Cảnh sát Nhật Bản. (Nguồn: Kyodo)
Bạn có bị mất ô, chìa khóa hay thậm chí là một con sóc bay? Nếu bạn ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản, bạn có thể hoàn toàn yên tâm rằng chúng đang được cảnh sát chăm sóc chu đáo. Ở thành phố đông đúc với 14 triệu dân này, những món đồ bị thất lạc không bao giờ bị bỏ quên lâu.
Ông Hiroshi Fujii, một hướng dẫn viên du lịch 67 tuổi, chia sẻ: "Du khách nước ngoài ở Nhật Bản thường rất ngạc nhiên khi đồ của họ được tìm thấy và trả lại. Nhưng ở đất nước chúng tôi, điều này là đương nhiên". Ông cho biết việc nhặt được của rơi và trả lại cho chủ sở hữu là văn hóa truyền thống của "đất nước Mặt trời mọc." Ở Nhật Bản, ngay từ nhỏ, trẻ em đã được dạy rằng nếu nhặt được đồ, hãy báo ngay cho cảnh sát.
Tại Tokyo, trung tâm tìm đồ thất lạc của cảnh sát hoạt động vô cùng hiệu quả với khoảng 80 nhân viên làm việc tại quận Iidabashi, trung tâm thành phố. Giám đốc trung tâm, bà Harumi Shoji, cho biết mọi món đồ đều được sắp xếp cẩn thận, gắn thẻ và nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu để có thể trả lại nhanh chóng cho chủ nhân hợp pháp. Thẻ căn cước và giấy phép lái xe là những món đồ thường xuyên bị thất lạc.
Ngoài những vật dụng thông thường, những con vật như chó, mèo và thậm chí là sóc bay, kỳ nhông cũng không ít lần được đưa đến đồn cảnh sát. Tại đây, các sĩ quan chăm sóc chúng rất chu đáo, thậm chí họ còn tìm kiếm tư vấn từ sách vở, bài viết trực tuyến và bác sỹ thú y.
Theo thống kê, trong năm ngoái Sở cảnh sát Tokyo đã tiếp nhận hơn 4 triệu món đồ thất lạc. Khoảng 70% trong số này, gồm các vật dụng có giá trị như ví tiền, điện thoại di động và các giấy tờ quan trọng, đã được trả lại thành công cho chủ nhân của chúng.
Mỗi ngày có hàng chục người dân đến tìm lại những món đồ bị mất.
Các đồ vật bị bỏ quên được đưa về các điểm tiếp nhận đồ ở các nhà ga, đồn cảnh sát nhỏ và các địa điểm công cộng. Trong vòng 2 tuần, nếu không có ai đến nhận thì món đồ sẽ được được chuyển về Trung tâm tìm đồ thất lạc của cảnh sát Tokyo.
Sau 3 tháng vẫn không có ai đến nhận thì món đồ sẽ được đem bán hoặc vứt đi.
Sau khi kết thúc đại dịch COVID-19, lượng khách du lịch đến Tokyo tăng mạnh nên lượng đồ thất lạc mà trung tâm cần xử lý cũng gia tăng.
Nhiều món đồ là những thiết bị công nghệ nhỏ gọn như tai nghe không dây, quạt cầm tay hay các thiết bị điện tử nhỏ... Tuy nhiên, đồ vật bị mất nhiều nhất vẫn là ô dù.
Trong năm qua đã có đến 300.000 chiếc ô bị bỏ lại tại các ga tàu và các khu vực công cộng. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 3.700 chiếc trong số này được quay về với chủ nhân. Trung tâm đã phải dành riêng một khu vực rộng 200m2 chỉ để chứa ô./.
(TTXVN/Vietnam+)