Nhật Bản bùng nổ hoạt động M&A

Nhật Bản bùng nổ hoạt động M&A
5 giờ trướcBài gốc
Cụ thể, năm 2024, hoạt động M&A tăng 44% so với cùng kỳ năm trước và đạt hơn 230 tỷ USD, đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2018. Xu hướng sôi động của hoạt động M&A này được thúc đẩy bởi một sự thay đổi căn bản trong chiến lược của các doanh nghiệp Nhật Bản, nhờ vào nguồn dự trữ tiền mặt dồi dào, nhiều công ty có kết quả kinh doanh tốt song bị đánh giá thấp, áp lực từ các nhà đầu tư đấu tranh vì quyền lợi cổ đông, cũng như từ các đối thủ cạnh tranh trên toàn cầu.
Các thương vụ nổi bật bao gồm: Thương vụ tư nhân hóa Seven & i Holdings Co. (công ty mẹ của chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven) trị giá 57 tỷ USD để ứng phó với đề nghị mua lại từ Alimentation Couche-Tard Inc. (chủ sở hữu chuỗi cửa hàng Circle K), hay cuộc thảo luận giữa Honda và Nissan Motor Co. nhằm tạo ra nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới.
Các công ty tại Nhật Bản đang trở nên chủ động hơn trước sự quan tâm của các đối thủ và nhà đầu tư toàn cầu - Nguồn: Bloomberg
Các quỹ đầu cơ như Elliott Investment Management và ValueAct Capital Partners đóng một vai trò quan trọng trong sự chuyển đổi này. Họ đang gia tăng hoạt động tại Nhật Bản, nhắm mục tiêu vào các công ty bị định giá thấp nhưng có kết quả kinh doanh tốt. Các quỹ này đang nhận được sự ủng hộ của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, trong khi các tổ chức như Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo cũng đang thúc đẩy cải thiện lợi nhuận cho cổ đông.
Theo Bloomberg, Nhật Bản đã ghi nhận gần 150 chiến dịch của các nhà đầu tư chủ động trong năm 2024, tăng 50% so với năm 2023. Theo ông Kenichi Sekiguchi, một đối tác tại công ty luật Mori Hamada, áp lực này đang buộc các công ty phải xem xét việc chuyển sang tư nhân hóa hoặc sáp nhập với các đối thủ cạnh tranh trong nước. Ông dự đoán một số giao dịch quy mô đáng kể sẽ diễn ra trong nửa đầu năm 2025, với giá trị từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD.
Theo ông Tetsuro Onitsuka, một đối tác tại công ty đầu tư EQT AB, việc tư nhân hóa đang trở thành một lựa chọn ngày càng hấp dẫn hơn so với việc trở thành công ty con của một đối thủ. Ông nhận định rằng dù Nhật Bản chưa thể có thị trường sôi động như Mỹ, những thay đổi trong nhận thức này đang mang tới nhiều cơ hội, lựa chọn hơn cho các doanh nghiệp.
Trong khi đó, bất chấp những thách thức như đồng Yên yếu, các công ty Nhật Bản vẫn tích cực thực hiện các thương vụ mua lại doanh nghiệp ở nước ngoài chủ yếu nhờ lượng dự trữ tiền mặt cao - một phần do hoạt động thoái vốn khỏi các khoản đầu tư cổ phần chiến lược.
Ông Ken LeBrun, một đối tác tại công ty luật Davis Polk & Wardwell, dự đoán nhiều thương vụ trị giá hàng tỷ USD sẽ diễn ra trong năm tới, Đối với nhiều công ty Nhật Bản, để đạt được tác động kinh doanh đáng kể, họ phải thực hiện các thương vụ quy mô lớn.
Hai Nam
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/nhat-ban-bung-no-hoat-dong-ma-368983.html