Chỉ thị 661 của TT CP ban hành từ 17/10/1995 yêu cầu tất cả các cơ sở y tế khi tiếp nhận người bệnh cấp cứu hoặc chấn thương ngoại phải tiến hành ngay việc khám, chữa bệnh. Sau khi người bệnh qua khỏi cơn nguy hiểm mới xem xét tới việc thu viện phí. Luật khám chữa bệnh có hiệu lực từ đầu năm 2024 cũng quy định, quyền của bệnh nhân là được cấp cứu và trách nhiệm của nhân viên y tế, bác sĩ là phải đảm bảo thực hiện quyền này.
Bệnh nhân chờ khám bệnh tại cơ sở y tế
Nhưng, trong bối cảnh bệnh viện đang thực hiện tự chủ tài chính ở các mức độ khác nhau và cán bộ y tế đang cùng một lúc đóng hai vai: vừa cấp cứu vừa lo thu được tiền của bệnh nhân thì họ cũng có những nỗi niềm riêng rất cần được cảm thông, chia sẻ.
“Bệnh viện công vẫn là nơi dành cho người nghèo và người yếu thế”
Trong một bài viết trên trang cá nhân của mình PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc BV ĐH Y Hà nội khẳng định: Bệnh viện công vẫn là nơi dành cho người nghèo và người yếu thế. Để dẫn chứng cho khẳng định này, ông đưa ra thống kê về số bệnh nhân nhập viện không có thân nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương trong 4 tháng đầu năm nay. Theo thông tin của ông, có tổng số 55 ca không có thân nhân, 11 ca trong số này đã được điều trị thành công, bệnh nhân khỏe mạnh xuất viện và tất nhiên bệnh viện không thu được một đồng viện phí nào. Ngoài ra còn nhiều bệnh nhân, mặc dù có người thân nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn cũng không thể đóng được viện phí.
Nói như vậy để khẳng định rằng, bệnh viện công không phải là cơ sở kinh doanh. Nhưng để vận hành bệnh viện với nhiều khoản thu - chi khác nhau, đối với nhiều cơ sở y tế bài toán kinh tế y tế luôn là vấn đề không đơn giản. Nhất là khi, dù không thường xuyên xảy ra, nhưng bệnh viện nào cũng có, đó là tình trạng bệnh nhân trốn hoặc không thể đóng được viện phí.
Vì sao bác sĩ phải băn khoăn khi người bệnh chưa đóng đủ viện phí?
Bác sĩ Trần Văn Phúc ở Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn khẳng định, nguyên tắc cơ bản của các bệnh viện là không từ chối điều trị, không chậm trễ trong cấp cứu, ưu tiên hàng đầu là tính mạng của người bệnh - bất kể đó là ai, có đủ giấy tờ, tiền bạc hay đó là bệnh nhân 3 không: không giấy tờ - không tiền bạc và không người thân. Quy trình cấp cứu được phân ra các mức độ cao thấp khác nhau, các thủ tục hành chính như tạm ứng viện phí được xếp sau.
Tuy nhiên, có không ít trường hợp bệnh nhân trốn đóng viện phí, gây khó cho chính kíp cấp cứu và bệnh viện. “Nếu bệnh nhân không thanh toán viện phí thì đây là bài toán cực kỳ khó khăn cho các bệnh viện. Những người quá nghèo không có khả năng chi trả thì không nói nhưng có những người không nghèo nhưng cũng không thanh toán. Khi vào cấp cứu thì người nhà họnói hãy điều trị bằng phương pháp tốt nhất, thuốc tốt nhất, chi phí bao nhiêu cũng chịu, nhưng sau khi điều trị xong gia đình lại lảng đi, có người nhất quyết không thanh toán” - bác sĩ Trần Văn Phúc chia sẻ chuyện từ thực tế.
Bệnh viện là nơi cấp cứu, điều trị cho người bệnh, nhưng bệnh viện cũng phải có nguồn thu để đảm bảo duy trì, vận hành hệ thống khám chữa bệnh. Nguồn thu đó đến từ ngân sách nhà nước, từ viện phí, bảo hiểm y tế, nguồn viện trợ và các nguồn thu khác. Cùng với thu là các khoản chi bao gồm: chi cho con người, chi quản lý hành chính, chi nghiệp vụ chuyên môn, chi mua sắm sửa chữa tài sản cố định trong bệnh viện.
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn- Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, nếu người bệnh có thẻ BHYT thì các khoản chi cho thuốc, dịch vụ kỹ thuật.v.v..sẽ được quỹ BHYT chi trả, nhưng khi người bệnh không BHYT và không có tiền chi trả thì ai sẽ trả: “chúng ta không có nguồn quỹ, bệnh viện cũng không thể lấy tiền từ bệnh nhân khác sang được, cuối cùng, nhiều bác sĩ phảnánh rằng khi kết thúc tháng thì trừ lại phần viện phí mà bệnh nhân không trả chia đều ra, các bác sĩđều phải chịu trách nhiệm. Nếu 1-2 lần thì có thể chấp nhận được, nhưng nếu tình trạng này phổ biến thì seã̉nh hưởng rất lớn đến tâm lý của các y bác sĩ”.
