► Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 31/3
Nhà đầu tư nên duy trì sự thận trọng trong chiều hướng mua và kiên nhẫn chờ đợi
Thị trường trải qua tuần giao dịch cuối tháng 3 tương đối ảm đạm với thanh khoản sụt giảm cùng áp lực bán gia tăng. Chỉ số VN-Index kết tuần với nến Gravestone Doji đóng cửa mức gần thấp nhất tuần cho sự suy yếu đáng kể của lực cầu. Ngoại trừ sự khởi sắc trong phiên giao dịch đầu tuần, thị trường gần như trượt dài trong quãng thời gian còn lại. Nỗ lực bứt phá sớm “phá sản” khi thị trường thiếu sự dẫn dắt của các nhóm ngành có sức ảnh hưởng trong khi nhóm trụ không còn duy trì được ưu thế về điểm số. Liên tiếp là 3 phiên cuối tuần điều chỉnh cùng thanh khoản liên tục sụt giảm phản ánh trạng thái thận trọng của phe mua đặc biệt trong bối cảnh chỉ số đã rơi xuống dưới ngưỡng bình quân 20 ngày trong phiên giao dịch cuối tuần. Đóng cửa tuần giao dịch từ 24/3-28/3, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.317,46 điểm -6,35 điểm (-0,48%), giảm tuần thứ 2 liên tiếp.
Thanh khoản khớp lệnh bình quân thị trường sụt giảm tuần thứ 2 liên tiếp và hầu hết các phiên giao dịch dưới ngưỡng bình quân 20 phiên. Lũy kế cả tuần giao dịch, thanh khoản bình quân trên sàn HSX đạt 788 triệu cổ phiếu (-8,27%), tương đương 18.751 tỷ đồng (-6,555%) về giá trị giao dịch.
Đóng cửa tuần giao dịch từ 24/3-28/3, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.317,46 điểm
Độ mở thị trường giằng co tương đối cân bằng với 11 nhóm ngành điều chỉnh so với 10 nhóm ngành bật tăng. Gây áp lực lên thị trường và tâm lý giao dịch trong phiên hôm nay là các nhóm ngành như: Thủy sản (-1,1%), Bán lẻ (-0,72%), Cảng biển (-0,56%), Dầu khí (-0,52%),... Ở chiều ngược lại, thu hút dòng tiền và bứt phá trong phiên là các nhóm ngành: Bảo hiểm (+0,82%), Hàng không (+0,49%), Nhựa (+0,46%),...
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Kiến Thiết (CSI), VN-Index có phiên giảm thứ 3 liên tiếp với khối lượng khớp lệnh gia tăng so với phiên trước đó, nhưng vẫn thấp hơn (-22,6%) so với mức bình quân 20 phiên. Áp lực bán rõ ràng có xu hướng gia tăng dần thể hiện qua biên độ giảm hôm nay lớn hơn và thanh khoản tăng cao hơn so với phiên giảm trước đó. Xét trên biểu đồ tuần, VN-Index có tuần giảm điểm thứ 2 liên tiếp, mức giảm điểm không quá lớn (-0,33%) và khối lượng sụt giảm so với tuần trước (-11,5%) nên xu hướng tăng điểm đã thiết lập trong 8 tuần tăng điểm trước đó chưa bị bẻ gãy. Tuy vậy, sau quá trình tăng điểm 2 tháng liên tiếp thì áp lực chốt lời gia tăng và có nhịp điều chỉnh cũng là điều bình thường của thị trường.
“Chúng tôi kỳ vọng nhịp chỉnh này sẽ kéo VN-Index về vùng hỗ trợ mạnh 1.286 – 1.290 điểm rồi mới quay trở lại xu hướng tăng điểm. Do đó, nhà đầu tư nên duy trì sự thận trọng trong chiều hướng mua và kiên nhẫn chờ đợi VN-Index test ngưỡng hỗ trợ mới mạnh tay giải ngân cho vị thế mua ròng”, chuyên gia của CSI lưu ý.
Thị trường có thể sẽ sớm xuất hiện nhịp hồi
Còn theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, trong tuần này 31/3 – 4/4, thị trường có thể duy trì tâm lý thận trọng, và VN-Index có thể kiểm định vùng hỗ trợ quan trọng 1.300 điểm (+/-10 điểm). Tuy nhiên, khả năng chỉ số giảm sâu hơn vùng này không cao nhờ: lo ngại thuế quan đã phản ánh phần lớn vào đợt điều chỉnh gần đây; Việt Nam gần đây đã có những bước đi mạnh mẽ và kịp thời để giảm thiểu nguy cơ bị phía Mỹ áp thuế quan “hà khắc”, bao gồm ký kết các thỏa thuận thương mại lên tới 90 tỷ USD với Mỹ và xem xét giảm thuế đối với một số sản phẩm nhập khẩu như ô tô, ethanol, LNG, nông sản, gỗ và sản phẩm gỗ để phần nào cân bằng thương mại với các đối tác thương mại quan trọng và tác động trực tiếp từ thuế quan tới thị trường chứng khoán là hạn chế do nhóm cổ phiếu liên quan tới xuất khẩu chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu các chỉ số chứng khoán. Do đó, rủi ro và tác động từ thuế quan có thể đang bị “thổi phồng” quá mức.
Thị trường có thể sẽ sớm xuất hiện nhịp hồi (Ảnh minh họa: KT)
“Nếu VN-Index lùi về vùng hỗ trợ quanh 1.300 điểm (+/-10 điểm) sẽ mở ra cơ hội giải ngân với giá vốn tốt cho mục tiêu trung-dài hạn, đặc biệt ở các ngành có triển vọng tích cực trong năm nay như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản nhà ở, điện, và đầu tư công. Năm 2025, thị trường đang hội tụ nhiều yếu tố hỗ trợ để kỳ vọng vào xu hướng tích cực, bao gồm định giá hấp dẫn, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp tích cực, những lợi ích lớn từ triển khai hệ thống KRX và nâng hạng thị trường”, ông Đinh Quang Hinh nhận định.
Các chuyên gia của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường chứng khoán có thể sẽ sớm xuất hiện nhịp hồi trong phiên giao dịch đầu tuần hôm nay 31/3. Đồng thời, thị trường có thể xảy ra tình trạng phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, trong đó nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh hoặc biến động hẹp trong những phiên giao dịch tới, còn nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có thể sẽ hồi phục sau giai đoạn điều chỉnh vừa qua. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn bi quan với diễn biến thị trường hiện tại.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp 30-40% danh mục và quan sát thị trường, việc mua mới lúc này chỉ nên để tỷ trọng thấp để thăm dò các cổ phiếu đã có mức giảm nhiều trước đó. Xu hướng trung hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực nên thị trường có thể sẽ nhanh chóng kết thúc giai đoạn điều chỉnh trung hạn. Do đó, các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và có thể tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu”, chuyên gia của YSVN khuyến nghị.
Diệp Diệp/VOV.VN