Nhân lực công nghệ Việt Nam cần những gì để đón 'đại bàng' công nghệ?

Nhân lực công nghệ Việt Nam cần những gì để đón 'đại bàng' công nghệ?
một ngày trướcBài gốc
Hôm nay (1-4), nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cùng Viện Giáo dục Quốc tế Hoa Kỳ công bố Chương trình Hợp tác Học thuật Quốc tế (IAPP).
Quang cảnh cuộc gặp gỡ ngày hôm nay - Ảnh: NGỌC DIỆP
Hơn 40 lãnh đạo cấp cao từ 21 trường đại học danh tiếng của Hoa Kỳ đã đến thăm Đại học Bách khoa Hà Nội, đối thoại với lãnh đạo trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đồng thời thăm quan một số cơ sở nghiên cứu của trường.
Chia sẻ với PLO, bà Kate Barlett - Tùy viên Văn hóa Đại sứ quán Hoa Kỳ- cho biết việc lựa chọn 21 trường đại học Hoa Kỳ đến Việt Nam lần này được cân nhắc dựa trên thế mạnh của trường và sự quan tâm của các trường trong hợp tác công nghệ, kỹ thuật với Việt Nam.
Tùy viên Văn hóa Đại sứ quán Hoa Kỳ khẳng định sẽ có nhiều sự hợp tác trong hàng loạt các lĩnh vực như hàng không vũ trụ, bán dẫn… Đồng thời, sẽ có thêm những sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong đào tạo STEM cho học sinh phổ thông Việt Nam.
Bà Kate Barlett - Tùy viên Văn hóa Đại sứ quán Hoa Kỳ
Bên lề sự kiện, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội- đã chia sẻ với PLO về những việc mà các trường đại học công nghệ, kỹ thuật Việt Nam cần làm để đón làn sóng đầu tư công nghệ cao của nước ngoài, cũng như hướng hợp tác với phía Hoa Kỳ trong tương lai.
.Tổng Bí thư Tô Lâm gần đây có nói đến việc chuẩn bị “tổ” cho “đại bàng” công nghệ cao nước ngoài đến đầu tư. Vậy theo ông, các trường đại học cần làm gì để chuẩn bị được nhân lực tốt nhất cho mục tiêu này?
+ PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng: Câu chuyện thu hút các doanh nghiệp công nghệ lớn nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam cần sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng và đầu tư rất đầy đủ. Đầu tư ở đây không phải nói đến cơ sở vật chất, mà đầu tư để nắm bắt được cơ hội của thị trường và các mối quan hệ quốc tế.
Ví dụ, ở Việt Nam đang muốn phát triển doanh nghiệp đầu tư về công nghệ cao, trước tiên cần phải chuẩn bị nguồn lực về công nghệ mà các trường công nghệ kỹ thuật trong nước có thể đáp ứng được.
Sau đó, cần phải tính đến việc sinh viên phải sử dụng tốt tiếng Anh hoặc một ngôn ngữ khác như tiếng Hàn, tiếng Nhật với doanh nghiệp Hàn, Nhật.
Về mặt cơ bản, năng lực của sinh viên cần phải đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của ngành công nghệ cao.
Ngoài ra, sinh viên cần phải có năng lực để làm việc trong môi trường quốc tế. Khi bước vào môi trường quốc tế, sinh viên ngay lập tức có thể chưa có đầy đủ các kỹ năng, nhưng họ cần phải chịu được áp lực công việc, nhận thức được cơ hội và sẵn sàng nắm bắt cơ hội làm việc trong môi trường quốc tế.
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội - Ảnh: NGỌC DIỆP
Về phía các trường đại học, cần phải tìm hiểu và phát triển, đổi mới các chương trình đào tạo theo xu hướng hội nhập quốc tế. Ngoài ra, tìm kiếm cơ hội việc làm cho các bạn sinh viên giỏi, có kỹ năng và có ngoại ngữ để các bạn có thể đi thực tập, làm việc tại môi trường quốc tế ngay từ khi còn là sinh viên.
Cùng với đó, các trường đại học cần định hướng đúng các ngành nghề mà sinh viên yêu thích, quan tâm và mở ra cơ hội để phát triển bản thân làm việc trong môi trường quốc tế.
