Đến hẹn… lại lo
Liên tiếp trong những ngày vừa qua, công an các đơn vị, địa phương trên cả nước đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ việc liên quan đến pháo. Mới đây, ngày 24-12, Phòng Cảnh sát kinh tế (CATP Hà Nội) đã phối hợp triệt phá 3 vụ sản xuất, buôn bán hàng cấm là pháo nổ, tang vật thu giữ trên 60kg pháo và nhiều tài liệu liên quan. Các đối tượng đang bị điều tra gồm: Chu Trần Tuấn (SN 1997, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Đào Đức Long (SN 1999, trú tại huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) với hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm là pháo hoa nổ trái phép; Hoàng Trọng Dũng (SN 1998, trú tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) với hành vi vận chuyển hàng cấm là pháo hoa nổ.
Nhóm thiếu niên tự chế, sản xuất pháo nổ và số tang vật bị CAH Phú Xuyên thu giữ…
Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận đặt mua số pháo nói trên từ một người đàn ông (không rõ nhân thân, lai lịch) qua mạng xã hội, sau đó cất giấu tại nhà để chia nhỏ bán kiếm lời. Khi có khách đặt mua, các đối tượng đóng gói, gửi qua dịch vụ giao hàng, xe khách, xe tải. Đáng nói, mặc dù trong thời gian qua lực lượng chức năng trên cả nước đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa kết hợp tuyên truyền, vận động người dân không buôn bán, vận chuyển, chế tạo pháo nổ, nhưng thực tế vẫn có nhiều vụ việc tự chế pháo nổ, nổi lên gần đây là các em học sinh tham gia tự chế pháo nổ bị phát hiện, bắt giữ.
Cụ thể, tại Hà Nội, khoảng 17h50 ngày 22-12, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy (Công an huyện Phú Xuyên) đã bắt quả tang tại một ngôi nhà hoang gần nghĩa trang thôn Từ Thuận, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên có 3 thanh thiếu niên gồm: D.Q.H (SN 2009, trú tại xã Vân Từ), T.D.A (SN 2008, trú tại xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín), T.H.L (SN 2008, trú tại xã Minh Cường, huyện Thường Tín), đang có hành vi sản xuất pháo nổ.
Tại hiện trường, cơ quan công an thu giữ các nguyên liệu, dụng cụ sử dụng để chế tạo pháo và 800 quả pháo thành phẩm. Cầm đầu nhóm “chế tạo” pháo là Trần Phú Mười (SN 2005, trú tại xã Minh Cường, huyện Thường Tín). Mười khai nhận, cuối tháng 11-2024, đối tượng lên mạng Internet tìm hiểu cách chế tạo pháo nổ. Sau khi đã “học” được cách sản xuất, Mười truy cập mạng xã hội đặt mua nguyên liệu mục đích sản xuất pháo để bán kiếm lời trong dịp Tết Dương lịch và Tết Âm lịch. Để che giấu hành vi vi phạm, Mười đã chọn địa điểm là ngôi nhà hoang ở gần khu nghĩa trang và cùng đồng bọn tổ chức chế tạo pháo nổ. Đáng chú ý, Mười thuê nhóm thiếu niên bạn của em trai mình vốn còn đang trong độ tuổi học sinh để tham gia vào việc sản xuất, chế tạo pháo nổ.
Theo cơ quan công an, các đối tượng đã thức xuyên đêm trộn thuốc pháo để hôm sau sản xuất thành quả pháo hoàn chỉnh. Khi chưa kịp đưa ra thị trường tiêu thụ thì cả nhóm bị bắt giữ. Công an huyện Phú Xuyên đã trưng cầu giám định tang vật tại Phòng Kỹ thuật hình sự và kết quả là 884 ống pháo nổ có khối lượng 15kg, hộp thuốc pháo nặng 800g.
Nguyên liệu tự chế pháo được các nhóm thanh thiếu niên mua trên mạng Internet
Khi mạng xã hội bị lợi dụng triệt để
Theo các cơ quan chức năng, hàng năm, cứ đến thời điểm trước Tết Nguyên đán là số ca bị thương liên quan đến pháo nổ, trong đó đặc biệt là các em học sinh lại tăng cao, gây nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Gần đây nhất, chỉ tính riêng Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong 1 tháng đã tiếp nhận 4 - 5 trường hợp học sinh bị tai nạn do pháo nổ. Đa số các trường hợp bị thương rất nặng, mất ngón tay, cụt tay, tổn thương mắt...
