Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư diễn ra tại Hà Nội từ ngày 14-17/4. (Ảnh: Thành Long)
Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025 do Việt Nam đăng cai có sự tham dự đông đảo nhất từ trước đến nay, với khoảng 1.700 đại biểu từ hơn 40 nước và tổ chức quốc tế, là các nhà lãnh đạo, đại diện các quốc gia, các tổ chức quốc tế, học giả, chuyên gia và doanh nghiệp quốc tế và khu vực. Cá nhân ông đánh giá thế nào về những thành tựu chính mà Hội nghị đã đạt được?
Tôi xin chúc mừng Chính phủ Việt Nam đăng cai thành công Hội nghị thượng đỉnh P4G, các phiên thảo luận đã diễn ra thông suốt và gặt hái nhiều kết quả ấn tượng. Các đại biểu tham dự nhất trí về sự cần thiết phải chung tay đối mặt những thách thức quan trọng trong tăng trưởng xanh.
Điều khiến tôi ấn tượng nhất là nhiều đại biểu đề cập cơ hội tiềm năng mà lĩnh vực này mang lại. Tăng trưởng xanh là con đường mà mọi quốc gia đều cần theo đuổi, giúp mở rộng dư địa hợp tác giữa các nước, tổ chức quốc tế, cũng như cơ hội cho quan hệ đối tác công - tư. Trên tinh thần đó, tôi kỳ vọng cộng đồng quốc tế sẽ chú trọng, quan tâm sâu sắc hơn đến đầu tư khu vực tư nhân và thúc đẩy quan hệ đối tác công - tư.
Thông điệp "Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm" có thể trở thành kim chỉ nam cho hợp tác tăng trưởng xanh giữa Việt Nam và Nhật Bản thời gian tới, thưa Đại sứ?
Tôi cho rằng, Nhật Bản và Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong hợp tác tăng trưởng xanh. Cả hai quốc gia đều coi tăng trưởng xanh là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, hợp tác trong lĩnh vực này sẽ mang lại kết quả cùng thắng cho đôi bên. Hiện Nhật Bản rất quan tâm việc thúc đẩy hợp tác theo Cơ chế tín chỉ chung (JCM). Tính đến hiện tại, chúng ta đã có 50 dự án giữa hai nước.
Tôi hy vọng Nhật Bản và Việt Nam có thể hợp tác chặt chẽ hơn trong khuôn khổ JCM. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã đưa ra khung sáng kiến hợp tác AZEC - Cộng đồng không phát thải châu Á. Gần đây, hai chính phủ đã quyết định ưu tiên triển khai 14 dự án thí điểm. Những dự án này trải dài trong nhiều lĩnh vực như năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, điện gió trên bờ và ngoài khơi, cũng như tận dụng năng lượng tái tạo để thay thế năng lượng truyền thống. Dự án đốt than kết hợp amoniac cũng đang được xem xét.
Tôi cho rằng, 14 dự án này rất phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh và sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội hợp tác tài chính trong quá trình triển khai. Tôi hy vọng, phía Việt Nam sẽ có thể đưa ra khung pháp lý tốt hơn và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hợp tác giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam.
P4G đã trải qua 3 kỳ Hội nghị thượng đỉnh do Đan Mạch (2018), Hàn Quốc (2021) và Colombia (2023) tổ chức và lần thứ tư tại Việt Nam (2025), tiếp tục khẳng định quyết tâm của P4G đóng góp vào sự phát triển xanh và bền vững của khu vực và thế giới, vì một hành tinh xanh và một tương lai xanh. (Ảnh: Thành Long)
Là nền kinh tế phát triển hàng đầu châu Á, Nhật Bản có những kinh nghiệm, bài học phát triển bền vững nào có thể chia sẻ với Việt Nam?
Nhật Bản đã và đang trải qua thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao, với tốc độ tăng trưởng hai con số - điều mà Việt Nam sắp sửa bước vào. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đối mặt nhiều thách thức như ô nhiễm không khí, ô nhiễm sông ngòi, biển cả - những hệ quả của tăng trưởng nhanh.
Vì vậy, tôi hy vọng các doanh nghiệp, cũng như Chính phủ Việt Nam có thể rút ra bài học từ những gì chúng tôi đã trải qua trong thời kỳ tăng trưởng cao đó. Tôi tin rằng, Nhật Bản có thể chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức giúp Việt Nam đi theo con đường tăng trưởng tốt hơn trong tương lai gần.
Xuân Sơn