Nhân Ngày doanh nhân Việt Nam (13-10): Chính quyền đồng hành, doanh nghiệp đồng tâm đầu tư phát triển

Nhân Ngày doanh nhân Việt Nam (13-10): Chính quyền đồng hành, doanh nghiệp đồng tâm đầu tư phát triển
4 giờ trướcBài gốc
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao quà lưu niệm đến Tổng Giám đốc Tập đoàn Sembcorp (Singapore) và Hội đồng Quản trị, Ban Tổng Giám đốc VSIP Việt Nam tại buổi làm việc, thúc đẩy tiến độ đầu tư Khu công nghiệp Hải Long tại Nam Định.
Chính quyền đồng hành - doanh nghiệp đồng tâm
Theo các doanh nghiệp, một trong những yếu tố quan trọng giúp Nam Định tạo dựng được niềm tin vững chắc từ các doanh nghiệp chính là tinh thần đồng hành, sát cánh của chính quyền tỉnh trong suốt quá trình đầu tư và phát triển của doanh nghiệp.
Ông Vũ Quốc Phong, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Quanta Computer Inc., của Đài Loan (Trung Quốc) cho biết: “Chiều 24/9/2024, chỉ sau 16 tháng được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án, Tập đoàn Quanta Computer Inc., đã chính thức xuất hai lô hàng mẫu máy tính xách tay từ nhà máy tại Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Thuận (thành phố Nam Định) cho bạn hàng là các tập đoàn hàng đầu thế giới đánh giá, nghiệm thu chất lượng. Để thực hiện mọi công đoạn từ khởi công, hoàn tất xây dựng nhà máy số 1, lắp đặt thiết bị với quy mô sản xuất 1,3 triệu chiếc máy tính, chạy thử hệ thống đến sản xuất với tốc độ nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, Tập đoàn Quanta Computer Inc., đã nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ các cấp chính quyền, ngành chức năng, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nam Định. Trước đó, chỉ trong vòng chưa tới 48 giờ sau khi đã hoàn tất hồ sơ đăng ký, Tập đoàn đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án. Sự hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả của tỉnh Nam Định không chỉ giúp Tập đoàn nhanh chóng triển khai thực hiện dự án, khẳng định năng lực sản xuất vượt trội, sớm đưa sản phẩm ra thị trường mà còn giúp Tập đoàn yên tâm tiếp tục thực hiện kế hoạch đầu tư tăng năng lực sản xuất theo lộ trình: vào năm 2025 đạt 2,6 triệu máy, năm 2026 đạt 3,6 triệu máy, năm 2027 đạt 4 triệu máy, năm 2028 đạt 4,5 triệu máy. Dự kiến, đến cuối năm 2024, Tập đoàn sẽ sử dụng khoảng 2.000 lao động, đến cuối năm 2025 sẽ sử dụng 9.000 lao động”.
Theo ông Trần Văn Thụy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xuân Thiện (đại diện nhà đầu tư nhóm 3 dự án thép xanh có tổng vốn đầu tư lên tới gần 100 nghìn tỷ đồng tại khu vực Cồn Xanh huyện Nghĩa Hưng): Đến ngày 11/9/2024, chính quyền tỉnh Nam Định có 2 đợt bàn giao mặt bằng cho Tập đoàn để xây dựng Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn với tổng diện tích khoảng 56,5ha. Việc tỉnh bàn giao mặt bằng sau chặng đường khó khăn trong thu hồi đất không chỉ đem lại niềm vui lớn giúp Tập đoàn Xuân Thiện khởi động lại dự án với tinh thần mới mà còn là minh chứng rõ nét về cam kết từ các cơ quan chức năng và chính quyền đã quyết liệt vào cuộc tháo gỡ những nút thắt, thúc đẩy tiến độ giải quyết, bàn giao mặt bằng; khẳng định việc thực hiện cam kết đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư phát triển của chính quyền tỉnh Nam Định”. Hiện Tập đoàn đang huy động nhân lực, thiết bị máy móc tích cực làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất để đẩy nhanh tiến độ san lấp mặt bằng nhằm khẩn trương thực hiện công đoạn thi công xây dựng và sớm đưa nhà máy vào vận hành sản xuất. Ông Thụy cũng thể hiện sự tin tưởng, với sự hỗ trợ tích cực từ các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh Nam Định, việc triển khai 2 dự án còn lại trong nhóm 3 dự án thép xanh của Tập đoàn tại khu vực Cồn Xanh (Nghĩa Hưng) sẽ tiếp tục thuận lợi.
