Nhật Bản cấm đi bộ trên thang cuốn

Nhật Bản cấm đi bộ trên thang cuốn
3 giờ trướcBài gốc
Ngày 7/11, báo Japan Today cho biết nhiều địa phương ở Nhật Bản đã ban hành lệnh cấm hoặc áp dụng biện pháp hạn chế đối với hành vi đi bộ trên thang cuốn.
Thực tế ở Nhật Bản, người dân có thói quen đứng nép về một bên khi đi thang cuốn, nhường chỗ cho những người đang vội, cần đi nhanh thì có thể đi bộ qua.
Người Nhật có thói quen đứng nép về một phía, nhường đường cho những người vội vã có thể đi bộ nhanh qua. (Ảnh: KCP International)
Tuy nhiên kể từ tháng 10/2021, sắc lệnh của tỉnh Saitama (miền Trung Nhật Bản) yêu cầu người đi thang cuốn phải đứng yên, nghiêm cấm việc đi bộ trên loại thang này.
Tương tự tại TP Nagoya (thủ phủ tỉnh Aichi, miền Trung Nhật Bản) cũng ban hành luật cấm đi bộ trên thang cuốn, có hiệu lực từ tháng 10/2023.
TP Fukuoka (thủ phủ tỉnh Fukuoka, miền Nam Nhật Bản) có giải pháp mềm hơn, hướng đến các biện pháp hiệu quả nhằm khuyến khích mọi người dừng đi bộ trên thang cuốn trong hệ thống tàu điện đô thị.
Trong đó, chính quyền Fukuoka sẽ thí điểm lắp đặt hệ thống loa phát thanh có áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cảnh báo hành khách đang đi bộ trên thang cuốn, yêu cầu họ đứng yên.
Hồi tháng 5/2024, Hitachi Building Systems, nhà sản xuất thang cuốn hàng đầu Nhật Bản, đã nêu chi tiết những rủi ro đối với hành vi đi lại trên thang cuốn.
Theo nhà sản xuất, thang cuốn không được thiết kế cho mọi người đi bộ mà chỉ để đứng yên, bởi bậc thang cuốn lớn hơn bậc thang thông thường theo Luật Tiêu chuẩn Xây dựng Nhật Bản, làm tăng nguy cơ té ngã nếu đi bộ khi thang cuốn đang vận hành.
Nhà sản xuất khuyến cáo thang cuốn không phải cầu thang thông thường, không nên dùng để đi lại. (Ảnh: KCP International)
Công ty cho biết đã cảnh báo khách hàng từ lâu về những mối nguy hiểm này, nhưng đây là lần đầu tiên công ty trực tiếp kêu gọi người dùng không đi trên thang cuốn. Đại diện công ty khẳng định, phải giải thích rõ ràng cho người dùng rằng thang cuốn không phải là cầu thang.
Thực tế khảo sát của Hiệp hội thang máy Nhật Bản cho thấy trong số 1.550 vụ tai nạn xảy ra trên thang cuốn từ năm 2018 đến năm 2019, 805 vụ việc là do sử dụng không đúng cách, chẳng hạn như đi bộ trên thang cuốn hoặc không bám vào tay vịn.
Bà Toshiko Nitta, Giáo sư Đại học Bunkyo Gakuin (Tokyo, Nhật Bản), chuyên gia về an toàn thang cuốn, khuyên những người cần di chuyển vội thì nên sử dụng cầu thang bộ, không nên chạy hoặc đi bộ trên thang cuốn.
"Để đảm bảo thang cuốn vận hành an toàn và hiệu quả, hành khách phải đứng đều sang hai bên", bà nói.
Không chỉ đảm bảo an toàn và hiệu quả vận hành, những người ủng hộ lệnh cấm di chuyển trên thang cuốn cho rằng quy định này giúp tạo ra xã hội biết quan tâm đến nhau hơn, đảm bảo quyền lợi cho những người khuyết tật, khó khăn trong di chuyển.
Hiệp hội Vật lý Trị liệu Tokyo chỉ ra rằng những người bị khiếm khuyết về thể chất thường chỉ có thể bám vào một bên của thang cuốn và đứng yên. Một số người lớn tuổi, nhất là những người phải chống gậy để đi lại, có thể cảm thấy bị tổn thương khi mọi người vội vã lướt ngang qua họ trên thang cuốn.
Hiệp hội đã tích cực vận động việc đứng yên ở cả hai bên của thang cuốn, trong đó đã phát hơn 8.000 móc chìa khóa có dòng chữ "Tôi có lý do để đứng về phía này" nhằm thúc đẩy nhận thức của cộng đồng.
Lưu Gia Huy
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/nhat-ban-cam-di-bo-tren-thang-cuon-192241108071514616.htm