Nhận diện tham nhũng, tiêu cực trong sử dụng tài sản công

Nhận diện tham nhũng, tiêu cực trong sử dụng tài sản công
9 giờ trướcBài gốc
Tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng an ninh tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các tài sản khác…
Ảnh minh họa internet.
Trong những năm gần đây, việc sử dụng tài sản công đã được Bộ Tài chính quy định rất cụ thể bằng các thông tư, quyết định, văn bản, quy định cho từng đối tượng cụ thể. Dù vậy, việc sử dụng tài sản công đâu đó vẫn có những kẽ hở, chủ thể quản lý tài tài sản công chưa chặt chẽ, khiến dư luận bức xúc. Còn nhớ, vài năm trước đây cứ tết đến xuân về, hình ảnh các biển số xe của cơ quan nhà nước xuất hiện tương đối “dày” ở các lễ hội, đi chùa, miếu mặc dù không được phân công tham dự.
Trong đầu tư, mua sắm phương tiện, máy móc, thiết bị, phương tiện, việc “thông thầu” cũng đã diễn ra êm xuôi, trót lọt bằng chiêu thức “quân xanh”, “quân đỏ” để trúng thầu. Chưa hết có nơi người có thẩm quyền cao nhất địa phương can thiệp, tác động để cho đơn vị nhờ mình “thắng cuộc” trong các giao dịch hợp đồng kinh tế sau này. Những cuộc trao đổi, điện thoại nhờ vả, tác động đó đã làm mất đi tính trung thực, công bằng của pháp luật về đấu thầu, giao kết hợp đồng kinh tế, khiến tài sản công nhà nước thiệt hại. Các vụ án lớn diễn ra trước đây đã được kiểm chứng rõ nhất như vụ AIC, Việt Á, Phúc Sơn… liên quan đến nhiều tỉnh, thành cả nước khiến Nhà nước mất tài sản, nhưng điều đau nhất là mất khá nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp, chủ chốt từ Trung ương đến địa phương.
Với những gì đã diễn ra trên thực tế, Trung ương đã nhận diện và quyết chặn đứng những “lỗ hổng” này bằng Quy định 189-QĐ/TW/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Theo Quy định 189-QĐ/TW hành vi tham nhũng, tiêu cực được nhận diện rất rõ: Lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, ban hành các văn bản trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, chiếm giữ và sử dụng trái phép tài sản công. Đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức. Giao tài sản công cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không có nhu cầu sử dụng.
Sử dụng tài sản công khác do tổ chức, cá nhân tặng cho không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức. Sử dụng hoặc không sử dụng tài sản công được giao gây lãng phí; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không phù hợp với mục đích sử dụng của tài sản, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao; sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật.
Xử lý tài sản công trái quy định của pháp luật. Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản công. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật. Thực hiện không đúng quy định trong quản lý quy hoạch, đấu thầu, đầu tư, xây dựng, quản lý, sử dụng nhà, đất, tài nguyên, tài sản của Đảng, Nhà nước và các hành vi tham nhũng, tiêu cực khác trong quản lý, sử dụng tài sản công theo chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Một khi đã nhận diện rõ những hành vi này, sẽ là bài học cảnh tỉnh những người cố tình làm sai, thực hiện không đúng quy định sẽ bị xử lý nghiêm bằng pháp luật.
CÔNG NAM
Nguồn Bình Thuận : https://baobinhthuan.com.vn/nhan-dien-tham-nhung-tieu-cuc-trong-su-dung-tai-san-cong-127176.html