Không riêng ở hai doanh nghiệp nêu trên mà còn nhiều dự án khác, nhà đầu tư cũng đều được chính quyền tỉnh đồng hành tạo điều kiện thuận lợi nhất tại tất cả các khâu giai đoạn xúc tiến, đầu tư xây dựng, đưa nhà máy vào sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm… Tỉnh tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, chủ động đưa ra các cơ chế tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, cho người dân, doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền chú trọng triển khai sâu rộng hoạt động cung cấp thông tin, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham dự các hội chợ triển lãm quảng bá thương hiệu, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ngành luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, để nhà đầu tư và doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Trong đó, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp vào cuộc, sát sao tiếp cận, nắm bắt thực tế những khó khăn thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư gặp phải, từ đó đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy tiến độ, nâng cao chất lượng thực thi các chính sách. Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố Nam Định và Tổ công tác đặc biệt của Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ công tác 874 chủ động tiếp cận, nắm bắt, tiếp nhận thông tin, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư, đề xuất phương án giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành, tham mưu UBND tỉnh xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo giải quyết đối với những nội dung thuộc thẩm quyền các sở, ngành, các huyện, thành phố Nam Định; kiến nghị giải quyết đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của Trung ương. Các sở, ngành, địa phương cũng chủ động, thường xuyên rà soát và đề xuất cắt bỏ những quy định, thủ tục pháp luật không có lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả cải cách hành chính.
Năm 2023, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của tỉnh đứng thứ 23/61 tỉnh, thành phố, nằm trong nhóm trung bình cao của cả nước. Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) đứng thứ 29/63 tỉnh, thành phố tăng 5 bậc so với năm 2022. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt tổng số 66,67 điểm, cao hơn năm trước 1,38 điểm; nằm trong nhóm tỉnh đạt điểm số trung vị của cả nước (66,66 điểm).
Sản xuất vải tại Công ty TNHH Top Textiles, Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng).
Ngày càng hoàn thiện môi trường đầu tư để phát triển
Để tạo ra niềm tin vững chắc cho các doanh nghiệp về một môi trường kinh doanh tiềm năng và ổn định tại Nam Định, tỉnh đã tăng tốc, tạo đột phá trong đầu tư các công trình, dự án hạ tầng kinh tế - xã hội lớn để mở ra không gian phát triển mới, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư thúc đẩy phát triển các khu vực, vùng kinh tế. Tỉnh đẩy mạnh đầu tư các dự án đường cao tốc, nâng cấp, mở rộng các tuyến tỉnh lộ và đầu tư các cầu nối liên kết vùng giúp cải thiện đáng kể khả năng kết nối của Nam Định với các khu vực kinh tế trọng điểm khác trong cả nước như là: Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (tỉnh lộ 490); tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển (tỉnh lộ 484); đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); cầu qua sông Đào; cầu Đống Cao bắc qua sông Đào thuộc tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình… Hiện tỉnh còn tập trung cho triển khai đầu tư các dự án tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định; đường cao tốc Hà Nam - Nam Định (CT.11), giai đoạn 1 từ thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đến thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định; cầu Ninh Cường, cầu Đống Cao (đơn nguyên 2)...
