Nhật Bản là thị trường trọng điểm
Ngày 4/7, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đà Nẵng và Cơ quan Xúc tiến du lịch Nhật Bản (JNTO) tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo và kết nối kinh doanh thương mại xúc tiến du lịch Nhật Bản tại Đà Nẵng với sự tham dự của cộng đồng doanh nghiệp du lịch Việt Nam và Nhật Bản.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cho biết kể từ ngày 1/7, TP Đà Nẵng chính thức sáp nhập với tỉnh Quảng Nam, hình thành một đô thị trực thuộc Trung ương có diện tích lớn nhất cả nước, với tổng diện tích hơn 11.800 km² và quy mô dân số trên 3 triệu người, với nhiều tài nguyên di sản văn hóa và thiên nhiên đa dạng.
Quang cảnh Hội thảo và kết nối kinh doanh thương mại xúc tiến du lịch Nhật Bản tại Đà Nẵng do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đà Nẵng và Cơ quan Xúc tiến du lịch Nhật Bản (JNTO) tại Việt Nam phối hợp tổ chức.
Việc sáp nhập mở ra tiềm lực to lớn về không gian, hạ tầng và nguồn lực phát triển, đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm động lực quan trọng của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung.
Trong định hướng phát triển thời gian tới, Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, điểm đến sáng tạo của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á vào năm 2030, hướng tới trở thành một trong những trung tâm du lịch hàng đầu châu Á và thế giới vào năm 2045.
“Thị trường Nhật Bản luôn là một trong những thị trường quốc tế trọng điểm của Đà Nẵng. Năm 2024, thành phố đón hơn 179.000 lượt khách Nhật Bản; riêng trong 6 tháng đầu năm 2025, con số này đã đạt hơn 108.000 lượt, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước”, bà Hoài An chia sẻ.
Cũng theo bà Hoài An, hiện Đà Nẵng được kết nối với Nhật Bản qua 11 chuyến bay trực tiếp mỗi tuần, gồm 7 chuyến từ Narita và 4 chuyến từ Osaka. “Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa giao lưu du lịch, thương mại và văn hóa giữa hai bên. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với JNTO và các đối tác Nhật Bản để làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa Đà Nẵng và các địa phương Nhật Bản trong thời gian tới”, bà Hoài An nhấn mạnh.
Việt Nam là tiềm năng du lịch của Nhật Bản
Chúc mừng Đà Nẵng tiếp nhận nhiều dư địa du lịch phong phú sau sáp nhập, ông Mori Takero, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng đánh giá cao nỗ nối lại đường bay thẳng giữa Osaka và Đà Nẵng trong bối cảnh Triển lãm Thế giới tại Osaka (EXPO 2025) là cơ hội để thúc đẩy phát triển du lịch 2 nước.
Ông Mori Takero, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng đánh giá cao nỗ nối lại đường bay thẳng giữa Osaka và Đà Nẵng trong thúc đẩy phát triển du lịch 2 nước.
Bên cạnh đó ông Mori cũng đánh giá cao mức tăng trưởng kinh tế 11% của Đà Nẵng, nhất là trong thời gian tới, với sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn và AI, cùng với việc hình thành Khu Thương mại tự do và Trung tâm tài chính quốc tế, Đà Nẵng sẽ đón nhận lượng lớn khách thương mại đến TP.
“Năm 2024, lượng khách du lịch từ Nhật Bản sang Việt Nam đạt 166.500 lượt, tăng 2.5 lần so với năm 2023. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ishiba vào tháng 4/2025, Việt Nam và Nhật Bản đã thể hiện quyết tâm thúc đẩy hơn nữa giao lưu du lịch với mục tiêu đạt mốc 2 triệu lượt khách du lịch hai chiều mỗi năm.
Tôi hy vọng chúng ta sẽ tận dụng tối đa những yếu tố thuận lợi hiện có như sự ra đời của TP Đà Nẵng mới, việc tăng cường chuyến bay thẳng và sự gia tăng nhu cầu kinh doanh, đóng góp một cách cụ thể vào việc thực hiện mục tiêu đã được các lãnh đạo cấp cao thống nhất”, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng nhấn mạnh.
Việc mở lại đường bay từ Đà Nẵng đến Kansai và các thành phố lớn của Nhật Bản sẽ thúc đẩy sự gia tăng lượng khách du lịch từ khu vực miền Trung đến Nhật Bản và ngược lại
Theo JNTO, số lượng du khách Việt Nam đến Nhật Bản vào năm 2024 đạt 621.100 người, tăng 8,2% so với năm trước, vượt qua kỷ lục của năm 2023. Năm 2025, xu hướng tích cực vẫn tiếp tục, với tổng số lượt khách từ tháng 1 đến tháng 5/2025 đạt 311.700 người, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả nhờ vào những nỗ lực không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.
Cũng theo JNTO, khoảng 80% du khách Việt Nam chưa từng đến Nhật Bản, điều này cho thấy thị trường vẫn còn tiềm năng phát triển rất lớn. Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch Nhật Bản hiện nay vẫn chủ yếu tập trung vào “Cung đường vàng” và thời gian du lịch cũng tập trung vào mùa hoa anh đào (tháng 3-4) và mùa lá đỏ (tháng 10-11). Do đó, tình trạng quá tải du lịch đang dần trở thành mối lo ngại tại một số khu vực đô thị lớn và các điểm tham quan nổi tiếng.
Theo bà Matsumoto, Trưởng đại diện JNTO tại Việt Nam, tiềm năng phát triển du lịch của Việt Nam đối với Nhật Bản là rất lớn
“Trong bối cảnh đó, nhu cầu từ các công ty du lịch về những hành trình tour mới cũng như các điểm đến khác đang ngày càng gia tăng, nên việc mở lại đường bay từ Đà Nẵng đến Kansai và các thành phố lớn của Nhật Bản sẽ thúc đẩy sự gia tăng lượng khách du lịch từ khu vực miền Trung đến Nhật Bản cũng như lượng du khách Nhật Bản đến Đà Nẵng, góp phần vào sự giao lưu giữa hai nước”, bà Matsumoto, Trưởng đại diện JNTO tại Việt Nam chia sẻ.
Hồ Xuân Mai