai nhân vật này đều ủng hộ tuyên bố của ông Trump rằng chiến tranh ở Ukraine cần phải chấm dứt, châu Âu cần tăng cường hỗ trợ cho Ukraine để Mỹ tập trung giải quyết các vấn đề trong nước.
Nhân sự trong bộ máy mới của ông Donald Trump
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã đề ra tầm nhìn cho nước Mỹ với một chương trình nghị sự rộng lớn, phản ánh sự kết hợp giữa các nguyên tắc bảo thủ và các ưu tiên dân túy. Cụ thể hơn, nước Mỹ sẽ vẫn là nước Mỹ nhưng với giai đoạn phát triển vĩ đại mới thông qua lập trường bảo thủ truyền thống về cắt giảm thuế, bãi bỏ nhiều quy định, kết hợp với cách tiếp cận dân túy về bảo hộ thương mại, điều chỉnh vai trò toàn cầu của nước này.
Để thực hiện chương trình nghị sự thuận lợi, ông Trump đang tìm cách mở rộng quyền hạn của Tổng thống, điều chỉnh bộ máy liên bang để có thể điều hành trực tiếp một số lĩnh vực và đặc biệt là bổ nhiệm nhân sự trong chính quyền mới theo các tiêu chí có nhiều điểm khác so với các chính quyền tiền nhiệm.
Đáng chú ý nhất, nhân sự trong chính quyền mới đều là những nhân vật được xem là trung thành nhất với ông Trump hơn là uy tín trong đảng. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump có thể cần phải dựa vào các đảng viên Cộng hòa có uy tín để thực hiện chương trình nghị sự. Tuy nhiên, sau 8 năm với đội ngũ đồng minh đông đảo, đủ năng lực thì yếu tố trung thành đã được đặt lên cao hơn.
Bên cạnh đó, các nhân sự không chỉ đồng quan điểm với ông Trump về nhập cư, đối ngoại, điều hành chính quyền… mà còn phải tạo ra một ê kíp phối hợp hiệu quả. Điều này thể hiện ở việc đề cử lãnh đạo Bộ An ninh Nội địa, phó Chánh văn phòng Nhà Trắng phụ trách chính sách và phụ trách nhập cư đều là các nhân vật nổi tiếng cứng rắn.
Về đối ngoại, ba vị trí Cố vấn an ninh quốc gia, Ngoại trưởng và Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc cũng là các nhân vật cứng rắn với Trung Quốc mặc dù thiên về quan điểm chính thống của đảng Cộng hòa về đối ngoại. Dưới áp lực điều hành đất nước và mâu thuẫn nội bộ gay gắt, bộ máy nhân sự của ông Trump có hoạt động hiệu quả hay không vẫn cần thời gian để chứng minh.
Vũ Hợp/VOV-Washington