Với sự linh hoạt, nhạy bén, mạnh dạn đầu tư của người dân, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế đặc trưng, trong đó có mô hình “trên cây trái, dưới ốc nhồi” đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, thiết thực, mở ra hướng đi mới cho người dân trong sản xuất nông nghiệp.
Mạnh dạn đầu tư, đưa con giống mới vào sản xuất, gia đình anh Lưu Trường Giang, xã Đồng Quế (Sông Lô) thu nhập hàng chục triệu đồng/vụ từ nuôi ốc nhồi.
Phát huy tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng những sản phẩm đặc trưng của địa phương, tỉnh luôn quan tâm, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất.
Đến nay, toàn tỉnh có gần 30 mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Các mô hình đã và đang góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn.
Mở ra hướng phát triển kinh tế mới, khơi dậy tiềm năng quỹ đất của gia đình, sau khi dồn thửa đổi ruộng thành công, anh Đào Mạnh Hùng, xã Đồng Ích (Lập Thạch) đầu tư gần 200 triệu đồng cải tạo, nâng nền toàn bộ diện tích đất nông nghiệp chiêm trũng, kém hiệu quả của gia đình sang trồng cây, nuôi trồng thủy sản.
Với diện tích mặt nước khoảng 500 m2, anh Hùng thả nuôi 300 m2 cá quả, diện tích còn lại thả nuôi hơn 2.500 ốc nhồi giống. Để tạo bóng mát, thức ăn cho ốc, anh Hùng trồng các loại cây ăn quả như mít, ổi và mướp hương xung quanh khu vực ao nuôi.
Vớt những con ốc nhồi vừa được thả nuôi gần 2 tháng, anh Hùng giới thiệu: Ốc nhồi là loài động vật sống trong môi trường tự nhiên, có sức đề kháng tốt nên ít khi bị bệnh, ít công chăm sóc, đặc biệt, người dân chỉ phải mua giống trong lần nuôi đầu tiên, sau đó, ốc tự nhân giống nên chi phí đầu tư không nhiều.
Mô hình nuôi ốc nhồi của gia đình anh Đào Mạnh Hùng, xã Đồng Ích (Lập Thạch) mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Nguồn thức ăn dễ kiếm, chủ yếu là phụ phẩm trong nông nghiệp nên vừa dễ tìm vừa góp phần bảo vệ môi trường. Đến nay, sau gần 2 tháng thả nuôi, ốc nhồi có tỷ lệ sống cao, nhanh lớn, nuôi khoảng 4 - 5 tháng có thể xuất bán. Hiện tại, ốc nhồi thương phẩm được các hộ bán với giá 100 nghìn đồng/kg.
Tận dụng tốt điều kiện tự nhiên, phát triển theo đúng định hướng của ngành, địa phương, mô hình kinh tế của gia đình anh Hùng được nhiều bà con, chính quyền địa phương đánh giá cao.
Ông Trần Đăng Ninh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Ích cho biết: Dù mới đưa vào sản xuất, song, mô hình nuôi ốc nhồi kết hợp trồng cây trái của gia đình anh Hùng đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người nông dân, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp và kỳ vọng đạt hiệu quả kinh tế cao.
Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất giá trị hàng hóa lớn, thời gian tới, xã Đồng Ích tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tạo điều kiện cho các hội viên nông dân tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, diện tích mặt ao nuôi lớn, năm 2023, anh Lưu Trường Giang, thôn Quế Trạo A, xã Đồng Quế (Sông Lô) nuôi 5kg ốc giống trị giá 5 triệu đồng về thả nuôi trên diện tích 1.000m2 mặt nước.
Với đặc tính dễ nuôi, ít dịch bệnh, nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên như rau, cỏ, củ, quả và không tốn nhiều công chăm sóc, chỉ sau từ 3 - 4 tháng nuôi thả, gia đình anh Giang thu về từ 1,5 - 2 tạ ốc thương phẩm, với giá bán 100 nghìn đồng/kg, đem lại doanh thu hàng chục triệu đồng/vụ.
Anh Giang chia sẻ: Ốc nhồi là loại thực phẩm đang được thị trường ưa chuộng và là một hướng phát triển kinh tế mới, đã và đang được nhiều hộ nông dân tại các tỉnh, thành phố đầu tư, phát triển góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình.
Từng bước chuyển đổi cơ cấu giống, vật nuôi và đa dạng hóa sản phẩm thế mạnh của địa phương, tôi tiếp tục nhân rộng diện tích nuôi ốc thương phẩm và phát triển thêm ao nuôi ốc bố, mẹ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.
Cùng với 2 mô hình trên, trên địa bàn tỉnh còn nhiều mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như mô hình của anh Trần Duy Hưng, xã Trung Kiên (Yên Lạc)...
Để tiếp tục nhân rộng, phát triển thêm những mô hình kinh tế đặc trưng, dần thay thể những cánh đồng chiêm trũng, kém hiệu quả, cần sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa của chính quyền địa phương, các cấp, ngành chức năng để các hộ dân có thêm nguồn vốn, quỹ đất đầu tư, mở rộng mô hình. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tận dụng được phế phẩm nông nghiệp, bảo vệ môi trường nông thôn.
Bài, ảnh: Hồng Tính