Việt Nam cần có đủ đội ngũ nhân lực các kỹ sư lành nghề mới có thể đón nhận được đầu tư từ doanh nghiệp công nghệ cao của toàn cầu. Khi doanh nghiệp “đại bàng” công nghệ đến Việt Nam, điều đầu tiên họ quan tâm sẽ là nhân lực, sau đó đến môi trường, ưu đãi chính sách.
.Từ góc độ của một nhà quản lý giáo dục, ông nhận xét ra sao về ưu điểm của nhân lực công nghệ Việt Nam, còn những gì mà nhân sự công nghệ Việt Nam cần phải cải thiện?
+ Thứ nhất, nhìn về mặt ưu điểm, Việt Nam vẫn đang có nguồn lực lao động trẻ. Dù tốc độ già hóa dân số cũng đang cao hơn so với thời gian trước, nhưng nhân lực của chúng ta vẫn còn đang trẻ.
Thứ hai, người Việt Nam thông minh. Học sinh, sinh viên có ý chí học tập tốt. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên phù hợp với tố chất của người Việt Nam, ví dụ người Việt Nam rất giỏi Toán và yêu thích công nghệ.
Hai yếu tố này tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học thu hút được các em học sinh giỏi vào, đào tạo các em trở thành cử nhân, kỹ sư lành nghề trong lĩnh vực phù hợp để đáp ứng được nhân lực công nghệ cao đến Việt Nam.
Tuy nhiên, nhân lực Việt Nam nói chung còn chưa giỏi về “khả năng chịu tải” trong công việc. Trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, sức ép công việc rất lớn. Đòi hỏi về tìm tòi và tìm hiểu nhiều, áp lực công việc rất lớn.
Để cải thiện điều này, Bách khoa Hà Nội đã đưa sinh viên tham gia vào nhiều dự án làm việc với doanh nghiệp, từ đó tạo cho các em sức ép về mặt tiến độ, nâng cao năng lực phải vượt qua, và đây là một trong những tố chất cần phải có của sinh viên.
.Cho đến hiện tại, Đại học Bách khoa Hà Nội đã hợp tác với phía Hoa Kỳ như thế nào và kế hoạch những năm tới sẽ ra sao?
+ Hợp tác với các trường ở Hoa Kỳ là câu chuyện truyền thống của các trường đại học. Nhưng riêng Đại học Bách khoa Hà Nội có lợi thế, từ năm 2000 đến năm 2015, phía Hoa Kỳ có cấp cho Việt Nam học bổng VEF. Nhiều trường có xếp hạng rất cao của Hoa Kỳ đến Việt Nam để tuyển dụng các em sinh viên giỏi phía Việt Nam đi học PhD tại Hoa Kỳ, theo chương trình học bổng 2 hoặc 5 năm.
Nhờ đó, nhiều em sinh viên giỏi của Đại học Bách Khoa Hà Nội đã trưởng thành sau khi vượt qua được những sức ép về mặt học thuật, ngôn ngữ và thành công. Nhờ đó, uy tín của Đại học Bách khoa Hà Nội trong nhóm các trường kỹ thuật lên rất cao.
Đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội và các trường đại học Hoa Kỳ chụp ảnh lưu niệm - Ảnh: ĐHBKHN
Các trường đại học Hoa Kỳ có tiêu chuẩn tuyển sinh rất cao, việc gửi các em đi học theo chương trình này là cách để rèn luyện sinh viên để trưởng thành cả về năng lực nghiên cứu, kỹ năng làm việc.
Qua các chương trình đào tạo tại trường, chúng tôi cũng tạo ra được đội ngũ nhân lực tham gia hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp thành công. Để sáng tạo và khởi nghiệp được, cần phải có sự nhanh nhạy để nắm bắt cơ hội và ý chí để hiện thực hóa các mục tiêu.
Điều này rất phù hợp với định hướng, đường lối của Đảng và Chính phủ hiện nay. Tổng Bí thư kêu gọi phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân của người Việt Nam dựa trên nền tảng công nghệ cao, có tiềm năng trở thành “kỳ lân” công nghệ.
. Xin cám ơn những chia sẻ của ông!
NGỌC DIỆP
Nguồn PLO : https://plo.vn/nhan-luc-cong-nghe-viet-nam-can-nhung-gi-de-don-dai-bang-cong-nghe-post842050.html