Nhìn nhận về vấn đề này, bác sĩ Quan Thế Dân - GĐ chuyên môn BV Đa khoa Trí Đức Thành cũng cho rằng: “Hiện tượng trốn viện phí khiến nhân viên y tế phải tự vệ bằng cách yêu cầu bệnh nhân đóng tạm ứng vì khi bệnh nhân trốn đóng thì không có ngân sách nào chi trả rủi ro này”.
Dù không phải là quy định chính thức, nhưng theo các bác sĩ, một số bệnh viện ngầm định, khi xảy ra tình huống này nhân viên y tế và bệnh viện cùng chia sẻ rủi ro tài chính theo nguyên tắc mỗi bên chịu một phần. Chính điều này đã dẫn đến tâm lý băn khoăn khi người bệnh chưa đóng đủ viện phí và tâm lý “phải làm theo nguyên tắc hành chính” để hạn chế rủi ro của nhân viên y tế.
Bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên đang khám bệnh cho bệnh nhân
Đừng để bác sĩ vừa cứu người vừa thu tiền
Đây là quan điểm của bác sĩ Quan Thế Dân - GĐ chuyên môn BV Đa khoa Trí Đức Thành. Ông cho rằng, nếu còn để tình trạng này chắc chắn sẽ còn gây ra cái nhìn sai lệch của người dân đối với các y bác sĩ.
“Cần có cơ chế tài chính trung gian tạm gọi là quỹ hỗ trợ cấp cứu, khi đó bệnh nhân vào chúng tôi cứ việc cứu chữa, sau đó khi bệnh nhân hết cấp cứu rồi chúng tôi kết thúc bệnh án, gửi bộ hồ sơ đó sang cho bên quỹ, bên đó thấy hợp lệ thì thanh toán tiền trả cho bệnh viện… Nếu bệnh nhân không có tiền có thể chia nhỏ làm nhiều đợt để trả, trường hợp nào quá khó khăn có thể giảm…” - bác sĩ Quan Thế Dân đề xuất.
Đồng quan điểm, bác sĩ Trần Văn Phúc ở Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng cho rằng, cần có cơ chế để bác sĩ, điều dưỡng chỉ nên tập trung cứu người, không nên kiêm vai trò kiểm soát viện phí và càng không phải lo bỏ tiền túi để bù vào khoản viện phí không thu được.
“Thu tiền là vấn đề nhạy cảm, y bác sĩ là những người đang cứu chữa người bệnh, nên tách họ khỏi vấn đề tiền nong. Nếu cứ để họ phải cùng với bệnh viện để thu viện phí thì sẽ dễ tạo nên sự mâu thuẫn về mặt xã hội, dẫn tới người dân dễ hiểu lầm” – theo bác sĩ Trần Văn Phúc.
Để chia sẻ rủi ro tài chính với các cơ sở y tế, thực hiện mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm - Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Hữu Nghị, cũng đưa ra những quan điểm để có thể giải quyết tình trạng này, đó là cơ quan bảo hiểm nên nghiên cứu lập mã thanh toán cho nhóm bệnh nhân không đủ điều kiện tài chính để chi trả viện phí trên hệ thống thanh toán của bệnh viện và cơ quan bảo hiểm.
“Ví dụ là mã “khám không đồng” áp dụng cho những trường hợp vào cấp cứu mà chưa có thông tin về nhân thân, chưa đủ điều kiện tài chính. Hoặc kể cả có thân nhân đi cùng nhưng không đủ khả năng tài chính. Nếu được như thế các bác sĩ sẽ chỉ tập trung làm chuyên môn, không phải lo nhắc người nhà đi tạm ứng. Lúc đó tâm lý cũng thoải mái và đương nhiên khi tâm lý thoải mái thì việc giao tiếp với bệnh nhân và người nhà cũng sẽ giảm thiểu được những bức xúc không đáng có”- theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm.
Rộng hơn nữa, bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm mong muốn, mỗi người dân là công dân VN khi sinh ra đều được cấp mã thẻ BHYT, "như vậy nếu không may phải vào bệnh viện cấp cứu cũng giảm thủ tục hành chính nhiều, bệnh nhân và người nhà cũng không phải lo về chi phí nữa vì cơ quan bảo hiểm sẽ là người chi trả, bản thân nhân viên y tế cũng không phải lo bù lại chi phí nếu bệnh nhân không thanh toán".
PV/VOV2