Nhập khẩu thép cán nóng khổ rộng tăng bất thường - có dấu hiệu lẩn tránh thuế?

Nhập khẩu thép cán nóng khổ rộng tăng bất thường - có dấu hiệu lẩn tránh thuế?
9 giờ trướcBài gốc
Bộ Công Thương ngày 4/7/2025 đã ban hành Quyết định số 1959/QĐ-BCT, áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC), có xuất xứ từ Trung Quốc. Đồng thời chấm dứt điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Cộng hòa Ấn Độ.
Thép HRC khổ rộng trên 1.880mm ồ ạt tràn vào
Quyết định 1959/QĐ-BCT được đưa ra sau thời gian dài (từ tháng 7/2024), Bộ Công Thương khởi xướng điều tra theo đơn kiến nghị của một số doanh nghiệp sản xuất thép trong nước. Mức thuế chống bán phá giá chính thức với một số sản phẩm thép HRC Trung Quốc trong quyết định lần này sẽ dao động từ mức 23,1-27,83%, được áp dụng từ ngày 6/7/2025 và kéo dài 5 năm, trừ khi được gia hạn, thay đổi hoặc hủy bỏ theo quy định.
Quy định áp dụng thuế chống bán phá giá với các sản phẩm thép với mã HS như trên có độ dày 1,2 - 25,4mm, chiều rộng không quá 1.880mm
Quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm thép HRC có xuất xứ từ Trung Quốc được phân loại theo các mã HS: 7208.25.00, 7208.26.00, 7208.27.19, 7208.27.99, 7208.36.00, 7208.37.00, 7208.38.00, 7208.39.20, 7208.39.40, 7208.39.90, 7208.51.00, 7208.52.00, 7208.53.00, 7208.54.90, 7208.90.90, 7211.14.15, 7211.14.16, 7211.14.19, 7211.19.13, 7211.19.19, 7211.90.12, 7211.90.19, 7225.30.90, 7225.40.90, 7225.99.90, 7226.91.10, 7226.91.90.
Quy định áp dụng thuế chống bán phá giá với các sản phẩm thép với mã HS như trên có độ dày 1,2 - 25,4mm, chiều rộng không quá 1.880mm. Sản phẩm chưa được xử lý bề mặt như tẩy gỉ, mạ, tráng hay phủ dầu và có hàm lượng carbon không vượt quá 0,3%. Một số mặt hàng như thép không gỉ hoặc thép cán nóng dạng tấm thuộc danh mục loại trừ.
Nhìn chung về thị trường thép, tổng lượng nhập khẩu thép cán nóng HRC trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 4,5 triệu tấn, giảm mạnh so với mức gần 6 triệu tấn nhập về Việt Nam trong nửa đầu 2024. Trong đó, sản lượng nhập khẩu các loại thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc nửa đầu năm nay là 2,8 triệu tấn, giảm 36% so với cùng kỳ.
Song điều đáng nói là từ sau khi Bộ Công Thương ban hành quyết định tạm thời và chính thức chống bán phá giá, một số sản phẩm thép cuộn HRC khổ rộng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam lại tăng bất thường. Theo số liệu hải quan, chỉ riêng tháng 6/2025, lượng nhập khẩu thép cuộn HRC từ Trung Quốc khổ rộng từ 1.880mm trở lên đã lên tới 215.000 tấn, tăng 26 lần so với cùng kỳ 2024 (8.000 tấn).
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, lượng nhập khẩu các loại thép cán nóng khổ từ 1.880mm trở lên từ Trung Quốc về Việt Nam lên gần 650.000 tấn, cao gấp 15 lần so với 6 tháng đầu năm 2024. Trong đó, loại thép khổ rộng 2.000mm chiếm 74% lượng nhập của 6 tháng đầu năm.
Phản ánh từ một số doanh nghiệp sản xuất thép trong nước cho thấy, thép cuộn HRC khổ rộng nhập khẩu tăng bất thường cho thấy, có dấu hiệu rõ ràng của hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, áp dụng từ tháng 2/2025 và được áp dụng chính thức từ 6/7/2025 theo quyết định của Bộ Công Thương.
“Giá nhập khẩu thép HRC khổ rộng trên 1.880mm của Trung Quốc trong tháng 6 bình quân là 502 USD/tấn, giảm 13% so với tháng 6/2024 (576USD/tấn) và giảm 6% so với tháng 5/2025. Nếu tính theo mức thuế chống bán phá giá với thép HRC Trung Quốc đang áp dụng (27,83%), sản lượng nhập khẩu thép HRC khổ từ 1.900mm trở lên trong 6 tháng qua đã làm thất thu rất lớn cho Ngân sách Nhà nước, ước tính khoảng 90 triệu USD, tương đương 2.300 tỷ đồng”, đại diện một doanh nghiệp thép chia sẻ.
Môi trường cạnh tranh méo mó
Trao đổi về vấn đề này, ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngay từ thời điểm Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép HRC có chiều rộng không quá 1.880 mm từ Trung Quốc và Ấn Độ (tháng 2/2025), thị trường ghi nhận xu hướng dịch chuyển mạnh sang nhập khẩu thép HRC có khổ từ 1.900 - 2.000mm. Sản phẩm này nằm ngoài phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời theo Quyết định 460/QĐ-BCT mà không làm thay đổi mục đích sử dụng, giá cả và đối tượng nhập khẩu.
Cơ quan này cho rằng, việc nhập khẩu thép HRC khổ rộng có sự chênh lệch nhỏ so với hàng hóa thuộc phạm vi điều tra, về bản chất không khác biệt đáng kể so với thép HRC đang bị áp thuế về đặc tính kỹ thuật, mục đích sử dụng và kênh phân phối. Hành vi này đã vi phạm Điều 73 và 78 Nghị định 10/2018/NĐ-CP cũng như quy định tại Nghị định 86/2025/NĐ-CP về hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Thị trường ghi nhận xu hướng dịch chuyển mạnh sang nhập khẩu thép HRC có khổ từ 1.900 - 2.000mm
Trước thực tế nêu trên, hiện Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Cục Hải quan đề nghị tăng cường giám sát đối với các lô hàng nhập khẩu sản phẩm thép HRC được kê khai có khổ rộng lớn hơn 1.880 mm, để hạn chế khả năng gian lận của thương nhân thông qua việc khai sai kích thước sản phẩm, nhằm lẩn tránh thuế chống bán phá giá.
Giới chuyên gia nhìn nhận, hành vi lẩn tránh thuế thông qua việc nhập khẩu thép HRC khác kích thước quy định, không chỉ làm triệt tiêu hiệu quả chính sách thuế chống bán phá giá, còn tạo ra môi trường cạnh tranh méo mó, thiếu công bằng, tiềm ẩn nguy cơ gian lận thương mại có hệ thống. Nguy hiểm hơn, hành vi này làm ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước và gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước.
Do đó, nếu Bộ Công Thương không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, xu hướng nhập khẩu thép HRC vào Việt Nam sẽ không chỉ dừng lại ở loại khổ rộng từ 1.900 - 2.000 mm, còn tăng khả năng mở rộng nhập khẩu với thép HRC có khổ lớn hơn 2.000mm để sử dụng như thép cán nóng thông thường. Điều này sẽ gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp sản xuất thép HRC trong nước, tiếp tục làm thất thu ngân sách.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/nhap-khau-thep-can-nong-kho-rong-tang-bat-thuong-co-dau-hieu-lan-tranh-thue-post1215337.vov