Mệt mỏi, sụt cân, tưởng ung thư hóa rối loạn tâm thần
Người vợ (46 tuổi, Hòa Bình) vốn có tính cách hay lo lắng cầu toàn. Khoảng 5 tháng nay, chồng chị làm ăn thua lỗ, nợ nần. Điều này khiến chị bị căng thẳng, luôn suy nghĩ về chuyện kinh tế gia đình, lo không trả được nợ.
Chị hay có biểu hiện hồi hộp trống ngực, lo lắng bồn chồn bất an, mệt mỏi chậm chạp, ít nói, ít tươi cười, ăn kém ngon miệng, gầy sút 4kg trong 2 tháng nay. Thấy sụt cân nhiều, chị lại lo sợ mắc ung thư nên đi khám ung bướu.
Tuy nhiên, bác sĩ không phát hiện bệnh ung thư nên chị được giới thiệu sang khám chuyên khoa tâm thần.
BSCKII Vũ Thị Lan - Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân nhập viện với cảm xúc lo lắng, buồn chán, giảm công việc nội trợ, bồn chồn, ăn uống kém, ngủ khó vào giấc.
"Khi chồng làm ăn thua lỗ, người vợ không chấp nhận việc này, suy nghĩ nhiều về nợ nần, thu hẹp chi tiêu.
Sau 3 tháng triệu chứng lo lắng tăng lên, hồi hộp, sút cân, từ đó suy diễn ra sút cân là dấu hiệu ung thư. Đây là tình huống rất phổ biến trong cuộc sống, nhưng đa phần có thể vượt qua được sau một thời gian", BS Lan nói.
Ảnh minh họa
Người bệnh được điều trị bằng liệu pháp hóa dược chống trầm cảm, giải lo âu, an thần kinh yên dịu. Cùng với đó là liệu pháp tâm lý trị liệu tâm lý cá nhân, thư giãn luyện tập.
Sau 3 tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhân cải thiện, ăn ngủ tốt hơn, nhận thức được các yếu tố gây stress và các giải pháp đối phó. Bệnh nhân đã xuất viện, tiếp tục tái khám định kỳ.
Phụ nữ dễ bị lo âu gấp đôi nam giới
Theo các bác sĩ, hiện tượng một người bị stress nhưng tưởng rằng mình mắc bệnh ung thư có thể liên quan chứng rối loạn lo âu bệnh tật (Illness Anxiety Disorder) hay còn gọi là bệnh lý nghi bệnh (hypochondria).
Người mắc rối loạn này thường lo lắng quá mức về sức khỏe, liên tục tin rằng mình đang mắc phải một bệnh nghiêm trọng, ngay cả khi không có bằng chứng y khoa rõ ràng. Stress và căng thẳng có thể làm tăng nỗi lo sợ này, vì các triệu chứng thể chất liên quan đến stress (như đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, khó thở) dễ bị nhầm lẫn với dấu hiệu của các bệnh nghiêm trọng như ung thư.
Thực chất, bệnh nhân trên mắc chứng rối loạn lo âu, trầm cảm, đặc trưng bởi các phản ứng cảm xúc trước một sự kiện căng thẳng, thường xuất hiện do thay đổi lớn trong cuộc sống như thay đổi nơi ở, công việc, sức khỏe hoặc các vấn đề gia đình. Tỷ lệ mắc bệnh ước tính từ 2-8% dân số, trong đó phụ nữ mắc rối loạn này gấp đôi nam giới.
Các triệu chứng của rối loạn thường kéo dài trong vòng 3 tháng sau khi gặp yếu tố căng thẳng và dần thuyên giảm sau 6 tháng nếu loại bỏ được tác nhân. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể phát triển thành các rối loạn tâm thần nghiêm trọng.
Triệu chứng phổ biến bao gồm trầm cảm, lo âu kéo dài, giảm năng lượng, mất tự tin, rối loạn giấc ngủ, thay đổi khẩu vị, suy giảm khả năng tập trung hoặc tư duy.
Ở trẻ em, rối loạn này thường biểu hiện qua hành vi cáu giận, nổi loạn, cãi lời người lớn hoặc đổ lỗi cho người khác.
Rối loạn này thường tự khỏi trong vòng 6 tháng nếu loại bỏ được yếu tố gây stress. Tuy nhiên, với những trường hợp kéo dài, bệnh nhân cần được điều trị bằng tâm lý trị liệu, hóa dược hoặc kết hợp cả hai. Tâm lý trị liệu hiện được xem là phương pháp ưu tiên trong điều trị bệnh này.
Bác sĩ khuyến cáo khi gặp biến cố hoặc cảm thấy stress kéo dài, người bệnh nên tìm đến sự hỗ trợ từ các cơ sở y tế hoặc chuyên gia tâm lý để tránh hậu quả nghiêm trọng về lâu dài.
Thúy Ngà