Nhật Bản không còn 'cố sống cố chết' đạt thỏa thuận với Mỹ

Nhật Bản không còn 'cố sống cố chết' đạt thỏa thuận với Mỹ
3 giờ trướcBài gốc
Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, hôm 7/2. Ảnh: Reuters.
Khi trở về Nhật Bản sau vòng đàm phán thứ hai với Mỹ hôm 3/5, trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản Akazawa Ryosei cho biết Nhật Bản không có ý định ký thỏa thuận với Mỹ trừ khi mọi khoản thuế đã được xem xét.
“Chúng tôi đã thúc giục Mỹ xem xét lại tất cả các biện pháp thuế quan và sẽ không đạt được thỏa thuận nếu chúng không được giải quyết hợp lý”, ông Akazawa nói với báo giới, theo Kyodo. Dù vậy, ông vẫn bày tỏ mong muốn đạt được thỏa thuận vào tháng 6.
Ban đầu, dường như Nhật Bản muốn đạt được thỏa thuận sớm nhất có thể. Tokyo là đối tác thương mại lớn đầu tiên nhận được cam kết đàm phán từ Washington. Nhật Bản cũng nhanh chóng gửi đoàn đàm phán tới Mỹ để trao đổi.
Tuy nhiên, trước áp lực từ giới kinh doanh và ngay cả các thành viên đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền - những người không muốn một thỏa thuận gây nguy hại cho ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản - Thủ tướng Ishiba Shigeru buộc phải tính toán lại.
“Dù Nhật Bản rất vui khi là nước đầu tiên khởi động đàm phán với Washington về thuế quan, cảm giác cấp bách đã không còn nữa. Giờ đây, trọng tâm là đảm bảo rằng Nhật Bản có được một thỏa thuận tốt”, một quan chức tại Tokyo nói với Financial Times.
Tương lai chưa rõ ràng
Chia sẻ với Financial Times, các quan chức Nhật Bản đánh giá ít có khả năng hai bên hoàn tất thỏa thuận trước cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản - dự kiến diễn ra cuối tháng 7. Đảng LDP cầm quyền của Thủ tướng Ishiba được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc bầu cử này.
Tới nay, Mỹ và Nhật Bản đã tổ chức hai vòng đàm phán. Vòng đàm phán thứ ba dự kiến diễn ra vào tuần tới, theo Reuters. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Kato Katsunobu cũng mong muốn sắp xếp cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Scott Bessent bên lề hội nghị nhóm G7 tại Canada tuần tới.
Mục tiêu cao nhất của Nhật Bản là thuyết phục Mỹ bãi bỏ mọi khoản thuế mới nhằm vào nước này, bao gồm khoản “thuế đối ứng” 24% (hiện chỉ áp dụng mức sàn 10% như các nước khác) và thuế 25% nhằm vào ôtô, thép và nhôm nhập khẩu.
Trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản Akazawa Ryosei gặp ông Trump tại Nhà Trắng hồi giữa tháng 4. Ảnh: Nhà Trắng.
Các mức thuế trên có thể khiến các công ty ôtô Nhật Bản thiệt hại khoảng 2.000 tỷ yen (khoảng 13,7 tỷ USD) lợi nhuận, theo đánh giá của các công ty và giới phân tích thị trường.
“Ôtô và linh kiện ôtô là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản sang Mỹ. Do đó, đàm phán Mỹ - Nhật bắt buộc phải xử lý vấn đề thuế ôtô. Nếu chúng tôi không đạt được tiến triển trong lĩnh vực này, chúng tôi sẽ không đạt được thỏa thuận nào cả”, một quan chức Nhật Bản nói.
Trong đàm phán, Nhật Bản có thể đề xuất tăng cường nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp Mỹ, mở rộng thị trường cho ôtô Mỹ, thúc đẩy hợp tác đóng tàu cũng như đầu tư vào các dự án khí tự nhiên tại Alaska, các quan chức Nhật Bản cho biết.
Theo các quan chức, Nhật Bản cũng đề xuất Mỹ giảm thuế dựa trên mức độ đầu tư của các công ty Nhật Bản vào Mỹ.
Dù vậy, Nhật Bản phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong đàm phán. Tokyo phụ thuộc vào Washington về an ninh. Thặng dư thương mại giữa hai nước trong năm tài khóa 2024-2025 lên tới 63 tỷ USD. Chính quyền Trump cũng cáo buộc Nhật Bản cố ý làm suy yếu đồng yen, khiến các cuộc đàm phán thêm phức tạp.
Theo số liệu mới nhất, nền kinh tế Nhật Bản quý I năm nay suy giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2024, trầm trọng hơn so với các dự báo trước đó, Reuters đưa tin. Số liệu này được ghi nhận từ trước khi ông Trump tuyên bố mức thuế đối ứng hôm 2/4.
Tính toán của Thủ tướng Ishiba
Trước Thượng viện, Thủ tướng Ishiba tuyên bố sẽ không hy sinh lợi ích của ngành nông nghiệp Nhật Bản - vốn là nguồn sống của nhiều lao động - để giúp ngành ôtô được giảm thuế.
“Quan điểm của Nhật Bản đã cứng rắn hơn. Shigeru Ishiba đang chiến đấu vì sự sinh tồn chính trị của bản thân và của đảng mình”, ông Nicholas Smith, chuyên gia về Nhật Bản tại tập đoàn đầu tư CLSA, nói.
Ông Ishiba cần bảo vệ quyền lợi của các hãng xe Nhật Bản trong đàm phán với Mỹ. Ảnh: Reuters.
Ông Ishiba lo ngại nếu thỏa thuận với Mỹ gây hại cho một số ngành kinh tế Nhật Bản, đảng LDP sẽ gặp thêm khó khăn. Hồi tháng 10 năm ngoái, ván bài tổ chức bầu cử sớm của ông đã phản tác dụng, khiến LDP lần đầu mất thế đa số trong Hạ viện Nhật Bản kể từ năm 2009.
Kết quả cuộc bầu cử Thượng viện sắp tới có thể còn tệ hơn nếu giới vận động hành lang của ngành nông nghiệp cảm thấy họ bị phản bội, nhất là trong trường hợp Nhật Bản cho phép nhập khẩu ồ ạt nông sản từ Mỹ.
“Vấn đề của Nhật Bản là về nguyên tắc, họ không muốn một thỏa thuận quá nhanh nhưng cũng không thể chắc chắn rằng Mỹ có đủ kiên nhẫn để xây dựng một thỏa thuận phức tạp”, một quan chức Nhật Bản nói.
Ông Stephen Nagy, giáo sư tại Đại học Công giáo Quốc tế ở Tokyo, đánh giá chiến lược của ông Ishiba phụ thuộc giả định rằng Mỹ quan tâm tới quan hệ đối tác an ninh hơn là thuế quan.
“Tôi nghĩ Nhật Bản sẽ nhận ra ông Trump muốn có mức thuế sàn. Kể cả có làm gì chăng nữa, Nhật Bản vẫn không thể thoát”, ông Nagy nói.
Hà Thủy
Nguồn Znews : https://znews.vn/nhat-ban-khong-con-co-song-co-chet-dat-thoa-thuan-voi-my-post1553663.html