Sau 2 vụ hành hung cán bộ y tế xảy ra gần đây tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba (Phú Thọ) và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TP.HCM – nhận định tình trạng bạo lực nhân viên y tế hiện nay không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà đã trở thành vấn đề phức tạp của ngành y tế toàn cầu.
Hình ảnh nhân viên y tế bị người đàn ông áo đen đấm liên tục vào vùng mặt và đầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định sáng 4-5. Ảnh cắt từ clip.
Hành hung nhân viên y tế là vi phạm pháp luật
"Đây không còn là hiện tượng cá biệt, mà là hồi chuông cảnh báo về môi trường làm việc đầy rủi ro của những người đang gắng gìn giữ sự sống cho người khác. Những hành vi bạo lực, từ lời nói xâm phạm đến các tấn công về thể chất, đều có xu hướng gia tăng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của nhân viên y tế mà còn đe dọa đến sự an toàn và chất lượng dịch vụ y tế” - bác sĩ Dũng nhận định.
PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TP.HCM. Ảnh: DI LINH
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ 8% đến 38% nhân viên y tế trên toàn thế giới đã từng bị tấn công về thể chất. Tại Việt Nam, một khảo sát tại một bệnh viện ở Hà Nội cho thấy, khoảng 3,5% nhân viên y tế đã từng bị tấn công thể chất, trong khi 53% còn lại bị bạo hành tinh thần như bị chửi mắng, la lối.
Theo bác sĩ Dũng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bạo lực tại các cơ sở y tế thường xuất phát từ thái độ và hành vi của người nhà bệnh nhân hoặc chính bệnh nhân. Trong nhiều trường hợp, họ đang trong trạng thái căng thẳng tột độ với kỳ vọng quá cao về chất lượng dịch vụ, trang thiết bị và khả năng y học của bệnh viện.
Khi đó, họ có thể đặt câu hỏi tại sao một người gặp tai nạn nghiêm trọng lại được cứu sống, nhưng người thân của họ lại không qua khỏi?
Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng yếu tố môi trường và hệ thống y tế đóng vai trò quan trọng không kém.
“Thời gian chờ đợi kéo dài, quá tải bệnh nhân, thông tin không được cập nhật kịp thời, thiếu hụt nhân lực y tế... là những yếu tố tạo thêm căng thẳng cho người bệnh và người nhà của họ. Thêm vào đó, khi nhân viên y tế thiếu kinh nghiệm hoặc không được đào tạo bài bản, nguy cơ xảy ra các tình huống bạo lực sẽ càng gia tăng” - bác sĩ Dũng nói.
Nhưng cho dù là nguyên nhân gì, khách quan hay chủ quan, theo bác sĩ Dũng thì việc hành hung nhân viên y tế khi họ đang làm nhiệm vụ cứu người là hành vi không thể chấp nhận được. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, cần bị xã hội lên án và pháp luật xử lý nghiêm minh.
Bắt đầu từ môi trường làm việc an toàn
Bác sĩ Dũng cho rằng bạo lực tại cơ sở y tế là vấn đề mang tính hệ thống, không một giải pháp đơn lẻ nào có thể xử lý triệt để.
Để giải quyết vấn đề hiệu quả và bền vững, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp quản lý, cơ sở y tế, cơ quan truyền thông, cộng đồng và chính đội ngũ nhân viên y tế. Các giải pháp này không chỉ dừng ở việc tăng cường an ninh, mà phải hướng tới cải thiện môi trường làm việc, nâng cao nhận thức xã hội và hoàn thiện khung pháp lý nhằm bảo vệ người thầy thuốc ngay tại nơi họ đang thực hiện thiên chức cứu người.
Đối với cấp đào tạo, các trường y và hiệp hội chuyên môn, cần tăng cường giảng dạy kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong tình huống căng thẳng cũng như nhận diện và ứng phó với người bệnh hoặc thân nhân có hành vi hung hăng. Đồng thời, nhân viên y tế cũng cần được hỗ trợ tâm lý nếu trở thành nạn nhân của bạo lực.
Về mặt tổ chức, theo bác sĩ Dũng, các cơ sở y tế cần chủ động cải tạo môi trường làm việc để tăng tính an toàn như lắp đặt rào chắn, máy dò kim loại, hệ thống báo động và có lối thoát khẩn cấp cho nhân viên khi không may xảy ra sự cố.
Ngoài ra, xây dựng quy trình phản ứng nhanh khi có bạo lực xảy ra và huấn luyện nhân viên cách tự bảo vệ mình và hỗ trợ đồng nghiệp (không nhất thiết sử dụng bạo lực) cũng là điều cấp thiết.
