Nhập khẩu thép cán nóng khổ rộng tăng đột biến

Nhập khẩu thép cán nóng khổ rộng tăng đột biến
6 giờ trướcBài gốc
Lượng nhập khẩu tăng bất thường
Vừa tạm “thở phào” sau khi Bộ Công thương áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với thép tấm cán nóng nhập khẩu có chiều rộng không quá 1.880 mm, giúp sản xuất và tiêu thụ trong nước phần nào bớt khó khăn, doanh nghiệp nội địa lại tiếp tục đối mặt với hiện tượng thép cán nóng khổ rộng lớn hơn 1.880 mm đến 2.300 mm có lượng nhập khẩu tăng bất thường trong những tháng qua.
Cụ thể, lượng nhập khẩu thép cán nóng khổ rộng 1.880 mm tăng đột biến với mức tăng gấp đôi từ tháng 1/2025 (68.128 tấn) tới tháng 2 (117.623 tấn) và tiếp tục tăng nhanh từ 107.000 tấn trong tháng 3, lên khoảng 217.000 tấn trong tháng 4. Lũy kế 4 tháng đầu năm, nhập khẩu thép cán nóng khổ rộng đã lên tới 510.612 tấn. Đây chủ yếu là các mác thép thông dụng, phổ biến như Q235B, Q355B, SAE 1006, SS400, A36… được dùng để sản xuất tôn, ống thép, kết cấu xây dựng.
Trước dấu hiệu gia tăng nhập khẩu đối với các sản phẩm thép cán nóng lớn hơn 1.880 mm nhằm lẩn tránh thuế chống bán phá giá, Bộ Công thương cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi, thực hiện triệt để, tối đa biện pháp để bảo vệ lợi ích của ngành sản xuất trong nước.
Sở dĩ nhập khẩu thép cán nóng khổ rộng tăng đột biến là do mặt hàng này hiện không phải chịu thuế phòng vệ thương mại. Trong khi đó, từ tháng 2/2025, Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng từ nước ngoài, với điều kiện hàng hóa có chiều rộng không quá 1.880 mm. Nguyên đơn trong vụ việc này là Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất và Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất cho rằng, việc tăng nhập khẩu thép cán nóng khổ rộng kể trên là dấu hiệu rõ ràng cho thấy, có sự thay đổi có mục đích trong hoạt động xuất khẩu của các nhà sản xuất nước ngoài, nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang được áp dụng tại Việt Nam. Hành vi này phù hợp với khái niệm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua thay đổi không đáng kể về hàng hóa theo quy định tại khoản 1, Điều 81, Luật Quản lý ngoại thương.
Trái ngược với xu thế tăng mạnh về nhập khẩu của hàng hóa nghi ngờ lẩn tránh, trong tháng 3/2025, lượng thép cán nóng nhập khẩu thuộc phạm vi bị áp thuế giảm 58% so với tháng 2/2025, từ 594.700 tấn, về còn 244.400 tấn và tiếp tục giảm nhanh chóng xuống mức 7.500 tấn trong tháng 4/2025.
Xem xét kỹ hành vi lẩn tránh thuế
Với sản lượng thép cán nóng khổ rộng nhập khẩu tăng đột biến trong những tháng đầu năm 2025, các nhà sản xuất nội địa cho rằng, hoàn toàn có đủ cơ sở thực tiễn và pháp lý để tiến hành điều tra hành vi lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng có khổ rộng lớn hơn 1.880 mm đến 2.300 mm có xuất xứ từ nước ngoài.
“Hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá đang có xu hướng gia tăng trong năm 2025 và nếu không có biện pháp kịp thời ngăn chặn, việc lẩn tránh này có nguy cơ đe dọa thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước, làm triệt tiêu tính hiệu quả của việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá ban đầu, cũng như gây thất thu ngân sách”, bên yêu cầu điều tra hành vi lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá nhận định.
Theo quy định tại Điều 73 và Điều 78, Nghị định số 10/2018/NĐ-CP, mới nhất là Nghị định số 86/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, hành vi cố ý điều chỉnh thông số kỹ thuật hàng hóa để né tránh biện pháp phòng vệ thương mại là vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, theo quan điểm của một số doanh nghiệp thép, cơ quan chức năng cần xem xét kỹ khi bên yêu cầu cho rằng, lượng nhập khẩu thép cán nóng khổ rộng trên 1.880 mm gia tăng là hành vi lẩn tránh thuế.
Công ty TNHH Xây dựng Trường Thành (Hải Phòng) nêu quan điểm, nên xem xét lại việc mở rộng điều tra chống bán phá giá khi chỉ dựa vào số liệu tăng đột biến thép cán nóng khổ rộng trên 1.880 mm và quy kết đó là hành vi lẩn tránh thuế, ảnh hưởng đến các bên liên quan khác. Thay vào đó, cần xem xét trên cơ sở đánh giá tổng năng lực sản xuất trong nước so với tổng cầu.
Thực tế, các nước có ngành sản xuất công nghiệp thép cán nóng đều luôn ưu tiên áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước khỏi các hành vi phá giá của hàng hóa nhập khẩu, vì đây là ngành công nghiệp thượng nguồn quan trọng đối với một quốc gia có ngành công nghiệp sản xuất thép.
Liên quan vấn đề này, ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, Việt Nam đang áp thuế chống bán phá giá tạm thời với thép cán nóng có khổ dưới 1.880 mm. Cùng với đó, cơ quan phòng vệ thương mại đã tiếp nhận phản ánh thông tin từ các doanh nghiệp và phối hợp với cơ quan hải quan để tăng cường giám sát, yêu cầu khai báo chính xác nhằm ngăn chặn gian lận thương mại.
Được biết, cơ quan chức năng đang phối hợp với các nhà sản xuất trong nước thu thập chứng cứ. Tuy nhiên, việc điều tra hành vi lẩn tránh thuế đối với thép cán nóng khổ lớn cần có hồ sơ kiến nghị chính thức từ bên yêu cầu (nguyên đơn), trên cơ sở đó sẽ tiến hành như một vụ việc riêng biệt.
Thế Hải
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/nhap-khau-thep-can-nong-kho-rong-tang-dot-bien-d318744.html