Cùng với hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp cũng được tỉnh chú trọng chuẩn bị sẵn sàng để cung ứng cho nhà đầu tư với hàng loạt KCN, cụm công nghiệp (CCN) đã và đang được triển khai tích cực như: Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng) 502,31ha; Mỹ Thuận (thành phố Nam Định) 159ha; Yên Bằng (Ý Yên) 50ha; Thanh Côi (Vụ Bản) 50ha; Giao Thiện (Giao Thủy) quy mô giai đoạn 1 khoảng 50ha. Đến nay, toàn tỉnh đã có 6 KCN và 24 CCN đã được thành lập; dự kiến đến năm 2030 có 16 KCN được hình thành với tổng diện tích khoảng 2.546ha và 70 CCN được hình thành với tổng diện tích 2.604ha. Để mở ra không gian mới cho phát triển, tỉnh tiếp tục hoàn thiện Đề án thành lập Khu Kinh tế Ninh Cơ theo ý kiến của các bộ, ngành Trung ương để được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm kiến tạo thêm không gian phát triển kinh tế - xã hội theo hướng trở thành khu vực tạo động lực thúc đẩy, mang tính đột phá của tỉnh và vùng đồng bằng sông Hồng với mô hình khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, gồm: Khu đô thị, KCN, khu cảng, khu dịch vụ hậu cần cảng, khu du lịch; đồng thời chuyển đổi sinh kế người dân ở bãi ngang, bãi bồi sang đánh bắt, nuôi biển kết hợp hình thành các trung tâm điện gió ngoài khơi. Tại các khu, CCN, khu kinh tế này khi hoàn tất xây dựng hạ tầng, đưa vào cung ứng cho nhà đầu tư thứ cấp không chỉ được trang bị hạ tầng kỹ thuật đồng bộ mà còn có chính sách hỗ trợ đất đai, thuế và các ưu đãi khác nhằm khuyến khích các nhà đầu tư.
Gia tăng sức hút nhà đầu tư lớn
Những nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh cùng sự tận tâm, quyết liệt hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư của các cấp chính quyền tỉnh đã tạo dựng niềm tin, giúp ngày càng nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn, doanh nghiệp quy mô lớn, vị thế toàn cầu yên tâm lựa chọn Nam Định làm địa điểm đầu tư phát triển lâu dài. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 1.016 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 29.837 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 13.175 lao động, tăng 7,5% về số doanh nghiệp, gấp hơn 3 lần về vốn đăng ký và giảm 26,7% về số lao động so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân vốn đăng ký một doanh nghiệp thành lập mới đạt 29 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Đến ngày 25/9/2024, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 57 dự án (bao gồm 28 dự án đầu tư trong nước và 29 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký 7.091,7 tỷ đồng và 228,9 triệu USD. Thu hút đầu tư FDI không chỉ gia tăng mạnh về số lượng dự án và số vốn mà còn tạo được làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp, Tập đoàn lớn, công nghệ cao, khẳng định rõ nét những thay đổi đáng kể về chất trong thu hút vốn FDI vào Nam Định. Hầu hết các dự án đều tiến hành triển khai xây dựng ngay sau khi hoàn tất các thủ tục đầu tư; nhiều dự án đã sớm hoàn tất xây dựng, lắp đặt máy móc, vận hành sản xuất, góp phần đáng kể vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Nổi bật là các nhà đầu tư lớn như: Tập đoàn Quanta Computer Inc.,; Công ty TNHH Top Textiles, thuộc Tập đoàn Toray (Nhật Bản) đã khánh thành, đưa nhà máy sản xuất vải Top Textiles công suất 60 triệu mét vải/năm tại KCN Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng) vào hoạt động, góp phần tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho khoảng 1.800 lao động tại địa phương và các vùng lân cận, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh…
Với chiến lược cải cách hành chính sâu rộng, trọng tâm đầu tư vào hạ tầng và sự tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp, trong tương lai Nam Định sẽ ngày càng thu hút thêm nhiều dự án đầu tư lớn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của tỉnh và nâng cao vị thế của Nam Định trên bản đồ thu hút đầu tư của cả nước.
Bài và ảnh: Thanh Thúy,
Nguồn Nam Định : https://baonamdinh.vn/kinh-te/202410/nhan-ngay-doanh-nhan-viet-nam-13-10-chinh-quyen-dong-hanh-doanh-nghiepdong-tam-dau-tu-phat-trien-3242e1d/