Điển hình, ngày 14-12-2024 Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận 3 trường hợp đa chấn thương do nổ pháo tự chế, trong đó có 1 em bị giập nát ngón tay. Đến ngày 18-12-2024, tiếp tục 1 học sinh được đưa vào cấp cứu trong tình trạng dập nát bàn tay trái, bị thương mắt phải vì pháo nổ. Do vết thương quá nặng, các bác sĩ đã phải cắt bỏ 3 ngón tay ở bàn tay trái của bệnh nhân. Tại Gia Lai, ngày 8-12-2024, một học sinh lớp 8 trong quá trình chế tạo pháo đã dẫn tới phát nổ và bị thương nặng. Dù đã được đưa đi cấp cứu nhưng em học sinh này đã không qua khỏi.
Mạng xã hội chính là nơi mà các “pháo tặc” hoạt động, từ hướng dẫn cách chế tạo pháo đến các giao dịch mua bán pháo trái phép. Chỉ với từ khóa “pháo nổ tự chế”, dễ dàng tìm thấy hàng trăm clip hướng dẫn cách chế tạo pháo từ A - Z. Mua nguyên liệu ở đâu, pha trộn tỷ lệ bao nhiêu để pháo nổ to nhất đều được hướng dẫn một cách tỉ mỉ, trực quan, đến mức một học sinh lớp 5 cũng có thể chế tạo thành công nếu làm theo đúng hướng dẫn. Thế nhưng, điều quan trọng nhất là các quy tắc an toàn thì không có bất cứ khuyến cáo nào. Thậm chí, các đối tượng này còn sẵn sàng đốt thử thuốc pháo vừa trộn xong ngay trong phòng… “Lợi nhuận từ việc buôn bán pháo nổ rất lớn. Chính vì vậy bất chấp sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, tình trạng mua bán, sản xuất pháo nổ trái phép vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Nếu vẫn còn tràn lan các clip hướng dẫn chế tạo pháo trên mạng, các hóa chất sử dụng làm nguyên liệu chế tạo pháo vẫn có thể mua bán dễ dàng và ý thức của người dân chưa được nâng cao thì những cái chết thương tâm do pháo vẫn còn tiềm ẩn” - Đại tá Vũ Minh Hùng, Trưởng phòng Hướng dẫn, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo (Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an) cho hay.
Nhằm qua mắt cơ quan chức năng, hiện trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử như TikTok Shop, các đối tượng rao bán hóa chất để chế tạo pháo nổ thường đặt dưới những tên gọi trá hình như bán bột than mịn bón cây trồng, bán phân bón, thuốc tím sát khuẩn, tẩy quần áo. Còn dây cháy chậm thì được rao bán dưới cái tên dây dù uốn cây, dây dẫn nhiệt chậm. Nhưng thực tế, dưới phần phản hồi hầu hết các khách hàng đều nhận xét rằng sản phẩm nổ to, tiếng đanh. Để phòng ngừa những vụ việc phức tạp xảy ra, mỗi gia đình và nhà trường cần có biện pháp quản lý, giáo dục con em của mình, không liên hệ qua mạng xã hội để mua bán hóa chất, vật liệu về chế tạo, sử dụng các loại pháo nổ.
Tăng cường tuyên truyền, phòng ngừa
Theo Trung tá Ngô Văn Kiên - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Đông Anh, hầu hết các đối tượng sản xuất pháo nổ thường lén lút hoạt động tại nhà. Việc này không chỉ gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của chính đối tượng mà còn dẫn đến tác động cho cả những người xung quanh. Ngoài ra, đối tượng cũng có thể thuê nhà trọ hoặc những kho xưởng hẻo lánh, không đảm bảo về phòng chống cháy nổ để tự chế pháo. Thống kê của Bộ Công an cho thấy, trong năm 2024 lực lượng chức năng đã phát hiện 304 vụ, bắt giữ 543 đối tượng sản xuất trái phép pháo. Nhiều trường hợp do không có kiến thức về hóa chất và tỷ lệ pha trộn nên khi thực hiện sản xuất, chế tạo đã bị tai nạn.
Càng về cuối năm, tình hình buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ càng diễn biến phức tạp. Cùng với đó là chiều hướng gia tăng các vụ tai nan do tự chế pháo nổ, gây thiệt hại về người. Cơ quan công an cùng các ban, ngành chức năng cần tăng cường các giải pháp “làm sạch” thông tin trên không gian mạng liên quan đến pháo nổ, đẩy mạnh tuyên truyền qua những video, hình ảnh… về hậu quả tai nạn do pháo nổ gây ra để cảnh tỉnh những ai còn đang có ý định mua bán, tàng trữ, chế tạo pháo.