“Quan trọng hơn cả là cần có chính sách không khoan nhượng với hành vi bạo lực nhân viên y tế, trong bất cứ tình huống nào” - bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
Các giải pháp không chỉ dừng ở việc tăng cường an ninh, mà phải hướng tới cải thiện môi trường làm việc, nâng cao nhận thức xã hội và hoàn thiện khung pháp lý nhằm bảo vệ người thầy thuốc ngay tại nơi họ đang thực hiện thiên chức cứu người.
Cần sự thấu hiểu từ 2 phía
Để phòng ngừa bạo lực, theo BS Dũng, cần bắt đầu từ việc xây dựng một môi trường y tế đủ nhân lực, chuyên môn vững vàng, thái độ phục vụ tận tâm và điều kiện vật chất phù hợp. Khi người bệnh và thân nhân cảm thấy được quan tâm, thấu hiểu và điều trị đúng mực, sự hài lòng sẽ tăng, nguy cơ xung đột với nhân viên y tế cũng giảm.
Ngay cả trong hoàn cảnh hệ thống chưa đạt được mức lý tưởng, sự tận tụy và phản ứng kịp thời từ phía nhân viên y tế vẫn có thể duy trì và củng cố niềm tin nơi người bệnh.
Tuy nhiên, bác sĩ Dũng cũng nhấn mạnh, người dân cần hiểu rằng trong trạng thái lo lắng, không phải ai cũng có thể đánh giá chính xác các hành động chuyên môn. Những can thiệp y tế như theo dõi thay vì xử trí ngay hoặc ưu tiên bệnh nhân nặng hơn, đôi khi dễ bị hiểu lầm là sự thiếu quan tâm. Trong tình huống đó, việc truyền đạt rõ ràng và trấn an từ nhân viên y tế là rất cần thiết.
Về phía thân nhân người bệnh, nếu có thắc mắc, nên tìm đến lời giải thích bằng thái độ hợp tác, điều này không chỉ giúp làm dịu không khí mà còn là cách bảo vệ chính đội ngũ y tế khỏi những hành vi bạo lực không đáng có.
"Dựa trên các báo cáo khoa học, ở các nước phát triển do có đủ điều kiện về nguồn lực và đã có kinh nghiệm nên họ sử dụng hầu như các biện pháp để bảo vệ tốt nhất đội ngũ y tế. Bên cạnh đó, do điều kiện về nguồn lực ở các nước phát triển nên an ninh tại các cơ sở y tế cũng tốt hơn.
Họ có hệ thống giám sát bằng camera và máy dò kim loại hiện đại, lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp có kinh nghiệm, kiểm soát ra vào chặt chẽ và đặc biệt không gian an toàn tại nơi làm việc đã được xem xét ở giai đoạn thiết kế kiến trúc. Ngoài ra kĩ năng giao tiếp và truyền thông của nhân viên y tế cũng được xem trọng hơn trong giai đoạn huấn luyện.
Tại Việt Nam, khi chưa thể triển khai đồng bộ mọi biện pháp do hạn chế về nguồn lực, cần ưu tiên những giải pháp khả thi nhất. Trong đó, xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng toàn diện cho nhân viên y tế, kết hợp đầu tư vào hệ thống camera giám sát và nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ bảo vệ là những bước đi có thể thực hiện ngay, mang lại hiệu quả rõ rệt trong phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trong bệnh viện" - PGS.TS. BSĐỖ VĂN DŨNG.
Tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2024, Điều 16 về Nghĩa vụ tôn trọng người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở KCB nêu rõ: Tôn trọng người hành nghề; không được đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở KCB.
Điều 42 của Luật có quy định về Quyền được bảo vệ khi xảy ra sự cố y khoa của người hành nghề. Theo đó, người hành nghề KCB được pháp luật bảo vệ và không phải chịu trách nhiệm khi đã thực hiện đúng quy định mà vẫn xảy ra sự cố y khoa; Được đề nghị cơ quan, tổ chức, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về KCB bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi xảy ra sự cố y khoa.
Trong trường hợp người bệnh, thân nhân của người bệnh hoặc người khác có hành vi gây mất trật tự công cộng, xâm phạm tính mạng, sức khỏe an toàn của người bệnh, người hành nghề, người khác làm việc tại cơ sở KCB, người ra vào cơ sở KCB thì cơ sở được áp dụng biện pháp: Ngăn chặn theo quy định của pháp luật và thông báo cho cơ quan công an, trừ trường hợp người vi phạm là người bệnh đang trong tình trạng cấp cứu; Giới hạn việc ra vào khu vực bị mất an ninh, trật tự hoặc có nguy cơ bị mất an ninh, trật tự tại cơ sở.
Người có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở KCB thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
DI LINH