Trong tuyên bố, JFTC cho biết Google vi phạm luật chống độc quyền của Nhật Bản khi yêu cầu nhà sản xuất thiết bị Android ưu tiên các ứng dụng, dịch vụ tìm kiếm của mình thông qua thỏa thuận cấp phép.
Các nhà sản xuất như Samsung, Lenovo cần ký thỏa thuận cấp phép với Google để có thể cài sẵn ứng dụng như Play Store trên thiết bị. Tuy nhiên, JFTC nói Google lợi dụng giấy phép để yêu cầu nhà sản xuất cài sẵn và ưu tiên Google Search, Chrome. Tính đến tháng 12/2024, đã có ít nhất 6 thỏa thuận như vậy có hiệu lực.
Nhật Bản yêu cầu Google dừng ngay các hành vi phản cạnh tranh liên quan đến Android. Ảnh: Bloomberg
Ủy ban bổ sung, công ty Mỹ còn yêu cầu đối tác loại bỏ dịch vụ tìm kiếm đối thủ như một điều kiện của mô hình chia sẻ doanh thu quảng cáo.
Theo luật chống độc quyền của Nhật Bản, doanh nghiệp bị cấm thực hiện điều khoản hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của đối tác.
JFTC lần đầu công bố khởi động điều tra Google vào ngày 3/10/2023. Tháng 4/2024, Ủy ban chấp thuận kế hoạch cam kết từ Google, giải quyết một số lo ngại phản cạnh tranh.
Lệnh đình chỉ thể hiện lập trường cứng rắn hơn của Chính phủ Nhật Bản. Đây cũng là lần đầu tiên Nhật Bản làm điều này với một “ông lớn” công nghệ Mỹ.
Theo đó, Nhật Bản ra lệnh Google phải dừng yêu cầu đối tác cài đặt và ưu tiên dịch vụ của mình trên smartphone. Ngoài ra, công ty nên nới lỏng điều kiện chia sẻ doanh thu quảng cáo, cho phép nhà sản xuất lựa chọn trong nhiều tùy chọn.
Google được yêu cầu bổ nhiệm một bên độc lập để báo cáo về việc tuân thủ lên JFTC trong 5 năm tiếp theo.
JFTC cho biết đã phối hợp với các nhà chức trách nước ngoài khác từng điều tra Google. Trong vụ kiện lớn năm ngoái, một thẩm phán Mỹ tuyên bố Google độc quyền bất hợp pháp trên thị trường tìm kiếm. Thỏa thuận tìm kiếm độc quyền trên Android và iPhone đã giúp củng cố vị thế thống trị của Google.
Trong khi đó, Anh quốc mở cuộc điều tra dịch vụ tìm kiếm Google vào tháng 1 sau khi nước này áp dụng quy định quản lý cạnh tranh mới.
(Theo CNBC)
Du Lam