Nhân viên văn phòng uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày nhưng vẫn bị sỏi thận

Nhân viên văn phòng uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày nhưng vẫn bị sỏi thận
9 giờ trướcBài gốc
Mới đây, bác sĩ tiết niệu Qu Yuanzheng (Đài Loan) chia sẻ trên trang Facebook của mình rằng, một nhân viên văn phòng 35 tuổi đột nhiên bị đau dữ dội ở thắt lưng, đau đến mức toát mồ hôi lạnh và không thể đứng dậy, phải đi cấp cứu. Bác sĩ phát hiện bệnh nhân mắc sỏi thận, kích thước khoảng 5mm.
Bệnh nhân chia sẻ, mỗi ngày anh đều uống ít nhất 2 lít nước, làm sao có thể bị sỏi thận.
Liên quan tới vấn đề này, bác sĩ Qu nhấn mạnh rằng, uống nhiều nước không có nghĩa là bạn sẽ không bị sỏi thận. Theo nghiên cứu lâm sàng, hơn 70% bệnh nhân sỏi thận uống rất nhiều nước mỗi ngày nhưng vẫn không thể ngăn ngừa hiệu quả sự hình thành sỏi.
Ảnh minh họa.
Chức năng chính của thận là bài tiết canxi, axit oxalic, axit uric và các chất dư thừa khác có thể hình thành sỏi trong cơ thể qua nước tiểu. Nếu lượng nước đưa vào cơ thể không đủ, nồng độ nước tiểu sẽ tăng lên, khiến các khoáng chất dễ kết tinh trong thận và dần hình thành sỏi thận.
Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều nước cùng một lúc, thận sẽ nhanh chóng đào thải lượng nước dư thừa, khiến nước tiểu tạm thời bị loãng rồi lại trở về trạng thái cô đặc, không thể ngăn ngừa sỏi thận hiệu quả. Do đó, “chìa khóa” nằm ở tần suất và sự cân bằng của lượng nước uống vào, chứ không phải tổng lượng nước uống.
Dưới đây là những điều cần chú ý khi uống nước:
- Uống nước mỗi lần một ít, chia đều cả ngày
Lượng nước cần thiết cho cơ thể mỗi ngày có thể được tính bằng cách nhân trọng lượng cơ thể với 30ml. Cụ thể, một người nặng 50kg nên uống ít nhất 1,5 lít nước mỗi ngày. Đối với những người thường xuyên tập thể dục, dễ đổ mồ hôi hoặc sử dụng điều hòa trong thời gian dài, lượng nước cần bổ sung nên tăng lên 40ml cho mỗi kg trọng lượng cơ thể.
Để đảm bảo cơ thể luôn được cung cấp đủ nước, lượng nước bổ sung nên được chia đều trong suốt cả ngày. Các chuyên gia khuyến nghị nên uống từ 200 đến 300ml nước sau mỗi 30 đến 60 phút. Điều này giúp thận duy trì quá trình trao đổi chất hiệu quả và ngăn ngừa tình trạng nước tiểu bị cô đặc quá mức.
- Đừng đợi khát mới uống nước và đừng uống quá nhiều nước cùng một lúc
Khi cảm thấy khát, thực chất cơ thể bạn đã bị mất nước trong vòng 2 đến 3 giờ. Nước tiểu trở nên cô đặc và gánh nặng lên thận tăng lên. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cơ thể con người chỉ có thể hấp thụ khoảng 200ml nước trong 20 phút.
Nếu uống từ 500ml đến 1 lít nước cùng một lúc, thận sẽ không thể xử lý hiệu quả. Lượng nước dư thừa sẽ nhanh chóng được chuyển hóa và không thể đi vào tế bào để hoạt động. Đồng thời, nước tiểu không thể được pha loãng thực sự.
Khi bổ sung nước, bạn nên uống từ từ thành từng ngụm nhỏ để cơ thể có thể hấp thụ dần dần. Đừng đợi đến khi khát mới uống nước. Nếu bạn ở ngoài trời cả ngày, bạn nên mang theo một chai nước 350ml để nhắc nhở bản thân bổ sung nước thường xuyên.
- Quan sát tần suất đi tiểu
Tần suất đi tiểu là chỉ số quan trọng để xác định lượng nước uống vào có đủ hay không. Bình thường, người lớn đi tiểu 4 đến 7 lần một ngày, trung bình cứ 2 đến 3 giờ đi vệ sinh một lần, điều này chứng tỏ chức năng lọc của thận bình thường, lượng nước đưa vào cơ thể phù hợp.
Nếu bạn đi tiểu ít hơn 4 lần một ngày, điều đó có nghĩa là lượng nước đưa vào không đủ, nước tiểu quá cô đặc và nguy cơ sỏi thận tăng cao.
- Trà, cà phê và nước ngọt không tương đương với nước
Các loại đồ uống như nước ngọt, cà phê và trà không được tính là nước bổ sung. Caffeine và đường trong những đồ uống này sẽ ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ canxi, làm tăng nồng độ canxi trong nước tiểu và gián tiếp làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
Mỗi cốc đồ uống chứa caffein hoặc nhiều đường, bạn có thể uống thêm 300ml nước để cân bằng lượng nước mất đi và hỗ trợ quá trình trao đổi chất của thận.
Phan Hằng (Theo HK01)
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/nhan-vien-van-phong-uong-it-nhat-2-lit-nuoc-moi-ngay-nhung-van-bi-soi-than-204250407110502294.htm