Nổi lên gần đây là việc lập kênh mạng xã hội để cổ xúy, ca ngợi những đối tượng là người H’Mông có hành vi vi phạm chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước Việt Nam hiện đã bỏ trốn ra nước ngoài hoặc đang thụ án tại các cơ sở giam giữ trong nước, coi họ là nạn nhân của chế độ trong nước, qua đó lôi kéo, kích động hận thù và chia rẽ trong đồng bào dân tộc thiểu số, xuyên tạc tình hình nhân quyền tại Việt Nam...
Theo ghi nhận của Cục An ninh nội địa (Bộ Công an), Tây Bắc và các vùng phụ cận vẫn là một trong những địa bàn cần được quan tâm, chú trọng khi thường xuyên bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng đồng bào người dân tộc thiểu số tiến hành các hoạt động tuyên truyền chia rẽ, kích động "ly khai", "tự trị" gắn liền với âm mưu thành lập cái gọi là "Nhà nước H’Mông".
Nổi lên trong số này là những tổ chức phản động như Hmong United for Justice (Liên minh người H’Mông vì công lý - HUJ), Hmong Human Rights Coalition (Liên minh nhân quyền người H’Mông - HmongHRC), Against Religion Oppression (Chống lại sự đàn áp tôn giáo), Xaivcialis CMA..., tự xưng là các tổ chức độc lập, ôn hòa, không liên quan đến bất kỳ nhóm hoặc cá nhân nào xúi giục thúc đẩy, âm mưu hoặc tiếp tay cho việc sử dụng bạo lực vì bất kỳ mục đích gì, song trên thực tế đây đều là những "tổ chức ma" do Vàng Chỉnh Mình (là người dân tộc H’Mông, sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, hiện đang định cư tại Mỹ) và số đối tượng trong HUJ lập ra. Từ đó, tạo thành hệ thống "chân rết" với nhiều kênh tuyên truyền để tìm kiếm, lôi kéo người H’Mông nhẹ dạ, cả tin nhằm thực hiện những mưu đồ đen tối.
Chỉ trong 9 tháng năm 2024, các đối tượng hoạt động cho cái gọi là "Nhà nước H’Mông" ở hải ngoại đã sử dụng hàng trăm tài khoản mạng xã hội Facebook, YouTube, Twitter thường xuyên đăng tải tin, hình ảnh xuyên tạc tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở trong nước, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền. Ðồng thời, các nhóm do Vàng Chỉnh Mình và đồng bọn đẩy mạnh việc bắt liên lạc, tuyển mộ thành viên, nhất là các phần tử từng tham gia tổ chức bất hợp pháp "Nhà nước H’Mông" ở trong nước.
Mục tiêu chính của chúng là tìm ra các đối tượng người H’Mông được học tập, đào tạo bài bản trong hệ thống giáo dục của nhà nước, được thụ hưởng những ưu đãi của chế độ dành cho người dân tộc thiểu số nhưng vì một lý do nào đó trở nên bất mãn, lầm lạc hoặc suy thoái, biến chất, cố tình lợi dụng quyền tự do, dân chủ để "trở cờ", xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước, đưa thông tin sai sự thật về công tác tôn giáo, dân tộc. Sau đó, chúng tập hợp, tổ chức, hỗ trợ cho các phần tử chống phá này cùng gia đình vượt biên trái phép sang Thái Lan, lập hồ sơ xin tị nạn sang các nước thứ ba như Mỹ, Canada để gửi tới Văn phòng của Cao ủy về Người tị nạn của Liên hợp quốc (UNHCR).
Bên cạnh đó, lợi dụng tập quán du canh, du cư của một số đồng bào H’Mông tại các khu vực biên giới, các đối tượng đã thu nạp thành công một số người dân nhẹ dạ, thiếu hiểu biết, cực đoan nhằm củng cố vây cánh để cùng thực hiện những thủ đoạn chống phá mới, mà nổi lên là các chương trình phỏng vấn "nạn nhân người H’Mông của Nhà nước Việt Nam".
Khách mời của loạt chương trình này tự xưng là đại diện cho những "người H’Mông không Tổ quốc", "tù nhân người H’Mông ở Việt Nam" nhằm che giấu danh tính thật là những thành viên, cộng tác viên mới được các tổ chức chống phá người H’Mông ở nước ngoài tuyển mộ. Qua sự mớm lời, dẫn dắt thông tin của người dẫn chương trình, nhóm đối tượng này sắm vai "nhân chứng sống" ra sức xuyên tạc sai sự thật về đời sống vật chất và tinh thần của người H’Mông ở Việt Nam.
Thông qua chương trình, những đối tượng này đề cập đến một số vụ án, vụ việc vi phạm an ninh, trật tự, hộ tịch, đất đai, tôn giáo trong quá khứ liên quan đến một số người H’Mông vốn đã được cơ quan chức năng xử lý công bằng, dân chủ, minh bạch theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, bằng thủ đoạn ngụy tạo nhân chứng, đánh tráo khái niệm, họ vu cáo Ðảng và Nhà nước Việt Nam đàn áp, bắt bớ, phân biệt đối xử với người H’Mông khiến dân tộc này "bị cô lập", "bức hại", "mất đất đai", "không được thực hành niềm tin tôn giáo", "không được thụ hưởng các chính sách an sinh, xã hội", "không được cấp giấy tờ tùy thân". Thậm chí, họ còn bịa đặt trắng trợn rằng bản thân và gia đình sẽ gặp nguy hiểm, có thể bị sát hại nếu quay về Việt Nam.
