“Học sinh sinh năm 2007 mới đi thi về, cảnh báo các bạn sinh năm 2008, 2009 nhé. Có điều kiện phải học IELTS, SAT ngay, thật sự tăng rất nhiều cơ hội. Lỡ đề thi tốt nghiệp có khó thì vẫn có cơ hội quy đổi điểm từ chứng chỉ nhé”.
Đó là lời khuyên của một học sinh lớp 12 sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Bên dưới bài đăng, không ít học sinh lớp 10, 11 để lại bình luận, nháo nhào tìm chỗ học các loại chứng chỉ quốc tế SAT, IELTS để tăng thêm cơ hội vào đại học.
SAT là kỳ thi chuẩn hóa nhằm kiểm tra kiến thức, khả năng tư duy logic, khả năng đọc - hiểu và sử dụng tiếng Anh học thuật. Còn IELTS là bài thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh.
Cả hai chứng chỉ này được nhiều nước trên thế giới công nhận và sử dụng. Ở Việt Nam, những năm gần đây, ngày càng nhiều trường đại học trong nước xét hai chứng chỉ này để tuyển sinh đầu vào.
Gấp rút tìm nơi học SAT, IELTS
Nguyễn Hương (học sinh lớp 11 tại Hưng Yên) thuộc nhóm học sinh đang tìm chỗ học SAT sau khi xem đề thi tốt nghiệp THPT Toán và Tiếng Anh. Trước đó, nữ sinh này đã có IELTS 7.0, nhưng làm thử đề thi tốt nghiệp năm nay, Hương thừa nhận dài và khó “bất ngờ”, không dễ lấy điểm cao.
“Trong 50 phút, em làm được khoảng 8,25 điểm, trong khi mục tiêu phải được trên 9. Nếu năm sau, đề Tiếng Anh cũng khó như vậy, em lo mình bất lợi trong cuộc đua vào đại học, sử dụng chứng chỉ quốc tế có lẽ sẽ lợi thế hơn”, Hương chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Bùi Việt, học sinh vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT ở Hà Nội, đồng tình với Hương. Sau môn thi Tiếng Anh, nam sinh cảm thấy tiếc nuối khi không học IELTS sớm hơn.
Trước đó, chị gái Việt đã từng khuyên nên học chứng chỉ này để quy đổi điểm, song em cảm thấy thi tốt nghiệp sẽ “dễ thở” hơn. Nhưng với đề thi Tiếng Anh năm nay, Việt dự tính chỉ được khoảng 6 điểm, không đạt được mục tiêu trên 8.
“Nếu học sớm, chăm chỉ, em có thể đạt 5.5 IELTS. Khi xét vào Đại học Giao thông Vận tải, em sẽ được quy đổi sang 8,5 điểm môn Tiếng Anh, như vậy cơ hội đỗ sẽ cao hơn”, Việt tiếc nuối.
Chính từ những nhận định trên, mấy ngày nay, đọc được chia sẻ của anh chị khóa trước, Hương tức tốc tìm chỗ luyện thi SAT. Thừa nhận bắt đầu muộn hơn các bạn khác, chỉ có 6 tháng để học, vì vậy, nữ sinh đặt mục tiêu đạt tầm 1.350-1.400/1.600 để xét tuyển vào các trường kinh tế, ngôn ngữ.
“Em đã tìm được trung tâm, học phí cả khóa và phí thi tầm 15 triệu đồng, mỗi tuần sẽ học 2-3 buổi, bắt đầu ngay từ tháng 7 này”, Hương nói.
Tương tự, Gia Như (học sinh lớp 11 tại Thanh Hóa) cũng đang gấp rút tìm trung tâm để học SAT. Trước đó, Như không nghĩ mình sẽ học chứng chỉ này để xét tuyển vào đại học, em luôn cho rằng với sức học của mình, thi tốt nghiệp sẽ là phương án an toàn, 'dễ thở'.
