Nhận diện kênh đầu tư năm 2025

Nhận diện kênh đầu tư năm 2025
17 giờ trướcBài gốc
Vàng vẫn là kênh đầu tư được nhiều người quan tâm. Ảnh: M.H.
Vàng bước vào giai đoạn ngủ đông?
Nhìn lại kinh tế vĩ mô 2024 cho thấy Việt Nam đã tạo dựng được một nền tảng ổn định với nhiều điểm sáng. Ngân hàng Thế giới (WB) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 6,5% trong năm 2025. Ngân hàng Standard Chartered mới đây cũng cập nhật dự báo triển vọng của kinh tế Việt Nam năm 2025 là tích cực với mức tăng trưởng 6,7%.
Vậy lựa chọn kênh đầu tư nào trong năm 2025 để sinh lời tốt? Đó là câu hỏi được nhiều người quan tâm hiện nay.
Giới chuyên gia nhận định, với mức tăng 28%, năm 2024, vàng đã là kênh đầu tư thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, giá vàng thường có biến động khó dự đoán và hiệu suất thực tế không cao như kỳ vọng. Hơn nữa, thị trường vàng luôn chịu sự giám sát chặt chẽ từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm ổn định tỷ giá và kiểm soát thị trường. NHNN gần đây cũng cho biết đang tổng kết và đánh giá Nghị định 24, với mục tiêu quản lý hiệu quả thị trường vàng đồng thời bảo vệ quyền lợi của người dân trong giao dịch và tích trữ.
Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Đầu tư của Dragon Capital (nhà quản lý quỹ đầu tư lâu đời nhất tại Việt Nam) chia sẻ, ông chỉ giữ 2% danh mục đầu tư vào vàng, vì đây không phải kênh mang lại hiệu suất vượt trội trong dài hạn. Dữ liệu từ năm 2001-2022 của Dragon Capital cho thấy, vàng chỉ đạt mức tỷ suất sinh lời trung bình 9%/năm, kém thứ 2 sau ngoại tệ. “Trong khung thời gian dài hạn từ 10, 20 hay thậm chí 50 năm, vàng không thể cạnh tranh với các kênh đầu tư như cổ phiếu hoặc bất động sản” – ông Tuấn nhận định.
Tại nhiều thời điểm, giá vàng trong nước có sự chênh lệch lớn so với thị trường quốc tế, khiến nhà đầu tư đối mặt với nhiều rủi ro hơn khi tham gia thị trường này.
Theo khuyến cáo của giới chuyên gia, năm 2025, nhà đầu tư nên chú ý theo dõi chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tác động đến nền kinh tế Mỹ ra sao. Nếu lạm phát tăng mạnh, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, có rủi ro suy thoái kinh tế, nhà đầu tư sẽ dồn vào vàng. Ngược lại, khi kinh tế phục hồi tốt, kinh tế Mỹ “hạ cánh an toàn”, dòng tiền sẽ chảy sang các tài sản có rủi ro cao hơn.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính Ngô Thành Huấn nhận xét: Có thể vàng sẽ kết thúc quá trình tăng trong năm 2025 và bước vào chu kỳ “ngủ đông” tại giai đoạn 2026-2030. “Người dân không nên mua thêm, nhưng ai đang có vàng thì nên giữ” – vị chuyên gia khuyến cáo.
2 kênh đầu tư triển vọng được chuyên gia này gợi ý là bất động sản và cổ phiếu thông qua chứng chỉ quỹ mở. “Xác suất vàng tăng là có nhưng sẽ chỉ 5-10%, trong khi 2 kênh còn lại có dư địa để tăng nhiều lần” - ông Huấn nói.