Ðáng chú ý, các video trên đều dàn dựng kịch bản khá bài bản, một số chương trình còn được dịch phụ đề bằng nhiều thứ tiếng. Trong đó, nhiều đối tượng trao đổi trực tiếp bằng ngôn ngữ tiếng Việt thay vì tiếng H’Mông như trước đây. Từ đây cho thấy mục đích của chúng không chỉ là lan truyền những thông tin xấu độc, sai sự thật đến đồng bào người H’Mông mà còn hướng đến cộng đồng các dân tộc thiểu số trên lãnh thổ Việt Nam, cũng như cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài.
Chưa dừng lại ở đó, khi khoác lên mình tấm áo "nạn nhân", các đối tượng chống phá cũng tích cực tham gia phỏng vấn trên các kênh truyền hình, tờ báo mang khuynh hướng chống cộng cực đoan ở hải ngoại, thể hiện mối quan hệ hợp tác công khai giữa tổ chức bất hợp pháp "Nhà nước H’Mông" với các hội, nhóm chống phá khác ở nước ngoài khác như BPSOS, Người Thượng vì công lý để hình thành một liên minh chống, phá Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền, tôn giáo, dân tộc.
Ðồng thời, tranh thủ sự ủng hộ của một số cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí để qua đó đánh bóng tên tuổi, gây sức ép nhằm can thiệp vào tình hình nội bộ của nước ta. Nghe theo sự xúi giục của kẻ xấu, một số người H’Mông đã tự ý rời khỏi địa phương, không khai báo thông tin về nơi cư trú mới, tham gia các hoạt động tẩy chay, phản đối, bất hợp tác trong quá trình làm thủ tục cấp, đổi thẻ căn cước mới.
Một số thành phần cực đoan khi vượt biên trái phép sang các quốc gia khác còn bỏ lại, tiêu hủy giấy tờ tùy thân để không bị trục xuất về Việt Nam. Chính vì vậy, cơ quan chức năng ở Việt Nam và các nước láng giềng trong khu vực gặp nhiều thách thức trong việc hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để cấp giấy tờ tùy thân cho những trường hợp này.
Thực tế, các "nạn nhân" nêu trên chỉ là hiện tượng cá biệt, không phản ánh toàn cảnh đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng người H’Mông cũng như đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước, công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào tại các tỉnh miền núi phía bắc nói riêng, vùng sâu, vùng cao, vùng xa trên địa bàn cả nước nói chung không ngừng được cải thiện, nâng cao với nhiều chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực.
Ðảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quan trọng có tính chất chỉ đạo hệ thống chính trị các cấp quan tâm hơn nữa đến công tác ở vùng đồng bào dân tộc. Trên cơ sở này, chính quyền tại các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp, cách làm hiệu quả giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo, phát huy tinh thần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong đó, nhấn mạnh đến các chính sách đối thoại, gặp gỡ, giải đáp các khúc mắc của đồng bào đang sinh sống tại địa bàn trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở để cùng nhau tìm ra các chính sách tối ưu nhất phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cũng tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn hiệu quả, từ sớm, từ xa nhiều âm mưu, thủ đoạn gây chia rẽ dân tộc, tôn giáo, lợi dụng quyền tự do, dân chủ để thực hiện những hành vi chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính quyền và cơ quan chức năng cũng ngày một chủ động hơn trong việc tạo cơ hội, điều kiện cho những người dân từng lầm đường, lạc lối đi theo các đối tượng xấu có cơ hội được hòa nhập, sinh sống ổn định bên gia đình và cộng đồng...
Ðáng tiếc là vẫn có những tổ chức quốc tế, cơ quan chuyên môn làm công tác nhân quyền tại một số quốc gia lại dựa vào các cáo buộc sai sự thật về đời sống vật chất và tinh thần của người H’Mông tại Việt Nam như những "bằng chứng", "nhân chứng" xác thực để từ đó, lập nên những báo cáo, khuyến nghị phiến diện, thiếu khách quan về cuộc sống của người dân tộc thiểu số tại Việt Nam, đưa ra những yêu sách phi lý đòi thay đổi pháp luật Việt Nam.
Bởi vậy, thời gian tới, bên cạnh việc quan tâm chăm lo, thực hiện tốt chính sách đối với đồng bào người dân tộc thiểu số, Việt Nam cần tiếp tục quan tâm, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thông tin, đối ngoại để những thành tựu trong bảo vệ, bảo đảm, phát huy đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, người H’Mông nói riêng được cộng đồng quốc tế biết đến một cách rộng rãi, đầy đủ, thuyết phục.
Cùng với đó, cần nhanh chóng vạch trần âm mưu, quyết liệt đấu tranh trước các thủ đoạn lợi dụng quyền tự do, dân chủ để đòi "ly khai", "tự trị" các tổ chức chống phá người H’Mông lưu vong. Song song với việc phát huy hiệu quả công tác dân tộc, cần lồng ghép công tác này với các nhiệm vụ chuyên môn để các cơ quan chức năng thường xuyên bám sát cơ sở, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, không để xảy ra các "điểm nóng" về an ninh, trật tự../.
PHAN KỶ (nhandan.vn)