► Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 8/4
VN-Index có thể sẽ có nhịp hồi phục tăng trở lại
Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua tuần giao dịch kinh hoàng nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Đòn thuế quan 46% mà Mỹ áp lên hàng hóa Việt Nam là một cú sốc thực sự lớn đối với thị trường. Chỉ số VN-Index giảm sốc hơn 100 điểm chỉ trong vòng 2 phiên giao dịch cuối tuần. Tâm lý hoảng loạn khiến nhà đầu tư bán tháo hàng loạt cổ phiếu trên thị trường với 282 cổ phiếu giảm kịch sàn trong phiên giao dịch ngày 3/4. Tâm lý tiêu cực hoảng loạn tiếp tục kéo sang phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số VN-Index vừa mở cửa đã rơi hơn 70 điểm kèm theo hàng loạt cổ phiếu tiếp tục nằm sàn ngay đầu phiên. Lực cầu sau đó nhập cuộc mạnh mẽ, đặc biệt trong phiên chiều đưa chỉ số hồi phục trên ngưỡng 1.200 điểm. Tuy nhiên, không phải nhóm ngành nào cũng hồi phục, nhóm vốn hóa lớn nhận được sự ưu ái hơn của dòng tiền. Chỉ số VN30 kết phiên cuối tuần giảm nhẹ hơn 2 điểm, nhóm này cũng thu hút đến gần 1 tỷ đô giá trị giao dịch trong phiên. Đóng cửa tuần giao dịch đầu tiên của tháng 4, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.210,79 điểm -106,79 điểm (-8,11%), xóa tan hoàn toàn thành quả suốt từ đầu năm.
Thanh khoản khớp lệnh bình quân trên thị trường tuần qua bùng nổ, tiệm cận giai đoạn bùng nổ tháng 11/2021, vượt +83,9% so với mức bình quân 20 tuần giao dịch. Lũy kế cả tuần giao dịch, thanh khoản bình quân trên sàn HSX đạt 1,149 triệu cổ phiếu (+45,79%), tương đương 27.440 tỷ đồng (+46,32%) về giá trị giao dịch.
Đóng cửa tuần giao dịch đầu tiên của tháng 4, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.210,79 điểm -106,79 điểm
Độ mở thị trường chìm trong sắc đỏ với toàn bộ 21/21 nhóm ngành điều chỉnh. Trong đó các nhóm ngành ảnh hưởng trực tiếp từ thuế quan là tâm điểm đợt bán tháo như: Dệt may (-18,22%), BĐS KCN (-17,86%), Cảng biển (-14,13%),... Các nhóm ngành vốn hóa lớn hồi phục tương đối tốt trong phiên giao dịch cuối tuần và thu hẹp mức giảm như: BĐS (-3,56), Ngân hàng (-6,65%),...
Khối ngoại có tuần bán ròng mạnh nhất từ đầu năm với giá trị giao dịch lũy kế đạt -8.942 tỷ đồng trên sàn HSX. Tâm điểm bán ròng của khối ngoại tuần qua tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như: FPT (-1.167 tỷ đồng), MBB (-1.147 tỷ đồng), SSI (-831 tỷ đồng),... Ở chiều mua ròng, khối ngoại mua ròng nhỏ giọt một số mã như: GEX (+471 tỷ đồng), VRE (+257 tỷ đồng), VIX (+163 tỷ đồng),...
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Kiến Thiết (CSI), dù đóng cửa vẫn còn giảm điểm khá nhưng là một tín hiệu tích cực khi đà giảm của VN-Index đã thu hẹp rất nhiều so với lúc mở cửa. Thậm chí nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, tập trung chủ yếu ở nhóm VN30 đã bật tăng trở lại, hỗ trợ cho thị trường chung rất lớn như (VHM, VIC, VNM, STB, LPB, SHB…), qua đó, giúp VN-Index hồi phục tăng (+53,67 điểm) so với mức đáy. Điều đáng chú ý hơn là lực cầu bắt đáy đã bắt đầu nhập cuộc khi khối lượng có phiên bùng nổ, tăng mạnh hơn cả phiên giảm điểm lịch sử ngày 3/4 và tăng vọt (+112%) so với mức trung bình 20 phiên. VN-Index dù đóng cửa giảm điểm nhưng trên biểu đồ kỹ thuật là thân nến tăng giá “Bullish Marubozu” cho thấy lực cầu đã có tín hiệu áp đảo hơn. Sự hoảng loạn bán tháo trong phiên sáng (do dư địa giảm điểm trong phiên 3/4 trước ảnh hưởng của “mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ áp lên hàng hóa Việt Nam”) gần như đã được hấp thụ hết trong phiên cuối tuần 4/4.