Chứng khoán sẽ sôi động hơn
Năm 2025 là giai đoạn tiền phục hồi của nền kinh tế. Về nguyên lý, trong giai đoạn này, cổ phiếu là kênh đầu tư tốt nhất. Tất nhiên, không phải cổ phiếu nào cũng có khả năng mang lại thành công. Dragon Capital nhận định thị trường chứng khoán có thể chịu tác động ngắn hạn từ các yếu tố như vĩ mô toàn cầu và chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, về trung hạn, cổ phiếu vẫn được kỳ vọng tăng trưởng tốt nhờ sự đồng hành giữa hiệu suất thị trường và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tập trung vào các cổ phiếu thuộc các ngành hưởng lợi trực tiếp từ các chính sách hỗ trợ, như công nghệ, ngân hàng, bán lẻ, thép và công nghiệp.
Ông Nguyễn Việt Đức - Giám đốc Kinh doanh số, Công ty Chứng khoán VPBank nhấn mạnh, khuyến khích nhà đầu tư duy trì tính kỷ luật với khoản đầu tư của mình. Cụ thể, nhà đầu tư đã được khuyến nghị hạ tỷ trọng về 40% ngay từ đầu năm khi các chỉ số kỹ thuật trên thị trường mất các đường hỗ trợ quan trọng. Trong hiện tại, nhà đầu tư đang giữ tỷ lệ thấp có thể nắm bắt các cơ hội ngắn hạn từ nay đến Tết.
Theo vị này, VN-Index sẽ có đáy lớn nhất của năm. Với câu chuyện về tăng trưởng GDP, nhà đầu tư có thể cân nhắc mua cổ phiếu giá rẻ và nắm giữ trong 3-4 tháng.
Về các nhóm ngành, VPS kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp, thép, bán lẻ, dầu khí và cảng biển. Đặc biệt là các ngành liên quan đến đầu tư công như xây dựng, công nghệ, dầu khí sẽ hưởng lợi tích cực trong năm 2025.
Ở góc độ khác, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng tiền ảo là kênh đầu tư không chính thống tại Việt Nam, song thực tế rất nhiều người tham gia đầu tư, nắm giữ tiền ảo. Chính phủ cần sớm ban hành hành lang pháp lý về tài sản số, tiền số để vừa bảo vệ nhà đầu tư, vừa chống thất thu thuế.
Bất động sản giữ tâm lý chờ đợi
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế - TS Lê Xuân Nghĩa, năm 2025 chưa phải là năm của bất động sản. Cả người mua cũng như người bán đều đang ở tâm lý chờ đợi.
“Năm 2025, các tỉnh, thành phố sẽ công bố giá đất mới. Tôi rất lo lắng giá đất tại các địa phương có thể tăng 5-6 lần. Nếu giá đất tăng vọt, sẽ khó ai dám đầu tư, kể cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài” - TS Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm đồng thời lưu ý rằng, điểm tích cực của thị trường bất động sản là nguồn cung dự án có thể được cải thiện nếu các dự án đắp chiếu, tồn đọng được giải quyết. Khi đó, hàng chục nghìn tỷ đồng lãng phí trong đất đai sẽ được giải phóng. Tuy vậy, thị trường bất động sản năm 2025 vẫn chủ yếu “nghe ngóng” và giải quyết thủ tục, việc xuống tiền chưa có lợi.
Về kênh gửi tiết kiệm, giới chuyên gia nhấn mạnh, tiền gửi tiết kiệm là kênh giảm rủi ro được nhiều người lựa chọn. Những người không chuyên nghiệp nên lựa chọn kênh này vì vẫn có lãi suất dương.
Theo các chuyên gia kinh tế, dù lựa chọn kênh đầu tư nào (vàng, cổ phiếu, bất động sản hoặc tài sản khác) thì điều quan trọng là cân nhắc vào tình hình tài chính, mục tiêu đầu tư và khả năng chấp nhận rủi ro. Việc đa dạng hóa danh mục đầu tư vào nhiều loại tài sản có thể giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận trong dài hạn.
T.Hằng – P.Vân
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/nhan-dien-kenh-dau-tu-nam-2025-10298620.html