Phát huy kết quả đạt được của Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam”, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tiếp tục triển khai thực hiện mô hình “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch”. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả, tạo sức lan tỏa và được nhân rộng trong các cấp hội.
Các hoạt động triển khai mô hình giúp chị em thêm gắn kết.
Mô hình “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch” được triển khai thực hiện nhằm góp phần xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, tiêu chí “5 có” của mô hình gồm: Có ngôi nhà an toàn, có sinh kế bền vững, có sức khỏe, có kiến thức, có nếp sống văn hóa; “3 sạch” gồm: Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ. Triển khai mô hình từ năm 2021, với 135 thành viên, Chi hội Phụ nữ thôn Vĩnh Thành (xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang) thực hiện hoạt động quét rác, phát dọn cây cối, tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm được các thành viên thực hiện 1 lần/tháng và vào các ngày lễ, kỷ niệm, góp phần giữ gìn thôn xóm luôn sạch đẹp. Chi hội còn vận động từng gia đình chăm lo nhà cửa, bếp núc luôn sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh. Để thực hiện các tiêu chí, chi hội vận động chị em học tập nâng cao kiến thức; tham gia sinh hoạt văn hóa văn nghệ, câu lạc bộ dân vũ; tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe... Bà Trần Thị Thanh Nga (thôn Vĩnh Thành, xã Vĩnh Phương) chia sẻ: “Nhờ triển khai mô hình mà tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết; đường làng ngõ xóm sạch sẽ, môi trường quang đãng, thoáng mát”.
Ngoài ra, từ 30 triệu đồng đóng góp của các thành viên, mỗi năm, chi hội cho 3 hội viên vay không lấy lãi với mức 10 triệu đồng/hộ để phát triển kinh tế gia đình. Chi hội còn hỗ trợ phương tiện sinh kế cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, trong đó có gia đình bà Trịnh Thị Hường (thôn Vĩnh Thành). Vợ chồng bà Hường đều là người khuyết tật. Bà Hường làm nghề may nhưng mỗi khi cần vắt sổ phải đem đến chợ, vừa tốn thời gian vừa phải đi lại nhiều. Biết được hoàn cảnh của bà, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Phương và Chi hội Phụ nữ thôn Vĩnh Thành đã tặng 1 máy vắt sổ để bà làm nghề được thuận lợi hơn. Vừa may quần áo, bà vừa buôn bán kiếm thêm thu nhập nuôi con ăn học và vươn lên thoát nghèo.
Chi hội Phụ nữ thôn Phước Tuy 1 (xã Diên Phước, huyện Diên Khánh) ra mắt mô hình vào tháng 4-2023 với 20 thành viên. Thực hiện mô hình, các thành viên thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn và giúp đỡ nhau trong việc chăm lo cho con cái; hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, thực hiện tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, Luật Căn cước, Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027”; phòng, chống bạo lực gia đình; chăm sóc và giáo dục trẻ em; vệ sinh an toàn thực phẩm; thông tin về việc mất cân bằng giới tính. Các chị em cũng tham gia nhiều lớp học khuyến nông, trồng trọt; xây dựng đề án sản xuất, kinh doanh của tổ liên kết. Các hoạt động dọn vệ sinh, trồng hoa trên những tuyến đường được chị em tham gia nhiệt tình, tạo môi trường xanh - sạch - đẹp. Chi hội cũng đã giới thiệu việc làm ổn định cho 4 lao động nữ.
Bà Trịnh Thị Hường được hỗ trợ máy vắt sổ để làm nghề may được thuận lợi hơn.
Tại xã Diên Phú (Diên Khánh), mô hình được thành lập năm 2023 với 30 thành viên. Bên cạnh sinh hoạt mô hình định kỳ hàng quý, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã còn tuyên truyền các hoạt động, phân công hỗ trợ nhau giữ vững và thực hiện tốt các tiêu chí “5 có, 3 sạch”. Hội vận động hội viên trồng hoa trên các tuyến đường, trước nhà; không xả thải nước sinh hoạt ra đường, phân loại rác thải tại nguồn, bỏ rác đúng nơi quy định. Đồng thời, thực hiện các phần việc xây dựng nông thôn mới như: Thực hiện tuyến đường cờ, tuyến đường điện năng lượng mặt trời. Từ các nguồn vận động, hội hỗ trợ phương tiện sinh kế là tiền vốn, gà giống, máy may, phụ kiện làm tóc… giúp hội viên có sinh kế ổn định. Nhờ đó, mô hình được triển khai ngày càng hiệu quả.
Bà Nguyễn Hoàng Vân Hạ - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết, mô hình “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch” được triển khai thực hiện tại 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 33 mô hình với 1.398 thành viên tham gia. Việc thực hiện mô hình đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, hình thành nếp sống mới trong hội viên phụ nữ; tạo điều kiện cho chị em học tập, trao đổi kinh nghiệm, liên kết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; chăm sóc, giáo dục con cái; phòng, chống bạo lực gia đình; bảo vệ môi trường... Mô hình ngày càng được nhân rộng đã góp phần phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.