Một địa điểm du lịch tắm suối nước nóng ở Nhật Bản. (Nguồn: Kyodo)
Theo các nguồn tin, Chính phủ Nhật Bản sẽ bắt đầu hỗ trợ các công ty tư nhân đẩy mạnh phát triển các nhà máy điện địa nhiệt, khai thác nguồn tài nguyên địa nhiệt lớn thứ ba thế giới của nước này.
Cụ thể, Chính phủ sẽ đặt mục tiêu thương mại hóa các nhà máy điện địa nhiệt cho đến năm 2030 bằng cách thành lập một Ủy ban khu vực công - tư để xác định các vấn đề, chẳng hạn như cách sử dụng công nghệ địa nhiệt thế hệ tiếp theo và rút ngắn thời gian phát triển các nhà máy.
Chính phủ cũng sẽ tăng các khoản tiền trợ cấp cho các cuộc khảo sát địa chất vì hoạt động khai thác có chi phí cao khoảng 1 tỷ Yên (6,5 triệu USD) nhưng tỷ lệ thành công thấp.
Cho đến khi có xác nhận về việc giải phóng hơi nước sau khi khoan, Tổ chức An ninh kim loại và năng lượng Nhật Bản do chính phủ hậu thuẫn sẽ tài trợ toàn bộ chi phí để giảm thiểu rủi ro cho các công ty.
Các biện pháp này sẽ được phản ánh trong dự thảo Kế hoạch năng lượng cơ bản của Chính phủ vào cuối năm nay.
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba rất muốn thúc đẩy phát triển các nhà máy điện địa nhiệt vì ông thấy điều này mang lại lợi ích cho nền kinh tế địa phương và nhiều nguồn địa nhiệt nằm ở các vùng nông thôn.
Việc phát triển các nhà máy như vậy vẫn là thách thức do khó khăn trong việc phối hợp với các đơn vị quản lý suối nước nóng.
Một nhà máy địa nhiệt thông thường tạo ra điện bằng cách khai thác hơi nước được đun nóng bởi magma nhiệt độ cao sâu dưới lòng đất thông qua các ống dẫn để quay tua-bin điện. Với công nghệ thế hệ mới, việc thu thập nước nóng từ độ sâu lớn hơn nên không xung đột với nguồn suối nước nóng.
Sản lượng năng lượng địa nhiệt hiện tại của Nhật Bản vào khoảng 600.000 kilowatt và chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu tăng sản lượng lên 1,5 triệu kilowatt vào năm tài chính 2030.
(theo Kyodo)
Vy Vy