Xét trên biểu đồ tuần, VN-Index có một tuần khủng hoảng giảm điểm rất mạnh (-8,11%) với khối lượng bùng nổ ở mức cao lịch sử đang cho thấy xu hướng giảm áp đảo. Tuy vậy, đóng cửa tuần, mức giảm đã thu hẹp đáng kể và sự hoảng loạn bán tháo phần nào đã được hấp thụ phần lớn.
“Bước sang tuần này, chúng tôi kỳ vọng rằng Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ có những bước tiến triển mới trong việc đàm phán về mức thuế đối ứng 46% theo hướng tích cực hơn. Vì vậy, VN-Index có thể sẽ có nhịp hồi phục tăng trở lại trong tuần này với mức kháng cự quanh ngưỡng 1.255 điểm”, chuyên gia của CSI nhận định.
Nhà đầu tư nên duy trì tỉ trọng hợp lý, ưu tiên quản trị rủi ro
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), trong ngắn hạn, thị trường đã chịu cú sốc thuế quan, vượt các dự tính, lẽ thông thường. Đây là áp lực lớn, bất ngờ đối với nền kinh tế, cũng như nhà đầu tư. Dẫn đến thị trường có những phiên giao dịch, bán mạnh với mức giảm và thanh khoản đột biến nhất trong lịch sử. Điều này vẫn có thể tiếp tục dẫn đến áp lực bán giải chấp dư nợ ký quỹ trong những phiên tới.
Nhà đầu tư nên duy trì tỉ trọng hợp lý, ưu tiên quản trị rủi ro (Ảnh minh họa: KT)
“Nhà đầu tư nên duy trì tỉ trọng hợp lý. Cần ưu tiên quản trị rủi ro trong bối cảnh mới hiện nay. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã có nền tảng cơ bản tốt, đầu ngành trong các ngành chiến lược, tăng trưởng vượt trội của nền kinh tế”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) phân tích, xét trên khung thời gian tuần, VN-Index ghi nhận cây nến giảm mạnh với bóng nến dưới dài, cho thấy lực cầu xuất hiện tại vùng giá thấp và giúp chỉ số kiểm định thành công vùng hỗ trợ quanh đường mây Span B trong hệ thống Ichimoku. Diễn biến này hàm ý khả năng thị trường sẽ tiếp tục trải qua những phiên rung lắc trong tuần tới, đồng thời bước vào giai đoạn tái tích lũy trong mây Kumo – tương ứng với biên độ dao động khá rộng từ 1.180 đến 1.230 điểm. Vùng hỗ trợ của VN-Index nằm tại 1.160 – 1.180 điểm. Vùng kháng cự của VN-Index nằm tại 1.230 - 1.250 điểm.
Ông Khiếu Trọng Huy, chuyên gia phân tích của BVSC cho rằng, nếu Việt Nam có thể đàm phán được các mức thuế thấp hơn so với mức thuế dự kiến, thị trường có thể sẽ sớm cân bằng và có thể hình thành các nhịp tăng điểm ngắn hạn trở lại.
“Đối với các nhóm ngành ít bị ảnh hưởng bởi các thông tin về thuế và vẫn được hỗ trợ bởi các yếu tố cơ bản và có tiềm năng tăng trưởng tốt trong năm 2025, nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt lớn có thể cân nhắc mở vị thế mua trading ở các mức giá giảm mạnh trong phiên. Đối với các nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao và có sử dụng margin vẫn nên ưu tiên quản trị rủi ro cho danh mục, có thể tận dụng các hồi của thị trường trong phiên để xem xét thực hiện cơ cấu danh mục”, ông Khiếu Trọng Huy khuyến nghị.
Diệp Diệp/VOV.VN