Nhật Bản: Cảnh báo về hệ thống cống rãnh cũ kỹ có thể tạo ra 'hố tử thần'

Nhật Bản: Cảnh báo về hệ thống cống rãnh cũ kỹ có thể tạo ra 'hố tử thần'
4 giờ trướcBài gốc
Hố tử thần xuất hiện tại nút giao ở thành phố Yashio, quận Saitama, Nhật Bản ngày 28/1/2025. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, các chuyên gia cảnh báo rằng thảm họa hố sụt “tử thần” ở thành phố Yashio, Tỉnh Saitama, do một đường ống thoát nước ngầm bị vỡ đã nhấn mạnh thêm rủi ro ngày càng tăng do cơ sở hạ tầng cấp nước cũ kỹ của Nhật Bản.
Mặt đất bên dưới một ngã tư ở Yashio đã sụp xuống vào ngày 28/1, khiến một chiếc xe tải và tài xế bị rơi xuống hố. Theo các viên chức sở cứu hỏa, hố sụt ban đầu rộng 5m và sâu 10m, đã mở rộng thành 40m và sâu 15m sau một số vụ sập tiếp theo.
Bộ Đất đai Nhật Bản báo cáo các đường ống nước thải bị hư hỏng đã gây ra 2.600 hố sụt kể từ tháng 4/2022, mặc dù hầu hết trong số chúng chỉ sâu dưới 50cm.
Shinya Inazumi, Giáo sư kỹ thuật xây dựng tại Viện Công nghệ Shibaura ở Tokyo, cho biết “hố tử thần” tại Yashio lớn hơn nhiều so với hầu hết các hố sụt khác vì kích thước của đường ống bị vỡ - đường kính của đường ống là 4,75m - và vị trí của nó nằm sâu 10m dưới lòng đất, khiến khối lượng bùn lớn chìm vào đó. Ông nói thêm rằng “hố tử thần” này có thể đã mở rộng vì mặt đất nơi chôn đường ống mềm, khiến đất và cát dưới lòng đất di chuyển nhanh về phía hố sụt.
Giáo sư Inazumi cho biết: "Những đường ống thoát nước lớn như vậy xuất hiện ở khắp cả nước và hầu hết các thành phố ở Nhật Bản đều được xây dựng trên nền đất mềm. Theo nghĩa đó, một tai nạn như thế này có thể xảy ra ở bất cứ đâu.”
Nguyên nhân chính xác gây ra thiệt hại cho đường ống ở Yashio vẫn chưa rõ ràng, nhưng hydrogen sulfide (H2S) có thể đã ăn mòn đường ống bê tông, được xây dựng vào năm 1983. Khí không màu - hình thành từ chất thải của con người và chất tẩy rửa có trong nước thải - được biết là có thể trộn với vi khuẩn để tạo thành axit sunfuric (H2SO4) và ăn mòn bê tông.
Tỉnh Saitama kiểm tra đường ống nước thải năm năm một lần và trong quá trình kiểm tra được thực hiện vào năm 2021, đường ống bên dưới ngã tư Yashio được xếp hạng B trên thang điểm từ A đến C, trong đó A biểu thị mức độ ăn mòn nghiêm trọng nhất và do đó được đánh giá là không cần sửa chữa ngay lập tức.
Ông Inazumi cho biết những cuộc kiểm tra thường xuyên này có thể không đủ, đồng thời nói thêm rằng cần phải kiểm tra thường xuyên và chi tiết hơn.
Hiroki Tanikawa, một giáo sư và chuyên gia về tính bền vững của đô thị tại Đại học Nagoya, đồng ý rằng các hệ thống cống rãnh cũ kỹ ở những nơi khác trên cả nước cũng phải đối mặt với những vấn đề tương tự và chỉ ra những rủi ro về việc các thanh cốt thép bên trong bê tông bị ăn mòn do nước thấm qua các vết nứt.
"Nếu các thanh sắt tiếp xúc với nước, chúng sẽ bị axit hóa và giãn nở, dẫn đến nhiều vết nứt hơn trên bê tông", ông cho biết.
Theo Bộ Đất đai, tính đến tháng 3/2023, các đường ống cống ở Nhật Bản được xây dựng để tồn tại trong 50 năm, nhưng 7% trong số 490.000km đường ống trên khắp Nhật Bản đã qua thời hạn đó. Khoảng 40% đường ống dự kiến sẽ có tuổi thọ hơn 50 năm trong 20 năm nữa.
Giáo sư Tanikawa lập luận rằng các đường ống thoát nước chính sẽ cần được xây dựng để tồn tại lâu hơn nhằm ngăn ngừa tình trạng vỡ đường ống như đường ống ở Yashio. Ông cho biết, lót đường ống bằng nhựa vinyl và vệ sinh thường xuyên cũng có thể ngăn ngừa tình trạng mục nát./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/nhat-ban-canh-bao-ve-he-thong-cong-ranh-cu-ky-co-the-tao-ra-ho-tu-than-post1010040.vnp