Bác sĩ nội trú Ngô Tuấn Khiêm - Phòng Rối loạn cảm xúc, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết gần đây các bác sĩ đã tiếp nhận 2 bệnh nhân còn trẻ đã mắc các rối loạn tâm thần.
Trường hợp thứ nhất là nam thanh niên 28 tuổi, được đưa vào bệnh viện khám tâm lý triệu chứng hứng khởi quá mức. Người đàn ông trẻ luôn cho rằng mình có khả năng cứu giúp mọi người. Một lần, anh còn vui vẻ cho 2 xe tải mì tôm.
Trong các cuộc trò chuyện, anh tin rằng mình giải quyết được các cuộc chiến trên thế giới. Khi vào viện, nam bệnh nhân đã bị loạn thần. Các bác sĩ phải kê thuốc đồng thời áp dụng tâm lý trị liệu nhằm thay đổi hành vi cho người bệnh.
Một bệnh nhân điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần. Ảnh: P.Thúy.
Trường hợp khác là cô gái N.T.M (20 tuổi, Hà Nội) vào cấp cứu vì các triệu chứng “thừa năng lượng”. Học xong cấp 3, M. đi bán thuê quần áo. Cô luôn cho rằng sẽ mở một công ty lớn dù người xung quanh cảm nhận được đây là các ý tưởng viển vông, không thể thành sự thật. Ngoài ra, cô tin rằng mình có khả năng phi thường cứu cả thế giới.
M. còn mua sắm vô độ, khi không có tiền thì mua trước trả sau, vượt qua khả năng tài chính của bản thân. Nếu được góp ý, cô sẽ khó chịu và không ngừng kể về kế hoạch mở nhiều công ty buôn bán xuyên quốc gia. Bố mẹ thấy con gái hưng phấn nhưng không nghi ngờ đó là dấu hiệu của bệnh.
Sau thời gian miệt mài đi giúp người khác, mua sắm không kiểm soát, cô gái lại rơi vào trạng thái trầm cảm như mất ngủ, ăn ít, mệt mỏi, khí sắc giảm. Thời gian này kéo dài khoảng 2-3 tháng, sau đó, M. bắt đầu quay lại đam mê từ thiện, mua sắm, đòi mở công ty.
Bố mẹ đưa M. đến khám chuyên khoa tâm thần. Các bác sĩ xác định cô bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực, ở giai đoạn hưng cảm và có triệu chứng loạn thần. Sau 15 ngày điều trị thuốc và tâm lý, các triệu chứng thuyên giảm.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Ái Vân - Phòng Rối loạn cảm xúc Viện Sức khỏe tâm thần, rối loạn cảm xúc là hưng cảm và trầm cảm thất thường. Căn bệnh này xuất hiện ở 1,5-2,5% dân số. Trong đó, các giai đoạn hưng cảm gặp nhiều ở nam giới, còn trầm cảm gặp nhiều ở nữ. Tuổi khởi phát thường từ 20-30. Hơn 90% bệnh nhân có thể tái phát sau giai đoạn đầu.
Biểu hiện của bệnh:
- Bệnh nhân có các dấu hiệu khí sắc tăng, hưng phấn, vui sướng quá mức gần như kéo dài cả ngày, mất khả năng tự phê phán trong quan hệ với mọi người bao gồm cả quan hệ tình dục. Người bệnh có thể bị kích thích khi mong muốn của mình không được đáp ứng, gây sự với người khác.
- Tăng các hoạt động ưa thích như làm từ thiện giúp đỡ người khác, mua sắm vô độ, tham gia các hoạt động kinh doanh dù bản thân không có kinh nghiệm gây ra tổn thất tài chính cho bản thân, cơ quan, gia đình. Người bệnh luôn làm phiền người khác, quấy rầy hàng xóm, bạn bè, gọi điện đêm khuya thậm chí là người lạ. Lạc quan vô căn cứ, tự cao, giảm khả năng phê phán dễ rơi vào sai sót.
- Bệnh nhân đề cao mình quá mức bình thường có thể đạt đến mức độ hoang tưởng. Mặc dù không có kinh nghiệm hoặc khả năng đặc biệt nào nhưng bệnh nhân vẫn bắt tay vào viết tiểu thuyết, giao hưởng hoặc công bố một công trình bất khả thi. Bệnh nhân cho rằng họ có nhiều tài năng, có mối liên hệ với một số nhân vật chính trị nổi tiếng hoặc nghệ sĩ lớn.
Theo bác sĩ Vân, người mắc rối loạn lưỡng cực chất lượng cuộc sống kém hơn nhiều; dễ lạm dụng rượu và chất. Người bệnh cần được quan tâm để phát hiện sớm và có chiến lược điều trị hiệu quả.
Phương Thúy