“Nhưng đề thi tốt nghiệp vừa qua khiến em bất an kinh khủng, không nghĩ khó vậy. Nếu chỉ xét bằng điểm thi tốt nghiệp thì quá rủi ro, vậy nên em muốn tìm thêm phương án dự phòng cho yên tâm”, Như cho biết đã tham gia rất nhiều hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm học SAT.
Dù lực học Tiếng Anh không tệ, nữ sinh thừa nhận việc học SAT không hề dễ dàng. Cùng với đó là áp lực khi cũng ngày càng nhiều bạn học SAT, cơ hội theo phương án này cũng sẽ bị thu hẹp.
Giống như Hương, bắt đầu học SAT khi đã học lớp 12, Như cũng cho rằng mình bắt đầu muộn, sợ không đạt mục tiêu.
Thời gian gấp gáp, cả hai lo ngại sẽ xôi hỏng bỏng không, vừa tốn tiền, tốn công sức, cộng thêm việc có thể chểnh mảng học trên trường và ôn thi tốt nghiệp THPT hay các kỳ thi khác.
Ngày càng nhiều trường đại học trong nước xét chứng chỉ IELTS, SAT trong tuyển sinh đầu vào. Ảnh minh họa: Việt Hà.
Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có IELTS từ 4.0 sẽ được miễn thi môn Ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp THPT.
Trong khi đó, với xét tuyển đại học, năm 2025, theo khảo sát của Tri Thức - Znews, không ít trường đại học sử dụng IELTS, SAT trong xét đầu vào.
Với IELTS, hầu hết trường yêu cầu từ 5.0 IELTS trở lên, mức quy đổi sang điểm môn Tiếng Anh dao động từ 7-10 điểm. Ngoài ra, các trường có thể cộng điểm thưởng hoặc xét kết hợp với các điểm thi khác (như điểm tốt nghiệp THPT, học bạ, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…).
Tương tự, với SAT, các trường đại học có thể xét độc lập chứng chỉ, cộng điểm hoặc xét kết hợp với điểm thi tốt nghiệp, học bạ… Hiện tại, một số trường đã công bố ngưỡng đầu vào của chứng chỉ này, dao động từ 800-1.400 điểm.
SAT, IELTS không dễ đề thi hơn thi tốt nghiệp THPT
Trao đổi với Tri Thức - Znews, anh Phan Minh Đức, Giám đốc Học thuật tại một trung tâm ôn luyện SAT, IELTS, nhận định sau kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, việc học sinh khóa dưới có xu hướng tìm các lớp học SAT, IELTS để xét tuyển đại học xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Có thể, các em muốn giành lợi thế hơn khi xét tuyển vào các trường top đầu, đi du học hoặc xét học bổng…
Cũng có thể, các em muốn rèn kỹ năng tư duy, sử dụng ngôn ngữ để áp dụng trong các kỳ thi khác. Nhất là khi xu hướng ra đề thi của Bộ GD&ĐT hiện nay đang chuyển dịch theo hướng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đòi hỏi kỹ năng tư duy và khả năng sử dụng ngôn ngữ linh hoạt.
“Hoặc đơn giản, các bạn sợ ‘bỏ tất trứng vào một giỏ’, dành mọi niềm tin cho điểm thi THPT rồi lại bị bất ngờ trước đề thi thật, lo lắng khi không đạt điểm cao”, anh Đức nhìn nhận.
Trước câu hỏi mức độ khó dễ của đề thi SAT, IELTS so với đề thi tốt nghiệp THPT, anh Đức cho rằng khó có thể so sánh độ khó dễ giữa các kỳ thi với nhau bởi phương pháp đánh giá năng lực là khác nhau, đòi hỏi người học phải đầu tư thời gian, công sức và chiến lược học tập phù hợp.
