Nhận thấy rủi ro quá cao, Anh tính hủy kế hoạch gửi quân tới Ukraine?

Nhận thấy rủi ro quá cao, Anh tính hủy kế hoạch gửi quân tới Ukraine?
5 giờ trướcBài gốc
Vương quốc Anh có thể từ bỏ kế hoạch gửi hàng nghìn quân tới bảo vệ Ukraine vì một động thái như vậy được coi là quá mạo hiểm, tờ The Times đưa tin hôm 24/4, trích dẫn các nguồn tin chính phủ.
Theo tờ báo Anh, các quan chức của nước này tin rằng rủi ro là "quá cao" và lực lượng London hiện có không đủ cho một nhiệm vụ như vậy.
Đề xuất ban đầu liên quan đến việc triển khai quân đội để bảo vệ các thành phố, cảng và cơ sở điện hạt nhân quan trọng của Ukraine trong trường hợp một thỏa thuận hòa bình có hiệu lực.
Nhưng giờ, theo The Times, thay vì triển khai một lượng lớn bộ binh, Vương quốc Anh và các đồng minh châu Âu đang tập trung vào việc tăng cường năng lực của quân đội Ukraine.
Cách tiếp cận mới bao gồm việc xây dựng lại và tái vũ trang cho các lực lượng của Kiev, với sự hỗ trợ an ninh từ trên không và trên biển. Các huấn luyện viên quân sự Anh và Pháp dự kiến sẽ được gửi đến miền Tây Ukraine.
Điều này nghĩa là cam kết đưa lực lượng vào bên trong đất nước được thực hiện, nhưng họ sẽ ở xa tiền tuyến và không chịu trách nhiệm bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc bảo vệ quân đội trong các khu vực chiến đấu.
Binh sĩ thuộc các lực lượng vũ trang Anh. Ảnh: Militarnyi
Theo kế hoạch đã sửa đổi, máy bay sẽ giúp bảo vệ không phận Ukraine và bảo vệ cho lực lượng phương Tây. Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ đóng vai trò chủ chốt trong an ninh hàng hải, The Times cho biết.
Trong khi đó, vũ khí và thiết bị từ Anh và châu Âu sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong trường hợp giao tranh tái diễn.
Một nguồn tin tham gia thảo luận về "liên minh tự nguyện" tiềm năng cho biết ý tưởng triển khai hàng chục nghìn quân bộ binh luôn được coi là rủi ro.
"Rủi ro quá cao và lực lượng không đủ cho nhiệm vụ như vậy", nguồn tin cho biết. "Đây luôn là suy nghĩ của Anh. Pháp muốn có cách tiếp cận mạnh mẽ hơn".
Mặc dù việc triển khai toàn bộ quân trên bộ có vẻ không khả thi, Bộ Quốc phòng Anh vẫn không loại trừ khả năng gửi quân ở một số khả năng.
Kế hoạch đã thảo luận trước đó, do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Keir Starmer đề xuất, đã vạch ra lệnh ngừng bắn trong 30 ngày trên không và trên biển, cùng với việc ngừng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng.
Một lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ được triển khai trong giai đoạn thứ hai. Các quốc gia châu Âu có thể gửi tới 30.000 quân tới Ukraine, Bloomberg cho biết.
Tuy nhiên, các nguồn tin quân sự cấp cao trong quân đội Anh được cho là đã bác bỏ đề xuất của ông Starmer về việc gửi một lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine như một phần của "liên minh tự nguyện".
Một lực lượng nhỏ khoảng 10.000 quân, được bố trí xa tiền tuyến ở phía Tây, sẽ không thể tự vệ trước 700.000 quân Nga ở Ukraine, một nguồn tin quân sự cấp cao lưu ý khi nói với tờ The Telegraph hồi cuối tháng 3.
Cũng có lo ngại rằng nhu cầu triển khai một lực lượng lớn trên khắp Ukraine có thể ảnh hưởng đến cam kết của Anh và châu Âu đối với sườn phía Đông của NATO, The Times cho biết.
Cũng có sự hoài nghi ở Kiev và trong số các đồng minh của Ukraine về việc liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có chấp nhận một lực lượng do phương Tây lãnh đạo trên đất Ukraine hay không, vì Moscow đã nhiều lần phản đối sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình NATO hoặc EU tại Ukraine.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov gọi việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu là "không thể chấp nhận được" đối với Moscow, trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo rằng động thái như vậy có thể dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga.
Trên tất cả, vẫn chưa có một lệnh ngừng bắn nào đạt được trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, hiện đang ở năm thứ 4.
Các nỗ lực ngoại giao đang được tiến hành để khiến tất cả các bên đồng ý với một thỏa thuận ngừng bắn, trong khi Mỹ cảnh báo rằng họ có thể từ bỏ nỗ lực trung gian nếu không nhìn thấy tiến triển.
Các quan chức Anh và Pháp được cho là đang cố gắng thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào ngày 26/4, sau khi hai nhà lãnh đạo cùng dự lễ tang của Giáo hoàng Francis ở Vatican, nhằm xoa dịu căng thẳng và đạt được một số tiến triển trong thỏa thuận.
Minh Đức (Theo Kyiv Post, The Times)
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/nhan-thay-rui-ro-qua-cao-anh-tinh-huy-ke-hoach-gui-quan-toi-ukraine-204250425145603509.htm