Nhập nhèm mua bán thực phẩm ở 'chợ online': quy định còn chưa rõ ràng

Nhập nhèm mua bán thực phẩm ở 'chợ online': quy định còn chưa rõ ràng
3 giờ trướcBài gốc
Thực phẩm được đăng trên các "chợ online". Ảnh chụp màn hình
Mua bán bằng… “niềm tin”
Vì 2 con còn nhỏ, để có nhiều thời gian dành cho việc chăm sóc con cái, chị Lã Thị Hồng (ở phường Bồ Đề, quận Long Biên) cho biết, chị thường mua thực phẩm trên nhóm chợ online của khu dân cư nơi chị ở.
Tuy nhiên, theo chị Hồng, không phải lần nào chị cũng mua được những thực phẩm ưng ý. “Cũng có nhiều người họ tận dụng sản vật sẵn có ở địa phương như hải sản đánh bắt hay gà vịt nuôi tại vườn thì những đồ này khá tươi ngon. Nhưng cũng có nhiều những người lấy từ các mối đổ buôn nên sản phẩm thường có màu sắc khá hấp dẫn, nhưng chất lượng thì khó chấp nhận” - chị Hồng chia sẻ.
Tương tự, chị Thanh Hoa (quận Cầu Giấy) do công việc bận bịu nên chị thường mua đồ ăn, thức uống qua các trang thương mại điện tử thay vì đến chợ dân sinh truyền thống.
"Từ rau, hoa quả đến thịt, cá, hải sản tươi sống, chỉ cần dạo mạng, đặt hàng bạn có thể mua được mọi thứ. Các mặt hàng thực phẩm online nhiều khi còn đa dạng và phong phú hơn cả chợ truyền thống" - chị Hoa cho biết.
Chỉ cần đặt hàng, những shop online sẽ lên đơn, đặt ship tới tận nơi, các bà nội trợ được giải phóng khỏi công cuộc đi chợ. Tuy nhiên, ở chợ dân sinh truyền thống, người nội trợ được lựa chọn, mặc cả theo hình thức "thuận mua vừa bán".
Khi mua thực phẩm online, hầu hết các bà, các chị đều lựa chọn thực phẩm dựa trên hình ảnh được chụp và đưa lên mạng theo cảm tính. Do đó, cũng như chị Hồng, chị Hoa đã nhiều lần từng phải “nuốt trái đắng” khi mua hàng online.
Hiện nay, hình thức mua bán trực tuyến trên nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội thu hút người tiêu dùng mọi lứa tuổi do sự đa dạng và tiện dụng.
Tuy nhiên, về chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, quảng cáo sai sự thật, không có địa chỉ kinh doanh cụ thể hoặc không có hóa đơn, chứng từ trên các chợ online là một vấn đề còn bị bỏ ngỏ. Vì vậy, nhiều hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng thông qua mua bán online khi được phản ánh đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không đủ cơ sở để xử lý.
Về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, việc mua hàng qua mạng hiện nay là vấn đề rất nhức nhối, không riêng gì ngành thực phẩm mà còn ở tất cả các ngành nghề khác. Mặc dù bán hàng qua mạng là một tiến bộ và là xu thế tất yếu của xã hội hiện đại, tuy rất tiện lợi và giúp tiết kiệm chi phí, nhưng lại đi kèm bất cập trong khâu kiểm soát. Nhiều tình huống, giữa người bán và người mua chỉ bảo đảm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) bằng "niềm tin".
Những hình ảnh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ảnh chụp màn hình
Quy định quảncòn chưa rõ ràng
Báo cáo tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm hồi tháng 8/2024, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, toàn ngành y tế kiểm tra 232.702 cơ sở, phát hiện 15.046 cơ sở vi phạm về ATTP, chiếm 6,46% cơ sở được kiểm tra, giảm so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân số tiền phạt đối với 1 cơ sở trong 6 tháng đầu năm 2024 là 8,69 triệu đồng, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (4,09 triệu đồng).
Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 70 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 2.942 người mắc và 12 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ tăng 4 vụ (6,1%), số người mắc tăng 1.986 người, số tử vong giảm 1 người.
Nguyên nhân là do đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm có số lượng lớn người mắc liên quan đến vi sinh vật (điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột).
Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra được triểu khai từ Trung ương đến địa phương, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Các chương trình giám sát ATTP được duy trì, mở rộng kiểm tra chuyên ngành sang thanh tra đột xuất đã giúp kịp thời phát hiện, cảnh báo, áp dụng các biện pháp khắc phục và xử lý nghiêm các vi phạm ATTP.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cũng chia sẻ việc kiểm tra trên các kênh thương mại điện tử còn khó khăn, nhiều vật tư nông nghiệp được bán qua thương mại điện tử, kể cả sản phẩm chưa được cấp phép lưu hành. Đây chính là thách thức lớn đối với công tác quản lý ATTP.
Còn theo thống kê của Bộ Công an, thời gian qua, lực lượng này đã quyết liệt kiểm tra về ATTP. 6 tháng đầu năm, các đơn vị trong Công an nhân dân đã phát hiện, đấu tranh, xử lý 3.060 vụ (tăng 31 vụ so với cùng kỳ năm 2023) với 3.074 đối tượng vi phạm pháp luật về ATTP; khởi tố 6 vụ với 10 đối tượng (trong khi cùng kỳ năm 2023 chỉ khởi tố 1 vụ).
Về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, để kinh doanh đồ ăn thức uống qua mạng, người bán cần làm thủ tục tự công bố sản phẩm, để cơ quan chức năng công khai cho người dân được biết. Điều này không chỉ chứng minh nguồn gốc sản phẩm mà còn là cách để xây dựng thương hiệu, giúp khách hàng tin tưởng lựa chọn nhiều hơn. Tuy nhiên hiện nay, quy định về vấn đề này còn chưa rõ ràng.
Còn những khách hàng dù bị lừa đảo, hàng hóa, thực phẩm nhận được không đúng như lúc đặt mua nhưng mang tâm lý "bỏ qua cho xong chuyện", thay vì tố giác đến hội bảo vệ người tiêu dùng hay các cơ quan chức năng, khiến sự việc không được nắm bắt để xử lý.
Luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cần sửa đổi một số điều của pháp luật có liên quan đến hoạt động kiểm soát ATTP, làm cơ sở để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất khi thực hiện pháp luật về kiểm soát ATTP. Trong đó chú trọng hơn nữa việc phân cấp quản lý, tránh chồng chéo giữa Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Minh Dương
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nhap-nhem-mua-ban-thuc-pham-o-cho-online-quy-dinh-con-chua-ro-rang-402105.html