Với SAT và IELTS, hai kỳ thi này tập trung nhiều vào năng lực tiếng Anh học thuật, kỹ năng tư duy logic và khả năng giải quyết vấn đề. Các bạn học sinh lựa chọn SAT, IELTS thường phải rèn luyện thêm các kỹ năng như đọc hiểu, viết luận phân tích, hay trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh. Những điều này có thể là thử thách không nhỏ nếu nền tảng tiếng Anh của các bạn chưa thật sự tốt.
Do đó, có thể nói việc chuyển từ điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT sang xét tuyển bằng chứng chỉ SAT hoặc IELTS không hẳn dễ hơn, mà chỉ là một sự chuyển dịch áp lực từ hình thức thi này sang hình thức thi khác.
Các kỹ năng cần thiết để đạt kết quả cao trong SAT và IELTS vẫn rất khác biệt và đòi hỏi nỗ lực rất nhiều.
Điều quan trọng là các bạn học sinh và phụ huynh cần hiểu rõ đặc điểm từng kỳ thi, thế mạnh của bản thân, cũng như định hướng ngành nghề để lựa chọn con đường phù hợp, thay vì nghĩ rằng “thi chứng chỉ quốc tế sẽ nhàn hơn”.
Chuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT sang xét tuyển bằng chứng chỉ SAT hoặc IELTS không hẳn là dễ hơn. Ảnh: Medium.
Không thể học cấp tốc mà đòi điểm cao
Chia sẻ thêm với thí sinh, anh Phan Minh Đức cho biết việc học SAT, IELTS đòi hỏi một quá trình rèn luyện đủ lâu và có chiến lược, chứ không thể “học cấp tốc” trong thời gian ngắn mà đạt kết quả cao.
Nếu học sinh năm nay mới lên lớp 12 và mới bắt đầu làm quen với SAT, IELTS, các em vẫn có thể kịp chuẩn bị, nhưng sẽ cần một chiến lược học tập thật rõ ràng, có người hướng dẫn tốt và sự tập trung cao độ.
Tuy nhiên, học sinh không nên vì dành quá nhiều thời gian cho SAT, IELTS mà sao nhãng việc ôn thi các môn tốt nghiệp THPT, bởi điểm thi các môn này ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xét tốt nghiệp.
Việc ôn thi SAT, IELTS khi lên lớp 12 sẽ rất áp lực về mặt thời gian, lượng kiến thức lớn dễ khiến các bạn bị nản. Nếu nền tảng tiếng Anh của các em chưa đủ tốt, việc “nhồi nhét” kiến thức trong thời gian ngắn cũng sẽ kém hiệu quả, gây nên tâm lý hoang mang.
Bên cạnh đó, để biết có thực sự phù hợp với SAT, IELTS hay không, học sinh cần xét đến mục đích thi và năng lực hiện tại. Với các bạn đã có nền tảng tiếng Anh tốt, việc bắt đầu với SAT, IELTS sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Ngoài ra, nếu có khả năng tự học tốt, có kỹ năng phân bổ thời gian hiệu quả thì việc các em thử sức với SAT, IELTS là hoàn toàn có thể.
Dù vậy, anh Đức vẫn lưu ý học sinh nên lên kế hoạch ôn thi chứng chỉ từ sớm (lớp 10, 11) để lớp 12 không bị áp lực và có thời gian ôn thi tốt nghiệp THPT hay các kỳ thi khác.
Để duy trì cân bằng giữa việc học trên trường và ôn luyện các chứng chỉ quốc tế, anh Đức khuyên học sinh:
Cần xác định mục tiêu đầu ra ở mức điểm bao nhiêu, thời gian ôn thi còn lại là bao nhiêu, từ đó lên kế hoạch học tập phù hợp và chi tiết;
Phân bổ thời gian lịch học hợp lý, tránh để bị áp lực, đặc biệt là giai đoạn lớp 12 cần dành cả thời gian cho ôn thi các môn tốt nghiệp;
Chủ động tự học hoặc tìm người hướng dẫn, tránh học một cách mơ hồ, thiếu định hướng sẽ mất thời gian và không có hiệu quả.
Phương Lam