Nhan sắc khuynh thành của nữ điệp viên bí ẩn bên cạnh Phạm Xuân Ẩn

Nhan sắc khuynh thành của nữ điệp viên bí ẩn bên cạnh Phạm Xuân Ẩn
2 giờ trướcBài gốc
Nữ tình báo Tám Thảo tên thật là Nguyễn Thị Mỹ Nhung sinh năm 1932, nguyên cán bộ Cụm tình báo H63, Đoàn J22, Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng Tham mưu (nay là Tổng cục II, Bộ Quốc phòng).
Bà xuất thân trong gia đình thương nhân bán tơ lụa nổi tiếng ở Sài Gòn. Sinh ra trong gia đình giàu có, nhưng Mỹ Nhung chọn đi theo con đường cách mạng từ sớm.
Mới 16 tuổi, Mỹ Nhung “trốn nhà” ra chiến khu, trở thành người lái đò đưa đón cán bộ qua sông. Người khách đặc biệt mà cô thường xuyên đưa đón chính là nhà tình báo nổi tiếng Phạm Ngọc Thảo. Sau thời gian được rèn luyện, bà được tổ chức đưa trở lại nội đô Sài Gòn, đảm nhận vai trò giao thông viên bí mật.
Năm 18 tuổi - khi nhan sắc và khí chất của bà đang ở độ rực rỡ nhất - Mỹ Nhung được giao một nhiệm vụ đặc biệt: Trở thành giao liên cho tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn. Trong vai một tiểu thư bán vải nổi danh ở chợ Bến Thành, bà sử dụng tên giả Nguyễn Thị Yên Thảo, thường được gọi là Tám Thảo.Để tạo dựng vỏ bọc hoàn hảo giữa lòng địch, bà học nhảy đầm, học tiếng Anh từ chính Phạm Xuân Ẩn để có thể hòa nhập với tầng lớp thượng lưu và người nước ngoài. Bà luôn xem Phạm Xuân Ẩn là người anh đáng quý của mình.
Chính Tám Thảo là người bí mật đưa Phạm Xuân Ẩn ra chiến khu Củ Chi để ông gặp gỡ lãnh đạo và nhận nhiệm vụ quan trọng. Những tài liệu tuyệt mật mà Phạm Xuân Ẩn thu thập được trong lòng địch, Tám Thảo là người trực tiếp mang ra chiến khu, bằng bản lĩnh thép và khả năng ứng biến phi thường, bà luôn hoàn thành nhiệm vụ một cách an toàn và trót lọt.
Năm 1966, bà thôi làm giao liên cho tướng Phạm Xuân Ẩn để bước vào nhiệm vụ mới: Tìm cách lọt vào cơ quan đầu não của địch và làm việc ngay trong lòng địch. Với vốn tiếng Anh và tiếng Pháp thông thạo, bà nhanh chóng lọt vào hàng ngũ bên trong bộ máy quân sự của chính quyền Sài Gòn.
Với vỏ bọc "hoàn hảo này", Tám Thảo thu thập được nhiều tin tức, tài liệu quan trọng, đặc biệt là sơ đồ, bố trí lực lượng của tổng bộ hải quân ngụy; Tài liệu đánh giá của Mỹ ngụy về Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, góp phần giúp lãnh đạo Đảng, Quân ủy Trung ương có những nhận định và xử trí thích hợp để giành chiến thắng trên chiến trường miền Nam.
Sau Tổng tiến công Mậu Thân, nhiều cơ sở của ta phải rút ra vùng chiến khu do bị lộ, riêng Tám Thảo vẫn giữ được vỏ bọc tuyệt đối an toàn. Không chỉ vượt qua những ánh mắt nghi ngờ, bà còn từng thành công đánh lừa cả máy kiểm tra nói dối tối tân của Mỹ – điều khiến nhiều sĩ quan tình báo địch phải kinh ngạc.
Sau đó ít lâu, Tám Thảo lấy được tư liệu về trận tấn công vào Sài Gòn - Gia Định, góp phần quan trọng vào việc hoạch định chiến lược cho cuộc chiến đi đến thắng lợi cuối cùng.
Sau năm 1975, nữ tình báo xinh đẹp chuyển ngành về công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM. Năm 2002 bà về hưu và sống cuộc sống thầm lặng tại Quận Phú Nhuận, TP.HCM
Lê Chi
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/nhan-sac-khuynh-thanh-cua-nu-diep-vien-bi-an-ben-canh-pham-xuan-an-ar943117.html