Đại tá Vũ Minh Hùng - Trưởng phòng Hướng dẫn, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an: Chỉ sử dụng các loại pháo được Nhà nước cho phép
Năm 2024, dưới sự chỉ đạo lãnh đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công an, công an các đơn vị, địa phương đã triển khai đấu tranh rất hiệu quả với tội phạm, vi phạm về pháo. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng toàn quốc đã bắt giữ hơn 4.000 vụ với trên 5.000 đối tượng, thu khoảng 66 tấn pháo các loại, trong đó nhiều địa phương đã phát hiện, bắt giữ các vụ việc về pháo với số lượng lớn đưa từ nước ngoài vào Việt Nam. Các tuyến biên giới dài thường được đối tượng lợi dụng để vận chuyển pháo vào tiêu thụ trong nội địa.
Bên cạnh đó, tình trạng thanh thiếu niên tự mua hóa chất về chế tạo, sản xuất pháo trái phép cũng rất phức tạp. Đáng chú ý, liên tiếp trong những ngày qua đã xảy ra các vụ tai nạn do học sinh tự chế pháo trái phép, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (trong đó đối tượng từ độ tuổi 15-35 là chủ yếu). Đã có trường hợp học sinh cấp THCS và THPT tụ tập thành các nhóm để mua các loại hóa chất, tìm cách chế tạo, sản xuất pháo. Nguyên nhân là do các cháu thiếu hiểu biết về pháp luật và công tác đấu tranh, ngăn chặn hành vi mua bán trái phép pháo trên mạng xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều đối tượng trong nước câu kết với các đối tượng nước ngoài để giao dịch, sau đó vận chuyển pháo lậu vào Việt Nam.
Để xử lý hiệu quả đối với vi phạm, tội phạm về pháo, các lực lượng chức năng, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh các công tác tuyên truyền cho người dân nhận thức rõ được hành vi nào là vi phạm pháp luật liên quan đến pháo, các loại pháo nào được phép bán trên thị trường. Đặc biệt là phải tuyên truyền để người dân nắm được pháo là sản phẩm rất nguy hiểm, không được tự ý chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ mà chỉ sử dụng các loại pháo được nhà nước cho phép.
Minh Khánh (Thực hiện)
Hiểm họa từ pháo kích nổ bằng điều khiển từ xa
Lực lượng công an giám định số thuốc pháo và các thiết bị, dụng cụ để chế tạo pháo kích nổ từ xa
Việc chế tạo pháo không chỉ dễ dàng được bắt chước từ các clip trên mạng xã hội mà các phụ kiện như bộ kích nổ tự chế cũng được mua khá đơn giản tại các cửa hàng điện thoại cũ. Chỉ với một chiếc điều khiển từ xa, những thiết bị này có thể kích nổ một hoặc nhiều quả pháo. Đây là một thủ đoạn mới rất tinh vi mà các đối tượng sử dụng để trốn tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.
Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận mẫu vật giám định gồm 29 quả pháo hoa nổ tự chế, 3 quả pháo nổ, 22 đoạn dây ngòi pháo, 2 bộ điều khiển kích nổ pháo từ xa cùng các hóa chất, dụng cụ để chế tạo thuốc pháo từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đoan Hùng. Theo cơ quan công an, việc chế tạo bộ kích nổ từ xa gây nhiều nguy hiểm bởi khi kích nổ thì những người đi gần đấy cũng có thể bị ảnh hưởng do không thể phát hiện là kích nổ lúc nào. “Các đối tượng chỉ cần bấm điều khiển, nguồn điện sẽ đóng vào dây may-so tạo nên nguồn nhiệt gây cháy thuốc pháo, từ đó pháo hoa được kích hoạt” - Thiếu tá Lê Tiến Trung, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Phú Thọ nói về nguyên lý hoạt động của pháo kích hoạt từ xa.
Hành vi chế tạo pháo kích nổ từ xa là thủ đoạn mới, cực kỳ tinh vi của các đối tượng. Ngoài bị xử phạt hành chính, người thực hiện hành vi này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội gây rối trật tự công cộng, buôn bán hàng cấm… Cơ quan công an khuyến cáo người dân cảnh giác và tố giác kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về pháo. Các lực lượng chức năng sẽ quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn, xử lý tình trạng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ, pháo nổ trái phép. Trần Hải
Chu Hương